Khi giáo viên phải làm… “kiêm nhiệm”

06/01/2024 - 06:23

PNO - 7g sáng, trong khi giáo viên các bộ môn khác tất bật vào lớp thì cô Bích Lan mở cửa phòng thư viện, bắt đầu ngày làm việc của mình. Hôm nay, cô không có tiết dạy trên lớp nên công việc chính của cô là trực ở thư viện.

Nỗi lo của giáo viên môn tự chọn

Cô Bích Lan là giáo viên môn công nghệ tại một trường THPT của TPHCM. Từ đầu năm học, 2 khối Mười và Mười một học theo chương trình mới, công nghệ lại là môn học sinh được quyền tự chọn nên môn này chỉ được dạy ở 6 lớp tính trên cả 2 khối Mười và Mười một. Dù học sinh khối Mười hai đang học môn công nghệ theo chương trình cũ bắt buộc ở tất cả các lớp nhưng cô và các giáo viên dạy môn tự chọn khác cũng chỉ còn 8 tiết/tuần. Thiếu tiết, cô được phân công kiêm nhiệm thêm công việc phụ trách thư viện cho đủ 17 tiết/tuần theo quy định.

Để giáo viên đủ tiết dạy, nhiều trường chọn nhóm các tổ hợp môn thay vì để học sinh lựa chọn hoàn toàn.  Trong ảnh: Cô Phạm Thị Kiều Oanh - giáo viên môn địa lý Trường THPT Marie Curie - đang dạy môn tự chọn cho học sinh lớp Mười
Để giáo viên đủ tiết dạy, nhiều trường chọn nhóm các tổ hợp môn thay vì để học sinh lựa chọn hoàn toàn. Trong ảnh: Cô Phạm Thị Kiều Oanh - giáo viên môn địa lý Trường THPT Marie Curie - đang dạy môn tự chọn cho học sinh lớp Mười

“Từ đầu năm tới nay, tôi vừa làm việc ở thư viện vừa dạy học. Nghĩ cũng thấy tủi thân vì mình là giáo viên nhưng đây là sự lựa chọn của học sinh và chúng tôi thấu hiểu với sự lựa chọn này. Tôi cũng rất biết ơn ban giám hiệu đã cố gắng tạo mọi điều kiện để giáo viên đáp ứng được các tiêu chí đánh giá” - cô Bích Lan ngậm ngùi nói.

Tuy nhiên, nỗi lo thiếu tiết vẫn đè nặng tâm trí cô Bích Lan và đồng nghiệp dạy môn tự chọn, vì năm tới, lứa học sinh cuối cùng của chương trình cũ ra trường, môn học này sẽ trở thành 1 trong 9 môn học tự chọn ở cả 3 khối. Cô lo lắng số lớp học môn này sẽ tiếp tục giảm mạnh. Đây không chỉ là trăn trở riêng của cô mà là của nhiều giáo viên khác. Hiện tình trạng thừa giáo viên, thiếu tiết ở môn học tự chọn xảy ra ở rất nhiều trường THPT, nhất là những trường trao quyền lựa chọn môn học hoàn toàn cho học sinh. 

Là một trong những trường trao quyền lựa chọn cho học sinh, ông Lâm Triều Nghi - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) - thừa nhận có sự phân hóa rõ rệt giữa các môn tự chọn. Có những môn học sinh lựa chọn rất đông như lý, hóa…, sĩ số lớp vượt quá quy định 45 em. Ngược lại cũng có những môn số lượng học sinh chọn rất ít, lớp chỉ có 26 em. Đặc biệt, những môn như: địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ… chỉ có khoảng 2-3 lớp/khối.

Nói về lý do sự phân hóa trong việc chọn môn học, ông Nguyễn Đăng Khoa - Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (quận 1) - cho rằng, nếu học sinh chọn môn học tự nhiên có thể dễ dàng hơn khi muốn đổi qua các môn xã hội. Nhưng ngược lại, nếu chọn học môn xã hội khi quay lại học môn tự nhiên sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Để an toàn, hầu hết các em ưu tiên chọn học môn tự nhiên, đặc biệt là ở các trường tốp trên. Trong quá trình học cũng không có nhiều em đổi qua môn xã hội. Do vậy, trường cũng xảy ra tình trạng thừa giáo viên ở một số môn xã hội, giáo viên không đủ tiết dạy. 

Trăn trở tìm cách bù tiết cho giáo viên

Ông Lâm Triều Nghi cho biết, một số môn giáo viên chỉ dạy 7-8 tiết/tuần là hết lớp. Dù mới chỉ có vài giáo viên gặp tình cảnh này nhưng ông khá đau đầu xoay xở, tìm cách bù tiết cho các thầy cô đó. Giải pháp là trường sắp xếp giáo viên kiêm nhiệm những việc khác như trực thư viện, trực phòng tâm lý… 

“Tôi rất áy náy khi sắp xếp giáo viên đi làm công việc khác nhưng giờ thiếu lớp, biết làm sao cho ổn thỏa. Nếu mỗi tuần giáo viên chỉ có 8 tiết dạy thì phải kiêm nhiệm công việc khác thêm 2 buổi/tuần (1 buổi quy ra 5 tiết dạy). Về lâu dài khi một số giáo viên nghỉ hưu thì lúc đó có thể cân đối lại được. Chúng tôi đang cố gắng sắp xếp để không giáo viên nào phải luân chuyển công việc” - ông Lâm Triều Nghi trăn trở.

Tương tự, ông Nguyễn Đăng Khoa cho biết trường có 3-4 môn xảy ra tình trạng thiếu tiết cho giáo viên. Ông đã sắp xếp để giáo viên kiêm nhiệm dạy hoạt động giáo dục địa phương, hướng nghiệp, hoặc làm giám thị, chủ nhiệm… để đủ tiết dạy. “Ai cũng vậy, bản thân giáo viên cũng muốn làm đúng chuyên môn của mình nhưng để đổi mới chương trình học thì có những thực tế phải chấp nhận. Tôi cũng phải làm công tác tư tưởng trước để giáo viên hiểu và vui vẻ chấp nhận làm kiêm nhiệm” - vị hiệu trưởng nói. 

Trong khi đó, để tránh tình trạng thừa thiếu giáo viên, nhiều trường THPT khác chọn cách nhóm các môn học vào từng tổ hợp để học sinh lựa chọn theo tổ hợp. Bà Nguyễn Thị Mai Thảo - Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp) - cho biết, trường không để học sinh lựa chọn hoàn toàn mà nhóm các môn tự chọn lại với nhau thành 4-5 tổ hợp, và học sinh chọn một trong những tổ hợp này. “Trường phải dựa vào phương án tuyển sinh của các trường đại học để cân đối chương trình, xây dựng tổ hợp phù hợp… vì mục đích cuối cùng của học sinh vẫn là xét tuyển đại học. Nhưng ngoài ra, chúng tôi cũng phải đảm bảo số tiết cho đội ngũ giáo viên của mình ở tất cả các môn, không thể nhóm môn này mà bỏ môn khác được” - bà Nguyễn Thị Mai Thảo nói. 

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết, các trường cần tăng cường tư vấn sớm cho học sinh ngay từ bậc THCS, đặc biệt là năm cuối cấp để các em có lựa chọn bộ môn phù hợp. Đồng thời, trường cần rà soát phân công hợp lý công việc giữa các tổ bộ môn. Với những thầy cô chưa có đủ tiết, trường có thể phân công tham gia bồi dưỡng và thực hiện các hoạt động giáo dục phù hợp; có những điều chỉnh tuyển dụng trong các năm học sau để điều tiết, cân đối tình trạng thừa thiếu giáo viên. 
Sở sẽ rà soát điều chỉnh, thuyên chuyển giáo viên đến các khu vực, trường còn thiếu.


Nguyễn Loan

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Hang 07-01-2024 18:46:34

    Mục tiêu của chương trình GD 2018 là để hs tự lựa môn học phù hợp với năng lực của mình, thế nên nhà trường đừng tạo tổ hợp rồi ép các em chọn, như thế các khó mà phát huy được

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI