Khi già, mẹ ước mơ gì, con biết không?

06/11/2019 - 05:30

PNO - Đã là con người, dường như ai cũng có ước mơ của riêng mình. Với người trẻ, đó là khát khao, còn với người già, đó là ước nguyện.

Trong một cuộc chuyện trò tình cờ, mẹ chồng tôi nói: “Về già, mẹ chỉ ước được khỏe mạnh, không phải đi đứng khó khăn, không phải liệt giường, để con cái đừng khổ”. Mẹ nói như thế vì bà đang ngồi xem phóng sự, trên màn hình là cảnh một người phụ nữ già nua, bị tai biến nằm một chỗ.

Mẹ nói, các con khi đã lớn lên, ai cũng phải lo cho gia đình nhỏ của nó, mình sẽ trở nên cô đơn, côi cút. Bởi vậy khi về già, mẹ chỉ ước đừng đau ốm bệnh tật gì, nếu ra đi cũng phải thật nhẹ nhàng, thanh thản. Nghe mẹ nói, tôi có chút chạnh lòng.

Khi gia, me uoc mo gi, con biet khong?
Mẹ tự xoay xở với tuổi già, nhưng mẹ vẫn có ước mong. Ảnh minh hoạ

Mẹ sinh ba người con trai đều đã lập gia đình. Tiếng là có đến ba cô con dâu, nhưng ai cũng bận rộn với cuộc sống, có đứa ở gần nhưng cũng có người ở thật xa. Một hôm, mẹ bệnh không dậy nổi, đi làm về thấy mẹ nằm co ro dưới nền nhà, thương vô cùng, nhưng vì là dâu mới, vẫn còn khoảng cách mẹ chồng nàng dâu nên tôi chỉ hỏi qua loa: “Mẹ bệnh gì? Uống thuốc gì chưa? Ăn cháo không để con đi mua?”. Mẹ một mực từ chối, bảo: “Mẹ nằm nghỉ xíu là khỏe ngay thôi”.

Chỉ khi nào thật sự cần thiết mẹ mới nhờ vả đến các con. Rồi mọi người thấy đó như một mặc định, mẹ tự xoay xở được với tuổi già của mình. Lần trước, mẹ đau thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm, mà theo đề nghị của bác sĩ thì cần phải mổ, nhưng mẹ một mực từ chối. Mẹ bảo, vào bệnh viện nằm không ai chăm sóc, phiền con cháu bỏ công bỏ việc thăm nom, nên mẹ chỉ uống thuốc cầm chừng. 

Người già, để ý chút thôi ta sẽ thấy những ước mơ của họ thật mơ hồ nhưng thấm đẫm tình thương. Ngày xưa, khi còn là sinh viên, tôi tá túc nhà một người dì ở Châu Đốc, tỉnh An Giang. Bẵng đi vài năm sau khi ra trường, tôi gặp lại dì ở thành phố. Dì lặn lội từ Châu Đốc lên Sài Gòn chỉ để “tìm thằng con trai đang bỏ nhà đi bụi”.

Nghe dì kể lại, vợ chồng cậu con trai này đang lục đục, con trai dì bỏ nhà đi từ hơn mười ngày nay chưa thấy về, sau trận cãi vã với vợ. Dì bảo: “Giờ dì chỉ cầu mong nó biết dì lo mà quay về. Cuối đời, tâm niệm của dì là thấy vợ chồng nó được hạnh phúc, em gái nó cũng được yên bề gia thất là dì mãn nguyện lắm rồi”. 

Người già, tưởng chừng ước mơ của họ nhỏ bé, bình thường, mà vô cùng phi thường. Bao giờ cũng vậy, những đấng sinh thành luôn nghĩ về con, luôn lo cho con dù tuổi đã bóng xế chiều tà. Họ mong có sức khỏe không phải để được sống lâu, mà để không làm phiền con cháu. Họ không trông chờ con cái đem tiền bạc về nuôi, mà chỉ mong chúng sống hạnh phúc, ấm êm.

Khi gia, me uoc mo gi, con biet khong?
Ảnh minh họa

Hôm trước, một lần về quê thăm nhà, tôi hỏi má: “Giờ má già rồi, thích làm gì, thích đi du lịch đâu không, con sẽ chọn tour du lịch dành cho người già để má đi”. Má mới nghe tới đó đã xua tay: “Thôi thôi, đi chi tốn tiền, má không đi đâu hết, ở nhà cơm nước giặt giũ cho sắp nhỏ với ba mày đủ hết ngày”.

Nói vậy chứ má cũng bắt đầu kể mới tháng trước, cô hàng xóm có tổ chức chuyến đi viếng chùa Bà mà má không đi được. Trước đây cô này cũng từng tổ chức một chuyến đi dài như thế, từ Bình Định vô Châu Đốc, vòng lên Đà Lạt rồi mới về. Chuyến này thì má cũng có tham gia. Nhìn những hình ảnh má chụp trong chuyến đi, tôi thấy má cười hiền. Niềm vui của người già chắc chỉ có thế.

Vậy mà, lần này tôi vừa mở lời thì má lại gạt ngang. Má sợ tốn kém, sợ việc nhà bỏ bê không ai quản, má không muốn hao hụt đến tài chính của con cái, dù má biết các con thừa khả năng lo cho má. Má nói: “Giờ già rồi, má chẳng thích đi đâu. Chỉ có một ước ao là mấy anh chị em bây thương yêu hòa thuận, đừng ganh ghét nhau. Với má vậy là đủ. Má chỉ mong tết nhứt tụi bây về nhà đông đủ, dù ăn muối má cũng thấy ngon”. 

Tuần rồi, Chủ nhật, vừa lãnh lương xong, tôi chạy mua thùng miến, thùng bò húc, thùng mì chay nấm với mấy miếng cơm cháy gửi về cho má. Hôm sau nhận được đồ, má gọi vào rầy. Má bảo: “Cha bây, có phải ngày gì đâu mà mua đồ cho má, tốn tiền. Mai mốt không gửi nữa nghen con, để dành tiền mua sữa cho cháu”.

Còn nhớ lúc chở ra bến xe gửi đồ, anh lơ xe nhận hàng hỏi: “Thùng gì đây em?”. Tôi bảo: “Toàn mì tôm, miến, bò húc với bánh tráng không anh, nhẹ lắm!”. Anh ngạc nhiên: “Trời ơi, bộ mấy cái này Bình Định không có bán sao em?”. “Ờ thì nơi nào cũng có bán, nhưng bà già em thích nên em mua gửi về chứ em đâu có ngoài đó đâu mà chạy mua được”. Anh lơ xe vừa ghi ghi vào sổ nhận hàng vừa bảo tôi: “Trời trời, bà già em bả thích mấy cái món này đó hả?”. 

Tôi bật cười. Người già, ước mơ của họ lạ lắm, phải không? 

Huyền Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI