Khi hiệu trưởng không phải là nhà giáo dục

11/12/2018 - 09:07

PNO - Có người nhận định: “Cái chất “nhà giáo” cũng như những hiểu biết về giáo dục đang rất thiếu ở nhiều người đứng đầu trường học”.

Những vụ giáo viên (GV) bắt học sinh (HS) tự tát, hoặc bắt HS tát HS khiến chúng ta tức giận. Nhưng chúng ta giận cô giáo một thì giận hiệu trưởng mười, bởi hiệu trưởng đã cố tìm cách để lấp liếm, bao che cho hành vi sai trái. Có người nhận định: “Cái chất “nhà giáo” cũng như những hiểu biết về giáo dục đang rất thiếu ở nhiều người đứng đầu trường học”.

Nguồn cơn của hiện thực ấy, nói như tiến sĩ giáo dục học Hoàng Mai Khanh - Trưởng khoa Giáo dục, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM, là do “nền tảng về giáo dục của chúng ta vẫn đang thiếu một cách hệ thống”. Nền tảng ấy chính là kiến thức, sự hiểu biết, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp. 

Khi hieu truong khong phai la nha giao duc
Thay vì xử lý nghiêm GV tổ chức tát học sinh 231 cái, hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh (tỉnh Quảng Ninh) lại yêu cầu các em học sinh trả lời phiếu điều tra với 19 câu hỏi. 

Sẽ có người cho rằng, để trở thành hiệu trưởng, hiệu phó, cán bộ quản lý giáo dục, phải trải qua nhiều khâu xét duyệt kỹ lưỡng. Điều này không sai, nhưng cũng chỉ đúng trên lý thuyết, bởi nhiều tiêu chuẩn đặt ra còn “hình thức chứ chưa thật sự hướng đến thực chất. Người đi học các lớp bồi dưỡng đều trong tâm thế để có chứng chỉ hợp thức hóa một chức vụ chứ không phải học để làm quản lý cho tốt” - Tiến sĩ Hoàng Mai Khanh nhận định. Những tưởng hiệu trưởng - người đứng đầu nhà trường, thì “nền tảng” sẽ phải hơn GV. Nhưng điều ấy chỉ là lý thuyết.

Theo ông Cao Huy Thảo, một nhà giáo về hưu, ở các nước, GV có nhiều con đường phấn đấu để trở thành GV cao cấp, thành nhà nghiên cứu giáo dục hoặc thành nhà quản lý; trong khi ở ta, GV chỉ có một con đường là phấn đấu trở thành cán bộ quản lý. Khi đường phát triển quá hẹp thì người ta phải len lỏi leo lên bằng nhiều cách.

Thực tế cũng đã chứng minh, hễ thủ tục đòi cái gì thì người ta “kiếm” được cái ấy, kể cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ, chứng chỉ ngoại ngữ khung châu Âu… Từ đó dẫn đến một tất yếu là: không ít hiệu trưởng bằng cấp, chứng chỉ đầy mình nhưng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp thì thua xa GV. 

Dạy học vốn được xem là hoạt động cốt lõi trong nhà trường. GV và HS được xem là hạt nhân của hoạt động đó. Hiệu trưởng phải là một nhà giáo dục, am hiểu và có sự quan tâm đặc biệt đến hoạt động dạy học.

Ở nước ta, lý thuyết vẫn như thế, nhưng thực tế lại trái ngược khi hiệu trưởng phải quan tâm đến quá nhiều chuyện như: tài chính, mua sắm cơ sở vật chất, họp hành, quan hệ với phụ huynh, với địa phương, với cấp trên… Nôm na, hiệu trưởng, thay vì là nhà giáo dục thì họ trở thành nhà kinh tế, ngoại giao.

Hậu quả là hiệu trưởng gần như không nắm rõ hoạt động dạy học, không nắm rõ đội ngũ GV với những điểm mạnh - yếu của từng người... Dễ thấy là trước những sự cố, hiệu trưởng thường trả lời “chưa nắm, để nắm lại và trả lời sau”. Tai họa vì thế cứ giáng xuống đầu HS. 

Minh Nhật 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI