Khi hoa hậu tiếp cận với công chúng

24/04/2022 - 13:49

PNO - Các cuộc thi nhan sắc đang được đưa đến gần khán giả hơn thông qua truyền hình thực tế. Cách làm này dù khiến ban tổ chức, thí sinh chịu nhiều áp lực nhưng đem lại nhiều lợi ích.

Nhộn nhịp truyền hình thực tế về hoa hậu

Chương trình Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 vừa lên sóng tập đầu hôm 17/4. Đây là mùa thứ ba, cuộc thi này tổ chức truyền hình thực tế. Năm nay, hình thức đổi mới hơn. Thí sinh được chia làm hai đội, do á hậu Mâu Thủy và á hậu Kim Duyên làm huấn luyện viên.

Trở lại sau gần mười năm, cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam cũng tổ chức chương trình truyền hình đồng hành. Thay cho việc thi đấu đối kháng, ban tổ chức (BTC) hướng vào yếu tố văn hóa. Khán giả có thể thấy những lát cắt văn hóa thông qua tiếng nói, điệu múa, câu chuyện kỷ vật, di sản vật thể, phi vật thể của dân tộc...

Các thí sinh Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 ghi hình cho chương trình thực tế Người đẹp du lịch tại Thái Nguyên
Các thí sinh Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 ghi hình cho chương trình thực tế Người đẹp du lịch tại Thái Nguyên

Hoa hậu Thể thao Việt Nam cũng sử dụng hình thức truyền hình thực tế để truyền tải nội dung đến công chúng. Hoa hậu Thế giới Việt Nam tổ chức hai chuỗi chương trình thực tế riêng biệt: Người đẹp du lịch và Người đẹp nhân ái. Các hoạt động như: thi tài năng, rèn luyện kỹ năng, giao lưu thí sinh… đều được livestream trên fanpage của cuộc thi. Hoa hậu Việt Nam - sân chơi nhan sắc lâu đời nhất - cũng tiếp cận công chúng gần hơn trong mùa giải 2020, bằng các hình thức tương tự.

Không chỉ vậy, giờ đây khán giả có thể tác động đến một số hoạt động, kết quả phần thi phụ của thí sinh. Chẳng hạn, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 sử dụng lượt yêu thích, tương tác từ ảnh thí sinh đăng tải trên fanpage để quyết định năm thí sinh được dùng bữa tối với bà Phạm Kim Dung - chủ tịch cuộc thi. Đây là cơ hội thí sinh thể hiện bản thân với BTC ở phạm vi gần, và cả trước khán giả thông qua các phần livestream. Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cũng cho khán giả bình chọn thí sinh yêu thích nhất…

Nhiều áp lực

Chiến lược tiếp cận khán giả ở các cuộc thi chỉ diễn ra mạnh mẽ thời gian gần đây. Thực tế, việc xây dựng các chuỗi hoạt động, chương trình này tiêu tốn không ít kinh phí. Vì thế, các đơn vị có nguồn tài trợ lớn dễ thực hiện hơn. Hoạt động này cũng góp phần vào việc quảng bá hình ảnh cho các đơn vị tài trợ.

Các thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2020 trong chuỗi chương trình Người đẹp nhân ái
Các thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2020 trong chuỗi chương trình Người đẹp nhân ái

Ông Tùng Leo - đại diện BTC Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam - lý giải: “Trong bối cảnh phát triển của mạng xã hội hiện tại, tâm lý khán giả luôn tò mò, muốn biết những gì đang diễn ra xung quanh họ. Vì thế, việc tổ chức các hoạt động để đưa cuộc thi đến gần khán giả cũng là động thái cần thiết”.

Bà Phạm Kim Dung - Trưởng BTC Hoa hậu Thế giới Việt Nam - nói: “Muốn khán giả yêu mến cuộc thi, thí sinh, cần phải đưa họ đến gần khán giả. Nhiều người đẹp bước ra quốc tế rất cần sự ủng hộ từ quê nhà. Nhưng chúng ta không thể buộc khán giả yêu thích một cô gái hoàn toàn xa lạ với họ. Vì thế, việc mở cửa này sẽ tạo sự kết nối, tình cảm giữa đôi bên. Thậm chí, những thí sinh không đạt giải thưởng cao, nhưng được khán giả yêu thích, thì đây cũng là bước đệm giúp họ trong tương lai”.

Tại Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, chuỗi chương trình thực tế giúp các cô gái có “đất” để thể hiện. Nhóm gương mặt mới không lép vế với những cô gái đã nổi tiếng. Ngoài nhan sắc, nhiều thí sinh đã cho thấy trình độ học vấn, khả năng ngoại ngữ tốt, tư duy lãnh đạo, có quan điểm sống, chính kiến… thông qua chuỗi hoạt động này của BTC.

Những yếu tố này giúp làm thay đổi một số định kiến có từ trước trong công chúng về các thí sinh thi hoa hậu, người đẹp. Những đoạn clip giao lưu, thể hiện quan điểm của thí sinh Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam… đã lan tỏa, truyền nhiều thông điệp đến công chúng về nữ quyền, tư duy lãnh đạo, bình đẳng giới… Khi các cuộc thi đến gần công chúng, thí sinh cũng ý thức hơn trong việc xây dựng hình ảnh, trang bị kiến thức, tư duy, lối sống để luôn chỉn chu mỗi lần xuất hiện.

Tuy nhiên, qua đây, khán giả cũng có thể thấy được những điểm chưa hoàn thiện của thí sinh trong suy nghĩ, ứng xử, phát ngôn… và cả về vóc dáng, gương mặt, làn da. Ông Tùng Leo chia sẻ: “Khi nhắc đến danh hiệu hoa hậu, công chúng thường có yêu cầu về sự hoàn hảo. Nhưng nhân vô thập toàn. Vì thế, nếu một cô gái trên hành trình chinh phục ngôi vị hoa hậu, hay trở thành hoa hậu, nhưng có những điểm chưa hoàn thiện, cũng nên được cảm thông”.

2 thí sinh trong vòng phỏng vấn của vòng sơ khảo Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022. Nội dung này được phát trong tập 1 của chuỗi chương trình truyền hình thực tế Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022
2 thí sinh trong vòng phỏng vấn của vòng sơ khảo Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022. Nội dung này được phát trong tập 1 của chuỗi chương trình truyền hình thực tế Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022

Áp lực này không dừng ở thí sinh, mà ngay cả với BTC, đặc biệt khi xảy ra các tình huống gây tranh cãi hoặc kết quả không đúng ý khán giả. Ông Bảo Hoàng - đại diện BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam - cho biết BTC có những khóa huấn luyện thí sinh về việc xây dựng hình ảnh trước công chúng, lẫn việc ứng xử, giải quyết các khủng hoảng truyền thông nếu có. Ở khâu sản xuất, chương trình hướng đến việc phác họa chân dung thí sinh, đồng thời phải giữ gìn được hình ảnh, bởi có nhiều thí sinh vẫn còn rất trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm.

“Theo đo lường của chúng tôi, hiện tại, khoảng 80-90% khán giả có nhận định giống với ban giám khảo nhờ việc đưa hình ảnh thí sinh đến gần họ. 10-20% còn lại phụ thuộc gu riêng, hoặc tình cảm riêng của khán giả dành cho thí sinh. Tuy nhiên, ngọc phải mài mới đẹp và sáng. Khi đồng hành cùng top ba, top năm được chọn từ Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, chúng tôi tin khán giả nhìn thấy được sự thay đổi tích cực của họ”, bà Phạm Kim Dung chia sẻ.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI