Khi đứa con phải chứng kiến cha hành xử côn đồ

01/10/2020 - 18:45

PNO - Cha hung hăng tấn công đứa trẻ khác, con không chỉ mất chỗ học, người đàn ông ấy đang "thị phạm" hành động tồi tệ. Quả đắng từ cách "giáo dục" đặc biệt này thường sẽ tới rất nhanh...

Một nam phụ huynh ở Lào Cai xông vào lớp học, túm tóc, tát vào mặt bé gái 2 tuổi, sau đó bắt xin lỗi vì cắn con anh ta khi giành đồ chơi. Hình ảnh ghi lại từ camera đang khiến dư luận xôn xao.

Tháng 7/2020, một cháu bé ở Hoà Bình bị một phụ huynh đánh vì trước đó bé này và con ông có xảy ra mâu thuẫn trong lúc đùa giỡn. Hai bé chỉ mới là học sinh lớp Một.

Hồi tháng 5 năm nay, một phụ huynh ở huyện Đức Hoà (Long An) dùng nón bảo hiểm đánh cô giáo đang đứng lớp trong sự ngỡ ngàng của hàng chục học sinh, có con của phụ huynh trong số những đứa trẻ đứng nhìn đó.

Cuối năm 2019, một phụ huynh ở Thái Nguyên ném xúc xích vào mặt nhân viên nữ, tát nhân viên nam trước sự chứng kiến của đứa con 8 tuổi. 

Trước đó vài tháng, bà Lê Thị Hiền, một cán bộ ngành công an giơ tay đánh cán bộ hải quan, mắng chửi nhân viên sân bay. Đứa con được bà Hiền dẫn theo chứng kiến toàn bộ màn cư xử như chợ búa của mẹ.

Nam phụ huynh (áo vàng) xông vào lớp túm tóc, đánh bé gái 2 tuổi do cắn con mình trong lúc chơi đùa khiến dư luận xôn xao
Nam phụ huynh (áo vàng) xông vào lớp túm tóc, đánh bé gái 2 tuổi do cắn con mình trong lúc chơi đùa khiến dư luận xôn xao

Hàng loạt hành vi của các phụ huynh đều bộc phát từ sự nóng giận và mỗi câu chuyện đều có nguyên nhân. Song, dù nguyên nhân thế nào, chúng đều thể hiện cách cư xử kém văn hoá, thái độ côn đồ, khiến dư luận phẫn nộ. 

Sau mỗi sự việc, kẻ hung hăng đều bị xử lý thích đáng song điều khiến dư luận băn khoăn hơn cả, là những đứa trẻ sẽ ra sao khi chứng chứng hành động thiếu suy nghĩ của cha mẹ?

Chúng sẽ ra sao khi lầm lỗi của cha mẹ sẽ trở thành chủ đề để bạn bè trêu ghẹo? Chúng có giận người sinh thành không, nếu một ngày vô tình nhìn thấy những thông tin này trên kho tư liệu mạng?

Nhân cách một đứa trẻ luôn phản chiếu tư duy, hành động của phụ huynh. Sẽ như thế nào, nếu một ngày con cái sao chép hành vi bạo lực này và "quật lại" chính phụ huynh hay gây họa cho cộng đồng, xã hội? Những câu hỏi nhức nhối ấy khiến người ta không khỏi rùng mình.                                     

Bao nhiêu hồi chuông hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực ở trẻ nhỏ, thanh thiếu niên... xuất phát từ phim ảnh, sản phẩm mạng, nhưng với những câu chuyện đã xảy ra, chúng ta phải giật mình nhìn nhận rằng, bạo lực đôi khi khởi phát từ trong gia đình, từ chính những người thân cận nhất.

Trường tiểu học, trung học cơ sở
Trường tiểu học, trung học cơ sở Lộc Giang (huyện Đức Hoà, Long An), nơi xảy ra vụ phụ huynh xông vào lớp đánh cô giáo trước mặt con trẻ

Người ra tay bạo lực phải chịu hậu quả sau hành vi của mình, nhưng hầu hết chỉ là mức phạt trong thời gian ngắn (đình chỉ công tác 1 tháng, cấm đi máy bay 1 năm, giáng chức, phạt tiền...)  Còn việc tác động tiêu cực đến trẻ nhỏ, có thể diễn ra trong một thời gian dài và cả cuộc đời. Trong các vụ án hình sự ở toà các cấp, không khó tìm một chàng trai lớn lên trong cảnh cha mẹ đánh nhau triền miên tới lúc phải lĩnh án tù vì tấn công người khác. 

Chiều 1/10/2020, trường mầm non Trump Kids (nơi xảy ra vụ nam phụ huynh túm tóc, đánh bé gái 2 tuổi) cho biết không tiếp tục trông nom cháu H.C.T (2 tuổi, con gái người đàn ông gây ra vụ việc). Từ vô can, nay cháu bé phải lãnh hậu quả hành vi của cha. 

Trong khi đó, cháu bé bị đánh tuy không chấn thương, nhưng tinh thần hoảng loạn, có tâm lý sợ người lạ. Theo thông tin mới nhất, người đàn ông đánh bé đã gửi lời xin lỗi đến gia đình nạn nhân, nhưng bao lâu nữa vết thương tinh thần của con mới thực sự lành, không ai có thể trả lời được.

Với cả hai đứa trẻ, đứa bị đánh và đứa được cha bênh, mai này lớn lên, nếu vô tình đối diện với sự kiện tương tự, chúng sẽ cư xử ra sao?                                                                                                  

Thuỳ Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI