Khi hàng xóm giàu hơn

13/12/2024 - 06:13

PNO - Vợ chồng chị đều mắc bệnh hay so sánh chồng/vợ với người khác.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Bữa cơm cuối tuần ở nhà anh chị xôm tụ nhờ có món cháo gà - món cả nhà đều thích. Kể chuyện đồng nghiệp, chuyện làng trên xóm dưới một hồi, chị bỗng xuýt xoa: “Anh Bình hàng xóm mới mua xe hơi hết 1,5 tỉ đồng. Chồng người ta giỏi thấy mắc ham. Lương của anh dành dụm cả năm chắc chỉ đủ mua… móc khóa xe”.

Anh lườm vợ, cục tự ái dâng tới óc: “Ông Bình giỏi vậy, sao em không… lấy ổng làm chồng luôn đi”. Anh buông đũa, xách xe bỏ đi, không quên sập cửa thật mạnh. 2 đứa con nghe không khí sặc mùi thuốc súng, cũng len lén buông đũa, ra phòng khách học bài. Mình chị ngồi bên mâm cơm, nước mắt ở đâu rơi xuống như mưa.

Chị nhìn quanh căn bếp: từ bếp gas, lò vi sóng, tủ lạnh… đều mua bằng tiền của chị. Chị là giáo viên tiếng Anh. Ngoài giờ lên lớp, chị còn dạy thêm ở trung tâm, nhận dạy kèm học sinh tại nhà. Chị luôn cố gắng hết sức, Chủ nhật cũng không dám nghỉ. Chị cố gắng một, anh cố gắng mười. Ngoài giờ làm, anh còn hùn vốn với bạn mở công ty, nhận sửa máy tính tại nhà. Có khi nhà khách hàng khá xa anh cũng tới tận nơi, dù tiền sửa máy chỉ bằng tiền đổ xăng.

Nhờ anh siêng năng và tận tâm nên tiếng lành đồn xa, khách hàng của anh ngày càng nhiều.
Chị vẫn thường nghĩ số vợ chồng chị vất vả, vì hễ ky cóp được số tiền kha khá thì lại xảy ra chuyện. Mấy năm trước, cha chồng bị gãy chân vì tai nạn, anh chị phải chi một số tiền khá lớn. Vừa xong thì má chị mổ thoát vị đĩa đệm. Anh cắt giảm khoản nhậu nhẹt để mang tiền về cho chị nhiều hơn. Cả nhà cũng đã nhiều năm chưa đi du lịch xa.

Mỗi lần chuyển tiền vào tài khoản, anh hay nói vui: “Đây là quỹ “nóng”, không biết phải xuất ra lúc nào”. Lời anh như... có điềm. Mấy tháng sau Nhà nước mở rộng hẻm, nhà anh chị phải xây lùi vào một đoạn, lại tốn một mớ tiền.

Chị hay so sánh chồng với lối xóm không phải vì anh không bằng người ta, chỉ là ngưỡng mộ họ, ước ao nhà mình rồi sẽ giàu giống vậy. Có bữa anh đi làm về là nằm lăn ra sô pha, nói: “Ước gì 1 ngày có 30 tiếng để anh có thời gian ngủ”.

Chị biết anh thốt ra câu đó là đã chạm ngưỡng chịu đựng. Nhưng năm sau con lớn vào đại học, con nhỏ vô lớp Mười, rồi còn cha mẹ 2 bên đang ở tuổi uống thuốc nhiều hơn ăn cơm. Trăm thứ tiền cần chi trước mắt khiến chị rối cả ruột.

Nhớ hồi chị sinh bé thứ hai được mấy tháng, anh kêu ca nhà cửa sao bừa bộn, sao chị không nấu món gì ngon ngon, sao chị đầu bù tóc rối, người ngợm hôi rình… Anh nói: “Cô Bích nhà bên cũng mới sinh giống em mà chiều chiều thảnh thơi đẩy con ra đường dạo mát. Cô ta mặc đầm, mái tóc óng ả, vừa đẹp vừa thơm, nhìn thấy mắc ham”. Chị khóc nguyên buổi chiều, cảm thấy rất tủi thân.

Ngẫm ra, vợ chồng chị đều mắc bệnh hay so sánh chồng/vợ với người khác. So sánh không phải để chê bai hay có ý gì với hàng xóm kia, chỉ là muốn chồng/vợ cố gắng hơn, trở nên tốt hơn. Nhưng tốt đâu chưa thấy, chỉ thấy cả vợ lẫn chồng đều tự ái dồn cục, thấy giận đối phương, giận lây cả lối xóm.

Chị đang miên man thì tin nhắn đến. Anh hỏi chị muốn ăn bắp luộc, khoai nướng hay hot dog, bánh bao… Chị nghe buồn phiền rơi đâu mất. Chồng muốn làm hòa đây mà. Lần nào vợ chồng giận hờn, cũng là anh làm hòa trước. Chị cũng nương theo đó xí xóa cho qua.
Chồng về, xách lỉnh kỉnh vừa khoai vừa bắp và cả bọc bánh bao. Chị gắt: “Tính đãi cả xóm hay gì?”.

Anh cười cười: “Ai biểu anh hỏi mà em không trả lời”. Anh ôm vai chị, nhỏ nhẹ: “Vợ chồng mình như hiện giờ là được rồi, “nồi nào úp vung nấy”, đâu cần phải giống ai”. Chị cũng biết lỗi nhưng không nói ra, chỉ khẽ gật rồi vùi mặt vào ngực chồng.

May, vợ chồng chị đã nhận ra sai lầm và biết sửa sai. Cửa nhà từ nay chắc sẽ ấm êm. Vợ chồng cố gắng hết sức là được, mặc kệ ngoài kia hàng xóm giàu có bao nhiêu.

Thùy Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI