Khi hoang mang tuyệt vọng, tình thân là bấu víu cuối cùng

23/07/2019 - 05:30

PNO - Tôi rùng mình nghĩ tới cảnh chị cạy miệng con gái nhỏ đổ thuốc sâu rồi tự uống nốt phần còn lại. Sự quan tâm đúng lúc của người thân, chính là chiếc phao cứu sinh vực một ai đó không bị nhấn chìm trong cơn khốn cùng.

Thị trấn nhỏ chỗ tôi ở lần đầu có lớp dạy thể dục thẩm mỹ. Buổi học đầu tiên được bốn học viên, rồi người này rủ người kia, lớp học đông dần. Cô giáo đứng lớp có đôi mắt rất đẹp, thân hình chuẩn như người mẫu. Vòng eo “con kiến” của cô khiến đám học trò bụng mỡ ngưỡng mộ quá chừng. Ai cũng háo hức hỏi cô “tập bao lâu thì có vòng eo giống vầy?”. Cô động viên: “Các chị siêng tập, vài tháng là có liền”.

Khi hoang mang tuyet vong, tinh than la bau viu cuoi cung
Ảnh minh họa

Đám học viên mến cô giáo tận tâm, hòa đồng nên lớp buổi sáng hay mời cô uống cà phê, ăn sáng; lớp buổi chiều thì mời ăn lẩu, mì cay, hột vịt lộn… Chủ nhật, hỏi cô sao không về quê. Cô nói cha mẹ nội ngoại mất hết rồi, cô chẳng có anh em, còn chồng cô, lúc con gái mới mười tám tháng, đã bỏ cô theo người khác. Đám học viên rưng rưng, người đẹp mà sao đời buồn quá đỗi…

Cô trò thân nhau, cô kể với tôi, sau khi chồng bỏ đi, cô gắng gượng nuôi con. Cô tự vực mình đứng lên với ý nghĩ phải quyết tâm làm giàu, phải cho con gái một tương lai tốt đẹp. Cô cầm nhà, vét hết vốn liếng đổ vào việc kinh doanh. Thương trường khắc nghiệt, cô mất luôn căn nhà cha mẹ để lại. Thấy cô đổ nợ, họ hàng bạn bè tránh xa. Bơ vơ không lối thoát, cô quyết định mẹ con cùng chết. Con gái cô may được cứu kịp thời, còn cô, phải chuyển lên Sài Gòn điều trị cả tháng.

Tôi rùng mình khi tưởng tượng cảnh cô cạy miệng con gái bé nhỏ để đổ thuốc trừ sâu, rồi tự mình uống nốt phần còn lại. Tưởng tượng thôi đã thấy không chịu nổi, thương cô đến thắt lòng. Nợ nần không đáng sợ, sợ nhất là cảm giác bơ vơ cô độc giữa đám đông. Đôi khi người ta lướt qua sự đau khổ của nhau một cách hững hờ, rằng chuyện ai nấy biết nấy lo. Sự hờ hững của đồng loại nhấn chìm tận đáy những tâm hồn đang tuyệt vọng. 

Tôi có đứa em gái vất vả lắm mới thụ tinh nhân tạo được đứa con. Sinh mạng của bé Thỏ đối với em quý giá đến mức em không để ai đụng vào con bé. Nhiều lúc bực, tôi dằn dỗi: “Mày làm như để chị bế thì sứt mất cục vàng vậy”.

Tâm lý bất thường của em cũng dễ hiểu, nhưng cách làm của em khiến tôi không thể cảm thông. Mỗi lần Thỏ bệnh, em không ăn không ngủ, chăm chăm dõi theo từng cái nhíu mày, hơi thở của con.

Khi hoang mang tuyet vong, tinh than la bau viu cuoi cung
Hình minh họa

Tôi đi làm, liên tục bị em khủng bố bằng điện thoại. Em rên rỉ: “Chị ơi sao Thỏ khò khè thấy sợ quá?”, “Thỏ ho tới chảy nước mắt, có cần đưa đi cấp cứu không chị?”, “Thỏ ngủ li bì là bị gì vậy chị?”… Lúc đầu tôi còn kiên nhẫn, sau thì nổi điên: “Trẻ nào chẳng thế, bệnh rồi thì khỏi. Chắc chị mất việc vì mày”. Tôi không biết, lúc đó em cần biết bao nhiêu lời dịu dàng, nâng đỡ từ bà chị như tôi.

Mãi tới lần Thỏ khóc quá, em tuyệt vọng mở cửa bỏ con ra đường, tôi mới cuống cuồng đưa em tới bác sĩ tâm lý. Bác sĩ nói bệnh trầm cảm của em khá nặng, gia đình phải gần gũi, cho em cảm giác an toàn, tạo không khí vui vẻ lạc quan, giúp em nâng đỡ tinh thần… Nhìn em ủ rũ không còn sức sống, lòng tôi quặn đau, hối hận quá đỗi. Giá như tôi chịu lắng nghe, quan tâm em nhiều hơn, em đã không ra nông nỗi này.

Khi người ta hoang mang tuyệt vọng, tình thân là chỗ bấu víu cuối cùng. Cánh tay chìa ra lúc này, khác gì tái sinh họ lần nữa. Đừng nên bỏ qua dù là tiếng thở dài của những người bên cạnh mình. Sự quan tâm đúng lúc của người thân, chính là chiếc phao cứu sinh vực một ai đó không bị nhấn chìm trong cơn khốn cùng của cuộc đời họ. 

Đức Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI