Khi đoàn kết vẫn còn là chuyện... xa xỉ

03/06/2016 - 07:26

PNO - Đoàn kết tạo nên sức mạnh, nhưng có nhiều đặc tính tâm lý của người Việt khiến đoàn kết trở thành một chuyện gần như xa xỉ trên thị trường.

Tập đoàn Vingroup vừa tuyên bố sẽ bán hàng giúp 250 doanh nghiệp (DN) nội địa “không lấy lãi” - một tuyên bố ý nghĩa trong bối cảnh sản xuất trong nước đang gặp quá nhiều thách thức.

Người Việt Nam rất hiếm có sự đoàn kết trên thương trường, ngay cả khi những thách thức hiển hiện. Một “soái” Ba Lan kể chuyện những ngày tháng khởi nghiệp trên đất khách quê người, nơi tưởng là cộng đồng phải biết nương vào nhau mà sống: Trước khi cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á lan sang Nga năm 1997, Ba Lan là thị trường lớn của áo giả da Trung Quốc, vừa tiêu thụ nội địa vừa trung chuyển sang các nước Đông Âu và Liên Xô, nên số lượng nhập khẩu lên đến hàng nghìn container/ năm. Nhu cầu nhiều, lãi cao nên rất nhiều người lao vào buôn bán.

Thời đó, các doanh nhân Việt tại Ba Lan hay ngồi nhậu với nhau vào các tối cuối tuần. Trước vụ, lúc trà dư tửu hậu thân tình mọi người thường bàn luận quanh đề tài áo giả da. Câu cửa miệng của người người là: “Tôi chỉ làm nhì nhằng vài công (container), nhưng ông A, ông B sắp nhập về hàng trăm công đấy. Kinh lắm!”. Vào vụ, những người từng nói chỉ làm nhì nhằng vài công thực ra nhập đến vài chục công. Nhiều người nhập, vài nghìn container nối nhau đổ vào Ba Lan, thị trường quá tải, ai nấy tìm cách bán tháo. Cuối vụ, áo giả da giá chỉ còn 1/3. Nhiều người phá sản.

“Tôi chỉ làm nhì nhằng vài công” - một kiểu nói tránh dễ gặp ở người Việt Nam. Trong câu nói đó ẩn chứa sự cảnh giác rất Việt Nam và cả những nỗi sợ có lẽ là đặc sản dân tộc như là… sợ người khác biết mình giàu. Việc thủ thế khi bước vào thị trường không hề tạo ra sức mạnh riêng, mà còn triệt tiêu các cơ hội chung. Sự thủ thế của người Việt trên thương trường thậm chí xuất hiện từ mô hình kinh tế nhỏ nhất là hộ gia đình.

Ở một làng nghề làm giấy tại Bắc Ninh, bạn có thể gặp cảnh nghề này sắp biến mất: các con trong gia đình không còn muốn theo nghề nữa, còn người cha thì thà để nghề bị thất truyền chứ cương quyết không chia sẻ bí quyết cho cộng đồng. Hoặc, bạn có thể bắt gặp trong chương trình ẩm thực của đầu bếp nổi tiếng Gordon Ramsey, khi ông đến một quán bún ngan tại Hà Nội. Bà chủ tuyên bố thẳng với Ramsay: “Cách trộn gia vị này là cuộc sống của tao, không ai được biết kể cả chồng tao”, cho dù ông là một đầu bếp nổi tiếng thế giới, là người đem lại cơ hội quảng bá thương hiệu, bà cũng dứt khoát không chia sẻ.

Đoàn kết tạo nên sức mạnh, nhưng có nhiều đặc tính tâm lý của người Việt khiến đoàn kết trở thành một chuyện gần như xa xỉ trên thị trường. Hiện nền sản xuất trong nước đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Hai hệ thống bán lẻ lớn nhất nước đã rơi vào tay các ông chủ Thái, nhà vô địch về sản xuất hàng gia dụng và thực phẩm ở Đông Nam Á. Việc các ông chủ Thái đẩy hàng Việt Nam ra khỏi hệ thống, đưa hàng Thái vốn có giá rẻ, chất lượng và có thương hiệu tốt vào, chỉ còn là vấn đề thời gian.

Khi doan ket van con la chuyen... xa xi
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Các nhà đầu tư nước ngoài đã mang theo những vũ khí quá mạnh vào thị trường Việt Nam. Họ có kinh nghiệm, có công nghệ, có mô hình phân phối ưu việt. Họ đã đi trước chúng ta rất nhiều năm. Đó là một cuộc cạnh tranh không cân sức, nhưng Nhà nước không thể áp đặt các chính sách bảo hộ thị trường để cứu DN trong nước. Các chính sách này, ví dụ như đối với ngành ô tô, đã cho thấy nó không những không thúc đẩy sản xuất trong nước mà ngược lại, khiến các DN ỷ lại, còi cọc không chịu lớn.

Vingroup, một nhà bán lẻ lớn, đã làm một động thái tiên phong. Việc họ quyết định bán không lấy lãi cho 250 DN thuộc bảy ngành hàng, không đơn thuần là hợp tác. Tập đoàn này đang “hỗ trợ” cho các DN nội địa và đó là một động thái mang tính biểu tượng cao. Vấn đề không chỉ nằm ở Vingroup với hệ thống bán lẻ của mình.

Hệ thống này dù lớn cũng không thể bao sân thị trường, 250 DN dù nhiều cũng chỉ là một con số nhỏ so với cả nền sản xuất. Câu chuyện ở đây là tinh thần tương trợ trong một cuộc đấu mà chúng ta đang yếu thế. Chúng ta không thể kêu gọi người tiêu dùng đơn thuần bằng khẩu hiệu “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Người tiêu dùng có quyền chọn những mặt hàng rẻ nhất, đẹp nhất, tốt nhất. Nếu cần kêu gọi điều gì, lúc này, chính là kêu gọi sự đoàn kết giữa các DN, như Vingroup đang làm.

Đức Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI