Khi giám đốc "ôm" đường dây nóng

10/03/2016 - 10:15

PNO - Là giám đốc BV Q. Thủ Đức nhưng bác sĩ Nguyễn Minh Quân vẫn trực tiếp "ôm" đường dây nóng của BV để xử lý nhanh những phản ánh của bệnh nhân.

Khi giam doc
Bác sĩ Nguyễn Minh Quân đang lắng nghe ý kiến đóng góp cúa một bệnh nhân - Ảnh: P.Huy

Tuy là giám đốc bệnh viện (BV) Q. Thủ Đức (TP. HCM) nhưng bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Quân vẫn trực tiếp "ôm" đường dây nóng của BV để xử lý nhanh những phản ánh của bệnh nhân (BN), đồng thời để các trưởng khoa "rảnh tay" lo chuyên môn...

Cuộc nói chuyện giữa BS Nguyễn Minh Quân và tôi thường xuyên bị ngắt quãng vì tiếng chuông điện thoại đường dây nóng của BV. Một cụ ông người Huế nghèo khó vào Sài Gòn làm thuê kiếm sống, chẳng may mắc bệnh, đang điều trị tại BV gọi vào đường dây nóng để xin miễn giảm viện phí, BS Quân hứa ngay sẽ dùng quỹ của BV bù vào để giảm viện phí cho cụ.

Lại một cô làm việc ở trường mầm non Tam Bình, Q.Thủ Đức, gọi đến để cảm ơn vì được hướng dẫn cặn kẽ, khám bệnh nhanh chóng… Tôi thắc mắc sao không phân công việc trực đường dây nóng cho các trưởng - phó khoa, BS Quân giải thích: “Tôi phải trực để nắm bắt nhanh tình hình, kịp thời xử lý những phản ánh của người bệnh. Hơn nữa, các BS trưởng khoa cần phải được nghỉ ngơi, phải lo chuyên môn để chăm sóc tốt hơn cho BN”.

Trước đây, người dân vẫn gọi BV quận Thủ Đức là “BV kính chuyển”, vì gặp ca nào khó là BV chuyển ngay lên tuyến trên. Ngay đến bảo vệ ở cổng BV, cứ thấy ca nào đầm đìa máu me, có vẻ nghiêm trọng định vào cấp cứu là tự động khuyên nên chuyển lên BV lớn. Riết rồi BN chẳng ai muốn đến đây khám và điều trị. Thế nhưng, sau tám năm chấn chỉnh, từ một BV cơ sở vật chất xuống cấp, thiết bị y tế lạc hậu, BV đã chuyển mình thành một BV tuyến quận/ huyện thuộc loại tốt nhất nước. Hiện nay, những ca đòi hỏi kỹ thuật và tay nghề cao như mổ chấn thương sọ não, nối mạch máu nhỏ cho ngón tay đứt lìa bằng vi phẫu, mổ u não… lại là những ca phổ biến ở BV.

Đặc biệt, BV quận Thủ Đức hiện là BV tuyến quận/huyện duy nhất của cả nước có Khoa Ung bướu, thậm chí là nơi đầu tiên của cả nước thực hiện thành công kỹ thuật ghép hạch bạch huyết cho BN ung thư vú bị phù tay. Nếu trước đây, mỗi ngày BV chỉ có khoảng 200 người đến khám thì nay số BN luôn trên 3.000 ca/ngày. Sự chuyển mình ngoạn mục này không chỉ dựa vào quyết tâm của tập thể cán bộ, nhân viên BV mà còn nhờ những ý tưởng đột phá, sáng tạo, “dám nghĩ dám làm” của BS Quân, vị giám đốc nhậm chức tám năm trước, khi mới 34 tuổi.

Nhà ở quận 10 nhưng BS Quân “bén duyên” với Q.Thủ Đức nhờ đợt thực tập tại Trạm y tế P.Phước Long A, Q.Thủ Đức (nay thuộc Q.9) thời còn là sinh viên. Tốt nghiệp Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế (nay là Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), BS Quân chủ động xin về Trung tâm Y tế quận Thủ Đức, được phân công chuyên điều trị tâm thần.

Đến giờ, BS Quân vẫn nhớ mãi chuyện một gia đình ở P.Trường Thọ (Q.Thủ Đức) đã nhốt con gái 12 tuổi mắc bệnh tâm thần vào cũi. Ban đầu BN chỉ bị chậm phát triển tâm thần, nhưng do bị nhốt lâu ngày đã dần chuyển nặng sang tâm thần phân liệt, liên tục gào thét khiến hàng xóm ai cũng sợ. Nghe người dân mách bảo, BS Quân tìm đến nhà, làm quen và chơi đùa cùng BN. Dần dần, BN tin tưởng, đồng ý cho anh chích thuốc trị bệnh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI