Khi em chồng cũ đến nhờ vả

05/03/2020 - 18:49

PNO - Dòng dĩ vãng như cuốn phim quay chậm, từ những lần An đi lại tòa, lao tâm khổ tứ tranh đấu bằng luật và lý lẽ, để đòi quyền nuôi con.

Cô em chồng oang oang: “Chị nghĩ sao vậy? Mỗi ngày chị đi may không quá một trăm ngàn đồng tiền công, làm sao nuôi nổi hai đứa cháu tôi? Nhà chúng tôi mới nuôi dạy được các cháu nên người! Giao con cho chị á, không khéo lại thất học, nghèo hèn như mẹ nó”.

Lời muối xát giữa tòa đó, 10 năm rồi vẫn còn ong ong trong đầu An. Vậy mà, hôm nay cô em chồng cũ lại đến nhờ vả.

10 năm rồi mà lời muối xát kim châm đó vẫn ong ong trong trí An. Ảnh minh họa
10 năm rồi mà lời muối xát kim châm đó vẫn ong ong trong trí An. Ảnh minh họa

Cô ấy e ngại trình bày hoàn cảnh của đứa con gái: Nhà chồng khắc nghiệt, bảy năm làm dâu làm vợ, mà giờ chồng cô gái có bồ nhí, đòi ly hôn và không chia vợ tí tài sản nào, cũng không cho nuôi con. Lý do là vợ không có thu nhập ổn định. 

Đứa bé gái 6 tuổi ấy tuy rất bám mẹ, nhưng quả thật mẹ bé bao năm nay chỉ ở nhà nội trợ, lấy gì để nuôi con bây giờ. Đã hai lần tòa hòa giải mà không thỏa thuận được chuyện chia con, nên cô em chồng cũ đành muối mặt tới gặp An, xin An “nhận giùm” con gái cô ấy vào cơ sở may của An. Có nơi làm việc, tòa xác minh được thu nhập của người mẹ thì khả năng cô ấy được nuôi con mới cao.

Vậy thì An nhận, nhận không đắn đo gì. An xem như cơ hội làm phước, dù cô gái ấy chưa biết may vá, con đường học việc cũng mất vài tháng, mà không rõ tay nghề và kỹ luật làm việc sẽ ra sao. Nhưng, An cũng không sao quên được chuyện cũ...

Cái ngày cách đây 10 năm, khi hôn nhân không còn cứu vãn nổi, do chồng chỉ ăn chơi bài bạc chứ chẳng chịu làm gì, An ra toà xin ly hôn với nguyện vọng nuôi hai con bằng nghề may gia công. Nhà chồng và cô em chồng đã mắng mỏ An sỉ nhục An không biết bao lần. Chật vật lắm, phải mất nhiều tháng đeo đuổi theo những phiên toà, An mới giành được quyền nuôi con, vì cuối cùng toà xác định: dù thu nhập ít nhưng đó là tiền của mình làm ra. Nhà chồng giàu nhưng bản thân chồng không có việc làm ổn định.

Mười năm qua, từ một cô thợ may, An đã có cơ sở may với hàng chục công nhân. Nhà chồng cũ thì ngược lại, cửa hàng mua bán xe máy đã bốc hơi theo những cuộc ăn chơi bài bạc của người con trai duy nhất. Cha mẹ chồng đau buồn lần lượt mất đi trong hai năm, gia sản không còn gì. Cô em chồng cũ ngày xưa lớn giọng chê bai An trước tòa, kinh tế cũng lẹt đẹt, không khá khẩm nổi.

An thương cô ấy bởi biết rằng sự nghiệp làm mẹ chưa bao giờ là dễ. Ảnh minh họa
An thương cô ấy bởi biết rằng sự nghiệp làm mẹ chưa bao giờ là dễ. Ảnh minh họa

Dòng dĩ vãng như cuốn phim quay chậm, từ những lần An đi lại tòa, lao tâm khổ tứ tranh đấu bằng luật và lý lẽ, để đòi quyền nuôi con.. An đã trải qua hết rồi, nên An đồng cảm với bà mẹ trẻ. Lòng cô ấy chắc cũng đau thuơng, quăng quật lắm...

Trang Minh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI