Khi giới trẻ Malaysia phá sản

15/11/2014 - 10:40

PNO - PN - Theo Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Malaysia Nancy Shukri, đến nay, nước này ghi nhận 12.381 cá nhân tuyên bố phá sản trong năm 2014. Trung bình, mỗi ngày, khoảng 40 người Malaysia tuyên bố phá sản, đặc biệt là giới trẻ. Lý do phá sản chủ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hầu hết những đối tượng trên thuộc nhóm có thu nhập thấp, trung bình và không biết cân bằng chi tiêu.

Khi gioi tre Malaysia pha san

"Hầu hết người trẻ bị chi phối bởi những thứ không quan trọng, nhưng họ nghĩ đó là thứ không thể thiếu trong cuộc sống, ví dụ hàng hiệu" - Ảnh minh họa: http://www.tourism.gov.my

Thực trạng này được “đánh động” ở chỗ, người trẻ Malaysia chưa sẵn sàng đối diện với những khoản nợ tài chính. Việc không ý thức được trách nhiệm tài chính với bản thân khi bước qua cột mốc 18 tuổi (thời điểm phải có đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của một công dân) dễ dẫn đến hậu quả ảnh hưởng trực tiếp khi họ tiến gần tuổi 30. Chính quyền Malaysia ghi nhận, nhiều trường hợp cá nhân bị áp lực khẳng định mình bằng khả năng chi tiêu, đến lúc phá sản thì tuyệt vọng, dẫn đến tự tử.

Aisha Wong (28 tuổi), một doanh nhân trực tuyến cho biết, người trẻ thích chọn mua những món hàng đắt tiền hơn là lập một kế hoạch ổn định. Cô nói: “Đó là xu thế mà xã hội ngày nay tạo ra, đè nặng lên tâm lý của người trẻ trong cuộc đua khẳng định bản thân”. Yasmin Lee Abdullah (24 tuổi), nhân viên cấp cao ngành tiếp thị nhận xét thế hệ trẻ Malaysia đã đặt sai thứ tự ưu tiên, khiến cuộc sống nghiêng hẳn về nhu cầu vật chất. Cô nói: “Hầu hết người trẻ loay hoay và bị chi phối bởi những điều không quan trọng, nhưng họ nghĩ đó là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của mình, ví dụ như hàng hiệu. Họ không biết tiết kiệm, phòng ngừa khi ốm đau, cần kíp. Nhiều người bạn của tôi chỉ biết trông chờ vào chiếc thẻ tín dụng để cứu mình khỏi cảnh… cháy túi. Họ không nghĩ về tương lai, không thể chi trả các khoản nợ lớn để mua xe hay nhà”.

Khi gioi tre Malaysia pha san

Tập thói quen tiết kiệm chi tiêu cho trẻ từ nhỏ là cách giúp trẻ sử dụng đồng tiền một cách thông minh - Ảnh: Malaysian Digest

Giáo sư Zahari Ishak thuộc Đại học Malaya (UM) cho biết: “Thực trạng phá sản ở thanh niên cần được đánh giá và phân tích nguồn gốc sâu xa từ gia đình và môi trường đứa trẻ ấy lớn lên. Phụ huynh ngày nay rất sẵn lòng đáp ứng nhu cầu của con từ khi chúng còn bé. Khi trưởng thành, đứa trẻ quen sống trong môi trường dễ dàng được thỏa mãn, nên chúng nghĩ rằng bất cứ đòi hỏi nào của mình cũng phải được đáp ứng bằng mọi giá. Một số phụ huynh cho con các thẻ tín dụng để phòng trường hợp khẩn cấp khi không thể thanh toán. Thế nhưng, họ không biết, con họ lợi dụng thẻ tín dụng để chi xài vô tội vạ”.

Chính phủ Malaysia gần đây tổ chức nhiều chương trình cho cộng đồng, hướng dẫn họ quản lý tài chính bản thân để tránh tình trạng vỡ nợ. Bộ trưởng Nancy Shukri nhấn mạnh, hiện chính phủ Malaysia nỗ lực khuyến khích các chương trình giáo dục tiết kiệm với học sinh từ những năm học đầu, mục đích giúp các em làm chủ, quản lý tài chính bản thân.

 THIÊN ANH (Malaysian Digest, Malaysian Insider, Bernama)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI