Mùa lũ chỉ còn trong hoài niệm
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được hình thành bởi phù sa sông Mê Kông bồi đắp cách đây hơn 6.000 năm. Tuy nhiên, trong các năm gần đây, vùng đất này đang bị nước biển xâm nhập. Những ngày này, người nông dân ở ĐBSCL lo toan cả về sức khỏe lẫn kế sinh nhai. Gần ba tháng qua, dịch COVID-19 bùng phát nhiều nơi trong vùng, trong khi thời tiết và điều kiện làm nông lại không mấy thuận lợi.
Đang làm đất chuẩn bị cho vụ đông xuân sắp tới, anh Trương Văn Tiện - 41 tuổi, ở ấp 17, xã Phong Tân, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu - nói: “Năm nay, thời tiết không khắc nghiệt như 2016 và 2020, nhưng nước lũ không về nhiều, giá vật tư, phân bón lại cao. Xong vụ này, chắc tôi không lời bao nhiêu”. Nhiều đời làm nông, nhưng theo anh Tiện, có lẽ đời mình khó nhất. Anh nhớ lại: “Hồi nhỏ, mỗi năm lũ về, đám ruộng nhà tôi ngập trắng, ra ruộng bắt được vô số tôm, cá. Còn ngày nay, lũ thường về trễ, có năm ít, có năm không có. Mùa lũ năm nay, cá, tôm dưới kênh không bằng 1/3 năm trước”.
|
Sông cạn kiệt phù sa, nước nhiễm mặn tăng, cá tôm ít dần, mùa màng thất bát khiến cuộc sống của người dân Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng khó khăn - Ảnh: Trung Thanh |
Theo các nhà khoa học, lũ về ĐBSCL không chỉ mang lại nguồn thủy sản thiên nhiên dồi dào mà còn có tác dụng rửa sạch đất, bồi đắp phù sa, giúp đất thêm màu mỡ. Nhưng nhiều năm nay, lũ về ĐBSCL không còn như xưa. Phó giáo sư Lê Anh Tuấn - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (BĐKH), Trường đại học Cần Thơ - nói: “Từ sau năm 2006, sự vận hành của các công trình thủy điện ở thượng nguồn và sự gia tăng đáng kể của BĐKH đã ảnh hưởng đến dòng chảy sông Mê Kông”.
Theo số liệu từ trang Mekong Dam Monitor, mức thiếu hụt nước trên sông Mê Kông từ năm 2006-2020 là 268 tỷ m3 nước, nhiều gấp đôi so với giai đoạn 1992-2005 (131 tỷ m3).
Sông Mê Kông dài gần 4.400km, đứng thứ 12 trong những con sông dài nhất thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc), đi qua các nước Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Có 141 đập thủy điện lớn nhỏ đang hoạt động trên dòng chính và các dòng phụ sông Mê Kông. Dòng chính có 16 đập thủy điện, 11 của Trung Quốc và 5 của Lào, nhưng tổng công suất lắp đặt của các đập Trung Quốc lên đến 21.310MW, chiếm 2/3 công suất của mọi đập trên dòng chính lẫn dòng phụ. Trong 11 đập thủy điện của Trung Quốc, có hai đập ra đời vào năm 1995 và 2003, còn lại ra đời từ 2008-2019.
Phó giáo sư Lê Anh Tuấn phân tích: “Các hồ chứa của đập thủy điện Trung Quốc rất lớn, chúng tích nước theo nhiều năm chứ không tích nước theo mùa hay theo tháng như các hồ chứa đập thủy điện Lào. Chẳng hạn, phải mất 10 năm, đập Mạn Loan mới tích đủ nước cho hồ chứa”.
Ác mộng xâm nhập mặn và hạn hán
Phó giáo sư - tiến sĩ Châu Nguyễn Xuân Quang - Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM - cho rằng, sự suy giảm lượng nước ở thượng nguồn cùng với nước biển dâng đã khiến tình trạng xâm nhập mặn ở vùng duyên hải ĐBSCL ngày càng trầm trọng. Điển hình là đợt xâm nhập mặn vào mùa khô 2016 và 2020. Theo một nghiên cứu của phó giáo sư Châu Nguyễn Xuân Quang cùng cộng sự, từ năm 2010-2019, độ mặn tối đa hằng năm ở ĐBSCL đều trên 8g/L (8‰ hay 8ppt); đặc biệt, năm 2016 là hơn 16g/L. Trong khi, 10 năm trước đó, chỉ có bảy năm độ mặn tối đa trên 8g/L và chỉ số cao nhất cũng chỉ là 11 g/L. Theo các nhà khoa học, ở ngưỡng mặn 4g/L, cây lúa sẽ bị tổn thương.
|
Anh Bùi Chí Nhân - ở H.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - bắt tôm, cá trên sông vào tháng 10/2021. Anh cho biết, lũ năm nay về ít hơn và tôm, cá bắt được cũng ít hơn so với cách đây hai năm - Ảnh: Quang Thư |
Hơn ai hết, nông dân ĐBSCL hiểu rõ nỗi khốn khổ của nạn xâm nhập mặn trong hai năm 2016 và 2020, đặc biệt khi nó kết hợp với hạn hán. Gắn bó với nghề nông gần 30 năm, anh Tiện gọi năm 2016 là “ác mộng” trong đời làm nông của mình: “Đầu năm 2016, lúa nhà tôi lên chừng gang tay thì nước mặn tràn vô. Nước nhiễm mặn nhiều, nước ngọt không đủ, trời lại nắng nóng nên chỉ sau chục ngày, gần 20 công lúa mất sạch. Vùng này ai cũng bị vậy hết”. Cuối năm 2019, đầu năm 2020, ruộng lúa nhà anh Tiện lại bị nước mặn và hạn hán tấn công. Hai đợt hạn, mặn năm 2016 và 2020 khiến anh Tiện mất gần 50 triệu đồng tiền mua lúa giống và phân bón.
Dưới tác động của BĐKH, thời tiết ở ĐBSCL cũng diễn biến cực đoan hơn. Trong 10 năm qua, có đến 5 năm nắng nóng trong khi lượng mưa hằng năm giảm đi. Nhiệt độ trung bình từ tháng 1 - 4/2016 là 28,3oC, cao nhất trong 20 năm, nhưng lượng mưa chỉ đạt 6,3mm, thấp nhất trong 20 năm.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), trong 25 năm qua, hiện tượng El Nino nghiêm trọng đã xảy ra tại ĐBSCL dẫn đến nền nhiệt độ tăng cao và thiếu hụt lượng mưa trầm trọng, góp phần gây ra hạn hán và xâm nhập mặn. Lần gần nhất là năm 2014-2016, El Nino có cường độ mạnh tương đương với El Nino kỷ lục năm 1997-1998 nhưng lại dài 18 tháng, nhiều hơn 5 tháng so với El Nino 1997-1998. Theo phó giáo sư Lê Anh Tuấn, những thay đổi này phản ánh tình trạng BĐKH: “BĐKH khiến El Nino xuất hiện gần hơn và mạnh hơn”.
Hạn và mặn đã khiến nông nghiệp ĐBSCL bị thiệt hại nặng nề vào năm 2016 và 2020. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia (GSO), trong các năm này diện tích trồng lúa ở ĐBSCL giảm rõ rệt so với năm trước đó, nhiều nhất là các tỉnh ven biển. Chẳng hạn, năm 2016, tỉnh Bến Tre giảm 35% so với năm 2015, còn năm 2020 giảm hơn 50% so với năm 2019, tương đương 25.000ha.
Đáng chú ý, xâm nhập mặn và thời tiết thay đổi thường diễn ra vào cuối năm hoặc đầu năm, đúng vụ đông xuân, nên thiệt hại càng nhiều. Như năm 2016, năng suất vụ đông xuân của ĐBSCL chỉ 63,9 tạ/ha, giảm 7,4 tạ/ha so với năm 2015. Diện tích vụ đông xuân năm 2016 ở vùng này là 1.600.000ha, nên tổng thiệt hại là 1.200 tấn lúa. Nếu mỗi người Việt Nam tiêu thụ 90kg gạo/năm thì lượng gạo mất đi đủ nuôi 13 triệu người trong vòng một năm.
Ly hương tìm kế sinh nhai
Từ năm 2009 đến nay, ĐBSCL luôn có tỷ lệ người xuất cư cao nhất nước, trung bình mỗi năm 8‰. Với dân số trung bình 17 triệu người thì trong 10 năm qua, đã có 1,3 triệu người dân ĐBSCL bỏ đi nơi khác sống. Con số này gấp đôi dân số của tỉnh Hậu Giang.
Tối 24/11, trong một căn nhà trọ ở P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, anh Trần Văn Út Giang, 41 tuổi, chia sẻ: “Tôi là dân xã Vĩnh Trạch, TP.Bạc Liêu, đến đây vào cuối năm 2017. Hồi ở quê, tôi làm ruộng rồi chuyển sang nuôi tôm. Đầu năm 2016, hạn, mặn làm ba vuông tôm nhà tôi mất trắng, 2 triệu con tôm giống chết sạch”.
|
Một cánh đồng lúa ở tỉnh Bạc Liêu cháy đỏ do hạn, mặn đầu năm 2020 - Ảnh: Minh Đạt |
Năm 2017, anh Giang nuôi tôm lại nhưng giá thu mua tôm giảm thê thảm, còn dưới 90.000 đồng/kg trong khi chi phí con giống, thức ăn, thuốc men cho tôm gần 100.000 đồng/kg. Hai năm tai ương 2016 và 2020 khiến anh mất 400 triệu đồng và phải bán nhà trả nợ. Anh cùng vợ và hai con nhỏ phải dắt nhau đến tỉnh Đồng Nai kiếm sống. Ở đây, anh làm thợ hồ, còn vợ bán bánh mì, thu nhập của hai người khoảng 10 triệu đồng/tháng, đủ đắp đổi chi phí mướn nhà, ăn uống và sinh hoạt. Tháng 9/2021, trong dòng người lao động ồ ạt về quê nhà ở ĐBSCL tránh dịch COVID-19, không có anh Giang bởi như anh nói, có về quê cũng không biết làm gì để nuôi sống bản thân và gia đình.
Những trường hợp ly hương như anh Giang là rất phổ biến. Tiến sĩ Lê Thị Kim Oanh - Trưởng khoa Môi trường và Công nghệ sinh học, Trường đại học Văn Lang TP.HCM, người chủ trì một nghiên cứu về mối liên hệ giữa tác động của BĐKH và quyết định di cư của người dân ĐBSCL (công bố vào năm 2017) - chia sẻ: “Tìm việc làm thu nhập cao là lý do chính mà người dân ĐBSCL bỏ xứ đi nơi khác, trong đó có tác động của môi trường và BĐKH”.
Theo nghiên cứu trên, trong 10 năm gần đây nhất, thu nhập trung bình hằng năm của người dân ĐBSCL bằng 90% mức thu nhập trung bình người dân cả nước và bằng 60% thu nhập trung bình của người dân vùng Đông Nam bộ. Nghĩa là mỗi tháng, nếu một gia đình ở miền Đông Nam bộ kiếm được 10 đồng thì một gia đình ở ĐBSCL chỉ kiếm được 6 đồng. Làm nông không đủ sống nên trong giai đoạn 2011-2016, số hộ ở ĐBSCL không thay đổi nhưng số hộ làm nông nghiệp lại giảm đi 260.000. Nghĩa là sau 5 năm, ở vùng này, cứ 12 hộ làm nông thì có 3 hộ từ bỏ công việc đồng áng.
Là nông dân chính hiệu, anh Trương Văn Tiện thừa nhận, làm nông bây giờ không đủ ăn như trước: “Sau vụ lúa vừa rồi, trừ đi mọi chi phí, tôi lời 1 triệu đồng/công. Tính ra, làm 5 tháng được 20 triệu đồng, nghĩa là 4 triệu đồng/tháng. Để sống được, tôi phải làm thêm thợ hồ”.
|
Ông Trương Văn Bé - 72 tuổi, cha của anh Trương Văn Tiện - trên đám ruộng từng bị thiệt hại do hạn, mặn năm 2020 - Ảnh: Minh Đạt |
Trái với ĐBSCL, vùng Đông Nam bộ lại có tỷ suất nhập cư cao nhất. Theo khảo sát GSO công bố năm 2019, đây là vùng hấp dẫn nhất đối với dân di cư, trong đó hơn 50% đến từ ĐBSCL. Tiến sĩ Lê Thị Kim Oanh nói: “Ngày nay, làm nông không mang lại thu nhập cao như nhiều nghề khác, do đó nông dân thường bỏ quê lên thành phố tìm việc khác kiếm sống”.
Phó giáo sư Lê Anh Tuấn nhận định: “Trong thực tế, số nông dân hoặc hộ làm nông nghiệp giảm sút có thể cao hơn con số thống kê, vì người dân đi nơi khác làm ăn nhưng còn hộ khẩu nên vẫn được ghi nhận đang ở nhà làm nông”.
Nương theo thiên nhiên để tồn tại
Năm nay 26 tuổi, anh Bùi Chí Nhân - ở H.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - khởi nghiệp bằng mô hình trồng lúa xen nuôi tôm. Anh nói: “Tôi nghe cán bộ sở nông nghiệp phổ biến mô hình này, thấy ưng ý nên làm thử”. Mô hình nuôi tôm xen kẽ trồng lúa là một trong những giải pháp thích ứng với BĐKH giúp nhiều nông dân ĐBSCL thoát nghèo những năm qua.
ĐBSCL là vựa nông sản của Việt Nam, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản, 70% trái cây các loại, 95% sản lượng gạo xuất khẩu và 65% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. Nhưng gần đây, vùng đất này bị xâm nhập mặn, thời tiết thay đổi khác thường.
|
Siêu dự án Cái Lớn - Cái Bé trị giá 3.300 tỷ đồng vừa ra mắt và vận hành thử nghiệm. Dự án được kỳ vọng giúp ngăn xâm nhập mặn từ biển vào các tỉnh phía tây sông Hậu như Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau trong mùa khô - Ảnh: Quang Thư |
Không thể thay đổi được các yếu tố trên thì phải tìm cách sống chung. Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Giáo sư Võ Tòng Xuân - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ - nhận xét: “Nghị quyết 120 đã cởi bỏ chiếc vòng kim cô cho nông dân bởi từ nay, họ không phải tập trung trồng lúa mà có thể chuyển sang nuôi thủy sản để kiếm lời, đặc biệt ở những vùng nước mặn ven biển”.
Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, nông dân ngày nay không thể làm giàu từ cây lúa vì giá lúa rất thấp. Mặt khác, Việt Nam đã tự túc được lúa gạo nên không cần lo về an ninh lương thực. Trước đây, dù thặng dư lúa gạo, Nhà nước vẫn muốn nông dân trồng lúa, ngay cả ở vùng mặn. Điều này là trái tự nhiên.
Bến Tre phát triển thuận theo tự nhiên Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Bùi Minh Tuấn - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre - cho biết, Bến Tre là một trong những tỉnh chịu tác động mạnh của BĐKH và nước biển dâng ở ĐBSCL. Bến Tre sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn hỗ trợ từ Trung ương, quốc tế để thực hiện và hoàn thành theo tiến độ các dự án công trình thủy lợi trọng điểm để ứng phó lâu dài với nạn xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, để thích ứng với xâm nhập mặn, Bến Tre xoay trục phát triển về hướng đông, thuận theo tự nhiên, biến mặn thành lợi thế, phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để thích ứng với BĐKH. |
Ngày 25/11 vừa qua, tại hội nghị quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, có ý kiến đề xuất chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL dựa trên ba vùng: vùng ngọt quanh năm, vùng chuyển tiếp ngọt - lợ và vùng mặn - lợ. Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận xét: “Ý tưởng chia vùng này dựa trên Nghị quyết 120/NQ-CP. Những năm qua, nông dân một số vùng ĐBSCL không còn trồng lúa ba vụ/năm nữa mà chuyển sang trồng lúa 1-2 vụ xen kẽ nuôi tôm hoặc trồng cây ăn trái có giá trị cao. Cách này giúp họ lời nhiều hơn so với việc chỉ trồng lúa”.
Phó giáo sư Lê Anh Tuấn phân tích: “Để có được 1kg lúa, cần 4.500 lít nước, nên giảm trồng lúa là giảm phụ thuộc nước ngọt”. Còn theo giáo sư Võ Tòng Xuân, giảm trồng lúa cũng giảm phát thải khí nhà kính gây ra BĐKH: “Trồng lúa thì cần đến phân bón, nhưng nhiều nông dân sử dụng phân bón thiếu hợp lý, tạo ra dư thừa ure. Ure thừa bị ô-xy hóa biến thành khí NO2 hoặc N2O, gây BĐKH mạnh gấp 310 lần CO2”.
Để giảm thiểu BĐKH, giáo sư Võ Tòng Xuân đề nghị con người thay đổi các hoạt động không phù hợp. Nông dân nên bón phân vô cơ trước khi gieo sạ, không chỉ giúp cây lúa hấp thu hết phân bón mà còn giảm lượng phân bón và tốt hơn nữa là thay thế phân vô cơ bằng phân hữu cơ. Vào năm 2016-2017, nhờ áp dụng khuyến cáo của giáo sư Võ Tòng Xuân mà Hợp tác xã Tân Tiến (tỉnh Đồng Tháp) giảm được 50% lượng phân bón, nông dân giảm chi phí đầu tư nên thu lợi nhiều hơn.
Hạn hán nghiêm trọng ở Tây Nguyên Hiện tượng El Nino năm 1997-1998 và 2014-2016 cũng ảnh hưởng nặng đến vùng Tây Nguyên. Dữ liệu GSO cho thấy, trong năm 2016 và 2017, chỉ riêng tỉnh Đắk Lắk, diện tích thu hoạch cà phê giảm lần lượt 1.000 và 5.000ha so với năm 2015. Nếu 1ha cho trung bình 3,5 tấn cà phê Robusta thì trong hai năm đó, lượng cà phê của tỉnh này sụt giảm lần lượt 3.500 tấn và 17.500 tấn. |
Bình Yên - Quang Thư - Phương Liễu