Khi giải Nobel bị xem là… "lời nguyền"

15/10/2024 - 06:00

PNO - Một số nhà văn đã chạm tay vào huy chương vàng Nobel lại tỏ vẻ ngao ngán, xem nó như “khởi đầu của sự sụp đổ”.

Tính riêng ở làng văn chương thế giới, hơn trăm năm qua, Nobel là một trong các danh hiệu cao quý nhất. Thế nhưng thay vì vui mừng tiếp nhận, với một số người chiến thắng, giải thưởng giá trị triệu đô này không khác gì Nụ hôn của Thần Chết (lối mô tả ám chỉ một “lời nguyền”, kéo theo sự xuống dốc và thất bại).

Một ví dụ bi đát là nhà thơ - nhà văn Thụy Điển Harry Martinson. Vì đoạt giải năm 1974, ông cảm thấy “cả sự nghiệp lẫn đời tư đều bị hủy hoại”. Quyết định trao thưởng cho Martinson bị nghi ngờ do ông vốn là thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển (tổ chức đứng sau giải thưởng này). Những lời đồn ác ý kéo dài dai dẳng đến mức khiến nhà văn bị trầm cảm nặng. Ông chọn cách tự sát 4 năm sau khi nhận huy chương Nobel.

Nhà thơ Harry Martinson (trái) trong một buổi họp báo năm 1974. Ông bị công kích bởi vô số chỉ trích ác ý sau khi nhận giải Nobel Văn học. (Ảnh: Getty)
Nhà thơ Harry Martinson (trái) trong một buổi họp báo năm 1974. Ông bị công kích bởi vô số chỉ trích ác ý sau khi nhận giải Nobel Văn học - Ảnh: Getty

Vinh hạnh, hay bất hạnh?

"Phải thừa nhận một điều, số ít người thắng giải Nobel Văn học xem thứ họ nhận được như món quà chẳng lành, thậm chí không khác gì "lời nguyền"" - nhà sử học và chuyên gia phê bình Horace Engdahl - thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển từ năm 1999-2009 - nhận xét.

Martinson là trường hợp tiêu cực hiếm hoi, duy vẫn còn những ví dụ khác. “Không ít người bày tỏ, họ đánh mất dần kỹ năng cầm bút vì áp lực đè nặng bởi giải thưởng” - Engdahl nói. “Họ tự hỏi, thứ mình đang viết liệu có xứng với "danh hiệu Nobel"?”.

Dẫu vậy, vị sử gia cũng cam đoan hiện tượng này chỉ “chiếm số ít” trong cộng đồng văn sĩ. “Vẫn còn nhiều nhà văn viết càng hăng say, đam mê hơn nhờ danh hiệu Nobel” - ông nhấn mạnh.

Từ sau năm 2000, thuật ngữ “lời nguyền Nobel” lại bắt đầu lan tỏa rộng rãi ở các hạng mục khoa học. Những người chiến thắng, được tin rằng đã nhận về sự công nhận cao nhất từ quốc tế, khó lòng vượt qua “cái bóng” của chính họ. Một số khoa học gia hoặc không thể tìm thấy thành công vẻ vang mới trên con đường sự nghiệp, hoặc bị buộc góp tiếng nói nơi những lĩnh vực không phải chuyên môn chính.

Annie Ernaux giữa đám đông người chúc mừng giải thưởng Nobel Văn học, trao cho bà cuối năm 2022. (Ảnh: ELPAIS)
Annie Ernaux giữa đám đông người chúc mừng bà nhận giải thưởng Nobel Văn học, cuối năm 2022 - Ảnh: Elpais

“Cây đại thụ” trong nền văn học Mỹ-Latinh, Gabriel García Márquez, thẳng thắn tiết lộ ông có phần e sợ giải thưởng này - thứ ông ví von là “một tuyên ngôn báo tử”. Nhà văn quá cố từng nêu ví dụ về một số vị đồng nghiệp tài năng như Albert Camus, André Gide, Juan Ramón Jiménez... đều qua đời chưa đến 7 năm sau khi đoạt huy chương Nobel.

Tương tự, nhân vật xuất chúng khác trong lịch sử văn chương như William Faulkner và Ernest Hemingway xem giải Nobel là “nỗ lực ghi nhận muộn màng” ở đoạn cuối sự nghiệp đầy thăng trầm của họ.

Nỗi sợ… được nổi tiếng

Một số nhà văn hiện đại, nhất là các cây bút nữ, cũng không quá hào hứng khi được xướng danh nhận giải. Sinh thời, nhà thơ lỗi lạc gốc Ba Lan Wislawa Szymborska (thắng giải Nobel năm 1996) tuyên bố, cuộc sống riêng tư của bà “đã bị hủy hoại” bởi sức ép từ sự nổi tiếng.

Nhà văn Doris Lessing nhận hoa và thư từ người hâm mộ tại nhà riêng, sau khi được trao giải Nobel Văn học. (Ảnh: ELPAIS)
Nhà văn Doris Lessing nhận hoa và thư từ người hâm mộ tại nhà riêng, nhân sự kiện bà được trao giải Nobel - Ảnh: Elpais

Hay tin mình đoạt giải Nobel năm 2007 lúc vừa bước xuống một chiếc taxi, nữ tiểu thuyết gia người Anh Doris Lessing thậm chí còn phiền muộn kêu than “Ôi trời!”. Một vài nữ tác gia khác cũng tiết lộ, vì chuyện đời tư và trình độ chuyên môn thường bị mang ra soi xét, họ không thấy vui nổi sau khi nhận giải.

Trước Han Kang ít lâu, nữ văn sĩ - nhà hoạt động xã hội gốc Pháp Annie Ernaux thắng giải năm 2022, thừa nhận rằng “giải thưởng dẫu quý giá, nhưng không khiến mình hạnh phúc”. “Giải Nobel "đẩy" tôi từ một người bình thường thành nhân vật của công chúng. Biểu tượng họ gán ghép cho tôi, thế nhưng lại vô nghĩa đối với tôi” - bà bày tỏ.

Giám đốc phòng biên tập Pilar Reyes của công ty xuất bản nổi tiếng Penguin Random House (Mỹ), đồng cảm với nhiều lời than thở như trên.

“Chiếc huy chương Nobel là một vinh dự to lớn. Cũng vì lẽ đó, nó đi kèm với trách nhiệm, áp lực lớn không kém. Điều này đặc biệt rõ nét khi cá nhân nhận giải đại diện cho cả một quốc gia, sắc tộc, ngôn ngữ. Trong khi giới văn sĩ, cũng giống tất cả nghệ sĩ khác, mưu cầu một môi trường tự do, khoáng đạt để họ an tâm sáng tác và cống hiến” - Pilar Reyes chia sẻ.

Như Ý (theo Elpais)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI