Khi đô thị thành nơi đua nhau nuôi yến

13/09/2020 - 11:26

PNO - Tỉnh Bạc Liêu - nơi có mật độ nhà yến trong khu đô thị cao nhất nước với hơn 450.000 con chim yến - đang đối mặt với những xung đột giữa lợi ích kinh tế với sức khỏe và môi trường sống của người dân.

Hơn 80% nhà yến nằm ở đô thị 

Hơn 21g, tiếng líu ríu từ những chiếc máy phát âm thanh dẫn dụ chim yến vẫn vang lên inh ỏi khiến nhiều du khách ở khách sạn cao tầng trên đường Trần Phú - tuyến đường sầm uất nhất TP. Bạc Liêu - cảm thấy rất khó chịu.

Nhân viên lễ tân khách sạn chỉ biết năn nỉ khách thông cảm vì chỗ nào ở TP. Bạc Liêu cũng có tiếng ồn từ máy phát dụ chim yến và không thể yêu cầu dừng lại được.

Từ động vật hoang dã, chim yến được nuôi phổ biến trong các khu đô thị, gây nhiều hệ lụy cho cộng đồng
Từ động vật hoang dã, chim yến được nuôi phổ biến trong các khu đô thị, gây nhiều hệ lụy cho cộng đồng

“Mấy chỗ khác, tiếng chim còn kinh khủng hơn. Khách du lịch đã vắng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà còn bị tiếng chim gây phiền toái kiểu này thì sao mà kinh doanh được” - một nhân viên khách sạn bày tỏ thêm. 

Vào cuối tháng 8/2020, chỉ cần đứng trên sân thượng khách sạn này, phóng tầm mắt ra bán kính chừng vài trăm mét, chúng tôi đã thấy hàng chục nhà yến chen nhau mọc lên ngay giữa khu trung tâm TP. Bạc Liêu.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bạc Liêu - cho biết, nghề nuôi chim yến ở tỉnh Bạc Liêu có từ năm 2004 khi đàn chim yến tự nhiên về làm tổ tại tháp bệnh viện và nóc nhà trung tâm hội nghị tỉnh, sau đó nhà yến phát triển rất nhanh.

“Đến nay, Bạc Liêu có hơn 1.470 cơ sở nuôi chim yến, chỉ đứng sau tỉnh Kiên Giang nhưng mật độ nhà yến trong khu đô thị lại rất cao” - ông Hưng thông tin.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, năm 2013, toàn tỉnh chỉ có 11 nhà yến nhưng đến năm 2019, đã lên đến 1.100 nhà yến. Riêng TP. Bạc Liêu đã có hơn 580 nhà yến, số còn lại tập trung ở các khu đô thị của huyện Đông Hải (115 nhà), huyện Giá Rai (120 nhà), huyện Hòa Bình (95 nhà), huyện Vĩnh Lợi (90 nhà). Năm 2020, toàn tỉnh có hơn 1.470 nhà nuôi yến; số nhà yến ở nội thành, nội thị chiếm hơn 80%.

Chỉ tay về phía hai cái nhà yến nằm sát nhau gần tòa nhà hình nón lá nổi tiếng ở TP. Bạc Liêu, một cán bộ đang công tác tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, tình trạng đua nhau dụ chim yến về phố đã và đang gây nhiều phiền toái cho người dân:

“Hầu như chỗ nào có nhiều nhà yến nằm sát nhau là chỗ đó thường xuyên bị khiếu nại về tiếng ồn. Vì nằm sát nhau nên họ phải đua nhau tăng âm lượng máy phát tiếng chim yến để thu hút chim về nhà nuôi của mình. Khi nhà này tăng âm lượng máy phát thì nhà kia cũng tăng to lên nên độ ồn cứ tăng liên tục. Dân khiếu nại nhiều là vì vậy”. 

Toàn xây nhà yến không phép

Trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM về quy chuẩn xây nhà yến trong đô thị cũng như các quy định về bảo đảm tiếng ồn, vệ sinh môi trường, phòng dịch, ông Hưng cho biết, đến nay, gần như toàn bộ nhà yến ở tỉnh Bạc Liêu đều xây tự phát và không có quy chuẩn cụ thể. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, hầu hết nhà nuôi yến chưa có giấy phép, trong đó có khoảng 60% cơi nới từ nhà đang ở. Âm thanh từ các thiết bị dụ chim yến phát ra cả ngày lẫn đêm làm cho không khí thêm ngột ngạt, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Báo cáo của sở nêu: “Cơ sở nuôi chim yến nằm xen kẽ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Tuy nhiên, Thông tư số 35/2013 quy định về vùng dẫn dụ, gây nuôi chim yến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa nêu cụ thể khoảng cách nuôi yến với khu dân cư để có cơ sở quy hoạch, xác định cơ sở nuôi yến an toàn. Thông tư không quy định cụ thể về vị trí xây dựng cơ sở nuôi chim yến gây khó khăn cho các địa phương, đặc biệt là trong công tác quy hoạch”.

Các nhà nuôi yến đua nhau mọc lên như nấm tại TP.Bạc Liêu. Tính đến giữa năm 2020, tỉnh này có hơn 1.470 nhà yến, trong đó 80% nhà yến nằm trong vùng đô thị
Các nhà nuôi yến đua nhau mọc lên như nấm tại TP. Bạc Liêu. Tính đến giữa năm 2020, tỉnh này có hơn 1.470 nhà yến, trong đó 80% nhà yến nằm trong vùng đô thị

Do chưa có hướng dẫn kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở nuôi chim yến và thiếu chế tài đối với những trường hợp sử dụng nhà ở để dẫn dụ chim yến nên các cơ quan chức năng ở tỉnh Bạc Liêu gần như không xử phạt được vi phạm.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, tổng đàn yến trên toàn tỉnh khoảng 452.000 con, lượng tổ yến thu hoạch trong năm 2019 đạt hơn 1.200kg/tháng. Ước tính, thu nhập từ nghề dẫn dụ, nuôi chim yến trên toàn tỉnh khoảng 3.168 tỷ đồng/năm. 

Trong khi người nuôi chim yến trong khu đô thị thu được lợi nhuận cao thì cộng đồng dân cư lại phải gánh chịu nhiều hệ lụy, gây bất bình. “Lợi ích thì họ (người nuôi yến) hưởng, còn thiệt hại thì người khác phải gánh chịu. Ai sống gần nhà nuôi yến cũng khổ sở vì tiếng chim giả (từ máy phát) lẫn chim thật kêu réo suốt ngày. Muốn bán nhà bỏ đi nơi khác cũng không được vì chẳng ai mua” - ông Nguyễn Văn Tư, sống gần những căn nhà yến ngay trung tâm TP. Bạc Liêu, ngao ngán nói. 

Khó kiểm soát dịch bệnh từ chim yến

Ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, hằng năm, chi cục thường tổ chức lấy mẫu chim yến (xác chim, lông chim, phân chim) theo định kỳ để đưa đi xét nghiệm, phân tích chỉ tiêu về dịch bệnh. Vào những đợt xảy ra dịch cúm gia cầm, việc lấy mẫu được thực hiện với tần suất cao hơn. “Trong đợt xảy ra dịch cúm gia cầm gần đây nhất, chúng tôi cũng lấy nhiều mẫu chim yến đưa đi xét nghiệm nhưng không phát hiện mầm bệnh” - ông Hưng nói.

Trong một báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cuối năm 2019, Chi cục Thú y tỉnh Bạc Liêu cho biết, phần lớn cơ sở nuôi chim yến xây tự phát, nằm trong khu dân cư nên gây khó khăn cho việc phòng, chống dịch.

Cụ thể, khu vực nuôi chim yến tối, ẩm ướt và có nhiều phân nên có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Công tác lấy mẫu xét nghiệm định kỳ hoặc đột xuất để giám sát tình trạng sức khỏe của các đàn chim yến gặp khó khăn do chim bay lượn trên cao, việc lấy mẫu cũng ảnh hưởng đến việc chăn nuôi của các cơ sở nuôi yến. Dù nhiều cơ sở nuôi chim yến nằm trong khu đô thị và không có giấy phép nhưng việc di dời các cơ sở này gần như không thể thực hiện được do chim yến bay lượn trên cao, không thể di dời như đối với vật nuôi khác.

Hiện nay, ngoài Bạc Liêu, các tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định… cũng có nhiều cơ sở nuôi chim yến.

Tại TPHCM, nhà nuôi yến chủ yếu tập trung tại huyện Cần Giờ, nơi mật độ nhà cửa, dân cư thấp.

Trung Thanh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI