Khi hàng xóm khoe con giàu có

27/01/2024 - 07:16

PNO - Mỗi lần hàng xóm khoe được con cái mua sắm đồ đạc, khoe công việc cũng như thu nhập, cha mẹ chồng tôi không khỏi ngậm ngùi...

Cô hàng xóm kế nhà cha mẹ chồng tôi có thói quen "chia sẻ niềm vui". Mỗi lần con cái mua sắm gì, cô đều sang khoe với ba mẹ chồng tôi.

Đầu năm ngoái, anh con trai lớn mua cho cô chiếc xe tay ga. Cô hớn hở chạy xe từ nhà cô sang nhà ba mẹ chồng tôi, dù 2 nhà chỉ cách nhau cái bờ rào. Thấy cô trên chiếc xe mới toanh, ba mẹ chồng tôi vui vẻ chúc mừng. Cô luôn miệng nói về những ưu điểm vượt trội của xe ga so với xe số mà không để ý đến vẻ mặt buồn buồn của ba mẹ chồng tôi - những người chưa bao giờ được điều khiển một chiếc xe tay ga “chính chủ”.

Mẹ chồng tôi buồn mỗi lần hàng xóm khoe con (ảnh minh họa)
Mẹ chồng tôi buồn mỗi lần hàng xóm khoe con (ảnh minh họa)

Đầu mùa đá banh, con gái út mua cho chồng cô chiếc TV 65 inch. Cô ríu rít qua rủ ba mẹ chồng tôi sang nhà “xem cho đã con mắt”. Cô thừa biết ba mẹ tôi không xem bóng, nhưng vẫn kéo sang. Thực chất, cô muốn khoe cái TV mới. Nhân tiện, cô khoe luôn chiếc máy sấy tóc và nồi chiên không dầu con gái mua tặng cha mẹ.

Cuối tuần trước, con trai thứ của cô sắm về cây mai cổ thụ trị giá vài chục triệu đồng để chưng Tết, cô một mực kéo ba mẹ chồng tôi qua “thưởng hoa” và không ngừng nói về giá tiền cũng như sự giàu có, chịu chơi của con trai.

Nhiều lần, tôi thấy rõ vẻ ưu phiền của cha mẹ chồng sau khi cô hàng xóm khoe món gì đó. Tôi buồn bã nói với chồng, có lẽ ba mẹ xấu hổ vì thấy con nhà người ta quan tâm, mua sắm cho nhiều thứ giá trị, còn vợ chồng tôi chẳng tặng ba mẹ được món nào “ra hồn”. Chồng tôi cũng cùng suy nghĩ, nên anh rất thương ông bà và cũng có phần tự ti, mặc cảm.

Nhân một lần ba mẹ chồng nói với nhau về sự thành đạt của các con cô hàng xóm, tôi khéo léo hỏi: "Ba mẹ có chạnh lòng không? Ba mẹ có buồn vì vợ chồng con không được như thế không?". Tôi cũng nói thêm rằng, từ lúc tôi về làm dâu, chồng tôi và các em chồng chưa ai biếu ba mẹ được thứ gì đáng giá, chúng tôi vẫn biết điều đó, nhưng hoàn cảnh không cho phép nên đành chịu.

Nghe vậy, ba mẹ chồng tôi cười, rồi ông thay mặt bà giãi bày tâm sự: "Đúng là mỗi lần thấy hàng xóm khoe món đồ mới, ba cũng thấy chạnh lòng. Ba buồn vì gia cảnh mình khó khăn, ba mẹ không lo được cho các con tới nơi tới chốn như nhà hàng xóm, chứ không phải so bì giữa các con với các cô cậu ấy..."

Quả thật, gia đình hàng xóm vốn giàu có từ xưa. Khối tài sản từ đời ông bà để lại đủ để họ sống cuộc sống an nhàn đến mấy đời. Chính vì thế mà con cái họ được học cao, ra trường thì chạy chọt được công việc tốt ở thành phố. Rồi họ lấy vợ, lấy chồng “môn đăng hộ đối”, nên giàu lại thêm giàu.

Gia đình chồng tôi vốn nghèo khó. Ba mẹ làm không đủ nuôi con, nên cả 4 anh em đều chỉ được học hết cấp III rồi tự bươn chải. Người đi làm thuê, người đi học nghề, người buôn bán nhỏ lẻ. Cuộc sống vất vả, thiếu thốn trăm bề. Mỗi lần thấy con cô hàng xóm khoe món đồ mới và khoe công việc cũng như thu nhập “hái ra tiền” của các con, ba mẹ chồng tôi lại ngậm ngùi, tự trách mình kém cỏi khiến các con thua thiệt.

Nghe ba mẹ chồng tâm sự, vợ chồng tôi thương ông bà đứt ruột. Chồng tôi nói rằng, các anh em của anh luôn biết ơn cha mẹ. Điều quý giá nhất ông bà cho đàn con chính là sự tự lập và ý chí vững vàng để vượt qua mọi khó khăn, nghịch cảnh. Chúng tôi chưa có điều kiện để mang đến cho cha mẹ đời sống tiện nghi, nhưng chúng tôi luôn nhắc nhau vun đắp tình yêu thương, sự kính trọng. Gia đình hòa thuận, bình an là điều bao gia đình ao ước, nhưng tiền bạc không mua được. Anh mong ông bà nhìn vào những điểm mạnh ấy của gia đình để tự hào...

Ngọc Hà

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI