Khi học sinh “khởi nghiệp” trong… trường

04/02/2024 - 06:00

PNO - Nhiều trường học tại TPHCM đã tổ chức các hoạt động, mô hình kinh doanh ngay tại trường để học sinh làm quen với việc khởi nghiệp từ sớm.

1 tuần khởi nghiệp sớm

Chưa đến 7g, sân trường còn thưa thớt người, nhiều học sinh lớp 8A6, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình, TPHCM) đã có mặt ở trường để mở 3 quầy bán nước ngọt. Các em bố trí một khu vực cho khách hàng xếp hàng. Sau khi chọn món, đưa tiền hoặc thanh toán bằng thẻ từ, khách hàng đi ra khỏi quầy ở đầu còn lại. 

Học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình, TPHCM) bán nước giải khát trong giờ ra chơi - ẢNH: T.T.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình, TPHCM) bán nước giải khát trong giờ ra chơi - Ảnh: T.T.

Một “nhân viên” vừa bán hàng, vừa luôn miệng rao: “Giá mỗi chai nước là 10.000 đồng, nếu mua 2 chai sẽ khuyến mãi 1 gói mì trẻ em, mua 3 chai và 1 hộp sữa thì được tặng thêm 1 gói mì, 1 phần kẹo…”. Em Phạm Hoàng Thảo Nhi - phụ trách việc nhập kho và kinh doanh - cho biết: “Chúng em đã chủ động tìm nguồn hàng giá sỉ và may mắn được hỗ trợ. Nhưng vì họ là cửa hàng lớn, khá bận nên đôi khi không giao hàng đúng giờ, kết quả là bị thiếu hàng để bán. Sau ngày đầu tiên, chúng em đã quyết định đặt nhiều hàng hơn để không ảnh hưởng việc kinh doanh”.

Mỗi ngày, các em bán đến 6 ca trước mỗi giờ vào lớp, ra chơi và ra về. Do đó, các em phải đến trường sớm hơn, ngủ trưa ít hơn và về nhà trễ hơn các bạn khác. Em Phạm Ngọc Minh Trâm - phụ trách chung - bộc bạch: “Lúc đầu em đoán không đông khách nhưng không ngờ là rất đông luôn. Cũng có lúc em mệt mỏi, nhưng được giao tiếp và học hỏi nhiều nên em thấy vui và cố gắng hơn”. 

Để có kinh phí ban đầu, các thành viên của lớp phải bỏ vốn, có thể nhờ ba mẹ hỗ trợ, mỗi em góp 100.000 đồng. Các em cũng có thể vay vốn với giáo viên chủ nhiệm và đại diện phụ huynh học sinh, cam kết hoàn tiền sau khi thu hồi vốn. Những ngày đầu, chuyện thất thoát tiền vẫn thường xuyên xảy ra nhưng cả lớp vẫn nỗ lực. 1 tuần kinh doanh, sau khi trừ chi phí, lớp lãi được hơn 12 triệu đồng. Số tiền này sẽ được dùng để quyên góp giúp những học sinh khó khăn. 

Đây chính là hoạt động “Khởi nghiệp tuổi 14” dành cho học sinh khối Tám của Trường THCS Nguyễn Gia Thiều. Mỗi lớp thực hiện việc kinh doanh trong vòng 1 tuần, chương trình kéo dài đến tháng 5/2024. Ông Nguyễn Xuân Đắc - Hiệu trưởng nhà trường - đánh giá: “Điều vui nhất sau hoạt động là nghe học sinh nói ra mình đã làm được gì và chưa làm được gì. Vì để làm được điều này, các em phải vận dụng kiến thức của rất nhiều môn học, từ thống kê, tính toán trong môn toán, giao tiếp trong môn văn, khả năng sử dụng môn tiếng Anh, khả năng trang trí, làm quảng cáo bằng kỹ năng mỹ thuật, âm nhạc…”. 

Tự do trải nghiệm

Với học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn, TPHCM), thứ Hai đầu tuần luôn là một ngày thú vị khi được tham gia hoạt động của Câu lạc bộ (CLB) Cà phê sách. Được thành lập từ năm học 2022-2023, CLB gồm 2 hoạt động chính: kinh doanh thức uống vào giờ ra chơi sáng thứ Hai và không gian mở phục vụ đọc sách suốt tuần.

Cô Trương Võ Ngọc Châu - giáo viên đưa ra ý tưởng hoạt động - chia sẻ: từ số vốn 800.000 đồng do trường hỗ trợ, các thành viên đã tự cân đối để vừa kinh doanh, vừa đầu tư trang trí không gian quán. Bất cứ học sinh nào có nhu cầu kinh doanh sẽ đăng ký lên trang fanpage để được sắp xếp thời gian tham gia. 

Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn, TPHCM) tham gia sự kiện tại không gian cà phê sách - Nguồn ảnh: Facebook nhà trường
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn, TPHCM) tham gia sự kiện tại không gian cà phê sách - Nguồn ảnh: Facebook nhà trường

Với 20 thành viên nòng cốt và nhiều cộng tác viên, CLB được chia thành 3 ban: kinh doanh, truyền thông và sách. Ban truyền thông có nhiệm vụ giới thiệu thực đơn của tuần lên fanpage CLB trước ngày bán 5 ngày để thu hút học sinh. Ban kinh doanh đảm nhận việc tính toán thu chi, đồng thời lên thực đơn đồ ăn, thức uống theo thị hiếu học sinh. Còn ban sách thì thiết kế các hoạt động về sách. Ngoài ra, khuôn viên quán cà phê cũng thường xuyên được học sinh đăng ký để tổ chức các sự kiện như bán hàng gây quỹ, talk show, sự kiện âm nhạc… Các em được tự do trang trí, quản lý sổ sách, thu chi, mời khách và điều phối chương trình theo ý thích, khả năng của mình. 

Em Trần Thanh Nguyệt Thủy - học sinh lớp 11B09 - chia sẻ: “Việc được tự tay chuẩn bị sách, kinh doanh bánh, nước và chuẩn bị các phần quà tiêu tốn của em khá nhiều năng lượng. Nhưng bù lại, em cảm thấy hạnh phúc khi được mọi người đón nhận thành quả. Em cũng học được cách lập kế hoạch khi làm việc, cách quản lý từ một nhóm nhỏ đến một tập thể lớn”.

Từng tham gia bán hàng gây quỹ tại CLB, em Ngươn Ngọc Điệp bày tỏ: từ ngày tham gia CLB, em học được rất nhiều kỹ năng như: giao tiếp, kinh doanh, lên kế hoạch cho một dự án… Nhưng điều ý nghĩa đối với em chính là tinh thần luôn biết chia sẻ, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn và luôn tạo ra các giá trị có ích cho cộng đồng.

“Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bậc THPT được xác định là giai đoạn định hướng nghề nghiệp, có trang bị cho học sinh các kỹ năng về khởi nghiệp. Do vậy, việc tạo môi trường thực tế để học sinh được trải nghiệm kinh doanh là hết sức cần thiết. Qua đó giúp các em sớm hình dung về việc kinh doanh, khởi nghiệp thì thế nào, có những rủi ro ra sao và bạn nào sẽ thực sự thích hợp…” - Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Ánh Mai nhấn mạnh. 

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI