Khi đồng tiền làm nghèo nền giáo dục

14/10/2014 - 09:53

PNO - PNO - Mới đây, dư luận hết sức bức xúc về chuyện những học sinh một trường trung học cơ sở tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị bêu tên trước toàn trường vì không nộp đủ các khoản tiền.

edf40wrjww2tblPage:Content

Không hiểu những người làm giáo dục nghĩ gì khi chọn giải pháp công khai trên loa phát thanh nhà trường những học sinh vì điều kiện gia cảnh khó khăn, chưa thể có ngay một lúc hàng chục khoản tiền từ trên trời rơi xuống ngày đầu năm học? Lẽ nào với các thầy cô, học sinh không có quyền được tôn trọng? Và việc không nộp đủ các khoản tiền trở thành một tội lỗi ghê gớm, cần phải để cho cả xã hội cùng được biết?

Khi dong tien lam ngheo nen giao duc

Ngày 23/9/2014, một người dùng mạng xã hội Trung Quốc đăng tải bức ảnh nam sinh tiểu học 8 tuổi bị giáo viên phạt quỳ trước lớp do phạm lỗi khiến nhiều người bất bình. Trong hình, cậu bé quỳ bệt trên sàn lớp gần bàn giáo viên, đối diện với các bạn đang học bài. Nhiều người cho rằng giáo viên phạt như vậy là sỉ nhục học sinh, không phải cách giáo dục sáng suốt. Sự việc được xác nhận xảy ra tại một trường tiểu học ở huyện An Nhạc, thành phố Tư Dương, tỉnh Tứ Xuyên. (Theo Sina).

Tôi còn nhớ những năm tháng học sinh. Ngày đó, mỗi lần có lỗi ghi trong sổ cờ đỏ hoặc sổ đầu bài là giờ chào cờ tim đập chân run. Bởi thông thường các giáo viên sẽ “bêu” tên ngay trong giờ chào cờ đầu tuần những người hay nghỉ học, đi học muộn, nói chuyện riêng trong giờ nhiều hoặc thậm chí dùng tài liệu trong giờ kiểm tra…

Những ai bị “bêu” tên thì mặt đỏ ửng, tai đỏ rực, đầu cúi gằm. Tôi sợ hãi những giờ chào cờ kiểu này đến mức tuần nào có lỗi trong sổ đầu bài thì bảo với mẹ viết một lá đơn xin nghỉ ốm, còn hơn là để bị nêu tên trong buổi sáng thứ Hai.

Sau này đi làm, tôi được biết, mỗi cơ quan đều có những nội quy riêng để chỉ ra lỗi của nhân viên nếu vi phạm, nhiều khi cách “bêu” lỗi cũng hài hước, dí dỏm để người bị bêu lỗi cũng không quá ngại trước đồng nghiệp. Ví dụ ở một tờ báo tỉnh, ông thư ký tòa soạn làm một tấm bảng trắng, treo ngay ở lối đi vào cơ quan. Trên tấm bảng đó treo đủ các lỗi về câu cú, diễn đạt đã được ông đúc rút thành thơ, thành tranh biếm họa... Tất nhiên, chẳng cần chỉ đích danh vì người nào đọc là biết ngay lỗi của mình, đành tự cúi đầu e ngại mà về rút kinh nghiệm.

Tôi cũng được biết ở nước ngoài, nhiều nơi áp dụng biện pháp: những hành vi vi phạm giao thông của cha, mẹ như vượt tốc độ, vượt đèn đỏ… được ghi hình bằng camera giao thông, sau đó gửi kết quả đến cơ quan của người vi phạm và cả trường học của con cái họ.

Dĩ nhiên, chuyện một cô con gái về trách ba: “Ba, sao sáng nay ba lại vượt đèn đỏ, cô giáo cho con xem đoạn phim ba vượt đèn đỏ ở ngã tư X, Y, Z… này rồi. Ba đừng vi phạm luật giao thông nữa nhé”, thật hiệu quả hơn nhiều so với việc phạt tiền nóng, phạt tiền nguội. Cách kỷ luật đánh vào ý thức và lòng sĩ diện trong mỗi người theo tôi là một biện pháp nhiều ưu điểm.

Tuy nhiên, không phải những lỗi nào của con người cũng phải công khai để cả thế giới cùng biết. Và nhất là chuyện đóng học phí, tiền đồng phục, tiền nước uống của các con, việc chậm đóng các khoản này đâu phải là một lỗi lầm cần phải tẩy chay và lên án các con? Đó là chưa xét đến chuyện học sinh không chỉ phải đóng một hai khoản tiền, ở đây các con phải đóng hàng chục khoản; các khoản thu chi vô tội vạ ngày đầu năm học đổ dồn lên vai những bậc phụ huynh quanh năm lam lũ. Việc “bêu” tên các con chậm đóng tiền trước toàn trường theo tôi càng là một điều dã man.

Chúng ta biết, có học sinh từng uống thuốc diệt cỏ để tự tử chỉ vì bị nghi ngờ lấy tiền quỹ lớp, lấy tiền của bạn... Chạm đến chuyện tiền bạc là chạm đến những góc khuất trong gia cảnh mỗi người, chạm đến thể diện, lòng tự trọng của mỗi người, dù đó là người trưởng thành hay chỉ là một đứa trẻ đang cắp sách đến trường.

Các con đến trường là bình đẳng, cùng mặc bộ đồng phục, cùng viết phấn trắng lên bảng đen, cùng giơ tay phát biểu, các con đến từ mỗi hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng bước chân vào lớp, các con đều là những học sinh bình đẳng. Chúng ta bêu tên một học sinh chậm nộp tiền hơn các bạn khác, giống như xã hội bêu tên một tên tội phạm đang bị truy nã, liệu có phải là quá dã man?

Tôi có cô bạn gái thân thiết suốt 12 năm đến trường đến bây giờ. Cô ấy thường vắng mặt trong tất cả các buổi liên hoan, đi dã ngoại của cả lớp vì trước buổi đi hôm đó cả tuần, cô giáo lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại câu, “vì bạn T. hoàn cảnh gia đình khó khăn, lớp chúng ta miễn toàn bộ số tiền bạn ấy phải nộp”. T. khóc và nói trong nước mắt với tôi: “Nghèo là một cái tội lớn, phải không?”.

Nghèo không phải là một cái tội. "Câu chuyện đồng tiền" làm mờ đi bảng chữ cái, con số các con phải học mỗi ngày. Cái cách các thầy cô gieo vào lòng học sinh mặc cảm, tội lỗi về chuyện tiền bạc, học phí và hàng trăm khoản phí khác đang làm cho nền giáo dục của chúng ta nghèo đi.

NGUYỄN THÚY HẰNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI