Khi họa sĩ dùng ngón tay thay cọ

08/07/2023 - 07:03

PNO - Không như nhiều họa sĩ khác, Hồng Ngọc chọn vẽ bằng ngón tay thay vì dùng cọ. Cách vẽ này cho cô cảm nhận trực tiếp độ mịn, mướt của chất liệu trước khi “chơi đùa” cùng chúng trên bản vẽ.

Với giới hội họa Việt, họa sĩ Hồng Ngọc (sinh năm 1993) là tân binh nhiều tiềm năng, bởi cô đang chọn lối đi không giống với đại đa số - vẽ bằng ngón tay thay vì dùng cọ. Cách vẽ này do cha cô - họa sĩ Nguyễn Hưng Trinh - gợi ý.

Ngược về những ngày thơ bé, Hồng Ngọc sớm bộc lộ sở thích với hội họa. Sau nhiều năm để con tự do sáng tạo, đến năm con 15 tuổi, họa sĩ Nguyễn Hưng Trinh tập cho con vẽ bằng bay và ngón tay. Vì thích chạm trực tiếp vào màu sắc để cảm nhận nên Hồng Ngọc chọn dùng tay và gắn bó đến nay.

Họa sĩ Hồng Ngọc  bên tác phẩm của mình
Họa sĩ Hồng Ngọc bên tác phẩm của mình

Những nỗi buồn đẹp là triển lãm đầu tay của Hồng Ngọc với đa phần tranh chân dung. Một đặc trưng dễ thấy trong tranh của cô là nhân vật được vẽ hầu như đều có đôi mắt to, tròn.

Chủ đề Hồng Ngọc đưa vào tranh của mình không mới. Đơn cử như hình ảnh thiếu nữ mặc cổ phục, trang phục truyền thống hay hiện đại với cách búi tóc, vấn khăn, yểu điệu bên hoa... đã từng xuất hiện ở nhiều tranh ảnh, tác phẩm khác, không riêng hội họa. Nhưng với cách đi màu mà cụ thể hơn là đi màu bằng tay, Hồng Ngọc mang đến một thế giới sắc màu rất khác, có độ loang và chuyển màu vừa phải.

So với cách vẽ bằng cọ, việc vẽ bằng ngón tay đòi hỏi độ cảm màu từ người vẽ khá lớn bởi nếu có sai sót, việc chỉnh lại rất khó, dễ làm hư tác phẩm. Khi vẽ, họa sĩ Hồng Ngọc sẽ nặn màu trực tiếp lên toan và bắt đầu dùng tay để di chuyển màu và đi đường nét. Tất cả thao tác phụ thuộc rất lớn vào cảm hứng của người vẽ ngay thời điểm thực hiện tác phẩm.

Bên cạnh tình yêu hội họa được cha truyền lại, Hồng Ngọc còn nhận sự dẫn dắt của bác ruột là nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc và chú ruột là nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng. Hồng Ngọc không chọn con đường vào đại học để được đào tạo bài bản mà chủ yếu tự học, sau hành trình tham gia một số lớp ngắn hạn. Trong khoảng thời gian 5 năm qua, Hồng Ngọc chuyên tâm vào việc quan sát, cảm nhận thế giới quan bên trong và vẽ. Triển lãm Những nỗi buồn đẹp là thành quả bước đầu của quá trình nghiêm túc thể hiện mình của Ngọc.

Bức tranh Tịch mịch
Bức tranh Tịch mịch

Chia sẻ về tranh của cháu, nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng cho biết anh ấn tượng về cấu trúc, bố cục và bảng màu, dù những đề tài được thể hiện khá gần gũi. Đặc biệt, anh thấy hứng thú với hình ảnh đôi mắt: “Tất cả các đôi mắt đều mở to, nhưng trạng thái cảm xúc của từng đôi mắt, gắn liền với từng chủ đề qua từng bức tranh thì lại rất khác nhau. Không chỉ biểu hiện sự ngây thơ, hồn nhiên hay thánh thiện, mà còn có cả những lo lắng, những nỗi buồn ẩn sâu...”.

Triển lãm Những nỗi buồn đẹp khai mạc lúc 18g ngày 7/7 tại J Art Space, 30 đường số 10, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức; kéo dài đến hết ngày 16/7. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI