Khi guitar hàn lâm cất tiếng...

14/11/2015 - 07:40

PNO - Tối 11/11 tại Nhạc viện TP.HCM, những tín đồ âm nhạc đã được đắm mình trong tiếng guitar đỉnh cao của các nghệ sĩ (NS) Việt Nam và quốc tế.

Tổ chức trong điều kiện khó khăn về kinh phí, Festival guitar quốc tế 2015 nhận được sự ủng hộ của các NS quốc tế khi họ tự túc kinh phí sang Việt Nam (Nhạc viện chỉ phải lo chỗ ở) biểu diễn, giảng dạy. Họ đã góp phần mang đến một hình ảnh không dễ thấy ở những chương trình nhạc hàn lâm là người yêu nhạc đã lấp đầy khán phòng để chia sẻ cùng nhau tình yêu guitar.

Đại diện Việt Nam, nhóm tứ tấu Saigon Guitar Quartet (SGQ) thể hiện một loạt trích đoạn của vở nhạc kịch kinh điển Kẹp hạt dẻ. Với bốn cây guitar, bốn bè phối, SGQ đã chơi thay cho cả một dàn nhạc giao hưởng trước sự ngạc nhiên, thú vị của bạn bè các nước.

Một Kẹp hạt dẻ hiện ra bay bổng, réo rắt chỉ bằng bốn cây đàn. NS trẻ từ Thái Lan - Padet Netpakdee thể hiện bản giao hưởng Bốn mùa lừng danh qua hai phần chuyển soạn cho guitar solo: mùa hè và mùa đông.

Nhìn những ngón tay anh tung tẩy trên cần đàn, lặng nghe những giai điệu réo rắt được làm tươi mới, rất nhiều khán giả nhịp chân, lắc lư theo. NS Kozo Tate (Nhật) mang lên sân khấu hai đoạn trích guitar kinh điển với kỹ thuật diễn tấu điêu luyện.

Quán quân giải GFA 2003 - NS Rene Izquiedo (Mỹ) - người từng được đề cử Grammy 2014 đã dắt khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi anh liên tục chỉnh dây đàn để thể hiện loạt tác phẩm của những tác giả tiêu biểu qua các thời kỳ âm nhạc bằng nhiều phong cách.

Khi guitar han lam cat tieng...
Tứ tấu Saigon Guitar Quartet thể hiện các trích đoạn Kẹp hạt dẻ khai mạc festival - Ảnh: P - T - N

Nhiều tràng vỗ tay kéo dài trong phòng hòa nhạc để mời các NS quay lại sân khấu, song vì thời lượng không cho phép nên họ phải nhường sân khấu cho đồng nghiệp trước sự tiếc nuối của khán giả. Kể cả khi chương trình đã kết thúc, ban tổ chức nói lời chúc khán giả ngủ ngon, nhiều người yêu nhạc vẫn cố nán lại, mong tiếng vỗ tay của mình có thể yêu cầu NS chơi tiếp.

Trước đó, nhiều người phải vất vả tìm mua vé dự festival và tranh nhau đăng ký tham gia các hoạt động bên lề như buổi giao lưu của cộng đồng guitar tại Sài Gòn và các NS quốc tế, buổi nói chuyện về nhạc cụ guitar tại Cà phê Thứ Bảy, workshop hướng dẫn cách tập đàn hiệu quả...

Ban tổ chức lẫn các NS khiêm tốn nói họ chỉ mong festival kết nối được nghệ thuật guitar đỉnh cao với đại chúng, xóa đi phần nào suy nghĩ rằng đây chỉ là một nhạc cụ “bình dân”, dành để đệm hát hoặc chơi solo trong một số chương trình.

Guitar dành cho đại chúng, nhưng không thiếu sang trọng và đẳng cấp. Guitar gần gũi bởi nó đã đi sâu vào đời sống cộng đồng, linh hoạt xuất hiện ở khắp nơi và ai cũng có thể chơi được. Song đó cũng là trăn trở của những người gắn bó với guitar bởi từ chơi guitar đại chúng đến hàn lâm vẫn còn một khoảng cách dài.

Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương - Giám đốc Nhạc viện TP.HCM cho biết có một điểm chưa đúng trong chương trình đào tạo khi sinh viên sư phạm âm nhạc, học sinh học nhạc chủ yếu trên đàn organ cho nhanh, cho dễ, cho hiện đại mà bỏ qua những thanh âm đặc sắc, cái thần của các nhạc cụ mộc.

Cách dạy nhạc “điện tử hóa” ấy có thể truyền được kỹ thuật, kiến thức cơ bản cho học sinh, nhưng khó truyền được tình yêu và khó nâng được khả năng cảm thụ âm nhạc.

Vì thế mà bên cạnh việc các NS chơi nhạc trên sân khấu như một cách thể hiện ưu thế của guitar, festival dà nh thời lượng lớn cho các lớp học, để sinh viên, người yêu nhạc tiếp cận với kỹ thuật diễn tấu, với tài hoa chắt lọc bao năm của các NS hàng đầu

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI