Hầu hết đồ chơi đều xuất xứ Trung Quốc
Gần đây, câu chuyện bé trai 8 tuổi tại TP. Vinh (Nghệ An) bị thương nặng vì đồ chơi chạy bằng pin bất ngờ phát nổ khiến các bậc phụ huynh càng thêm lo ngại về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đồ chơi đang bày bán tràn lan trên thị trường hiện nay.
Chị Hoàng Minh (quận 1, TP.HCM) chia sẻ, nhà chị có 2 con nhỏ nên vẫn thường thưởng đồ chơi cho con. Trước khi mua, chị tham khảo nhiều cửa hàng, thương hiệu đồ chơi lớn để tìm ra món đồ chơi con yêu cầu nhưng xuất xứ phải đảm bảo.
“Trẻ thường thích đồ chơi điện tử nên mặt hàng này bán nhiều lắm, áp đảo các mặt hàng còn lại. Tôi nghĩ, đồ chơi của trẻ phải đảm bảo an toàn và phù hợp với độ tuổi. Thị trường bây giờ hàng nhái, giả nhiều nên phải chấp nhận chi tiền, thà ít món chứ không được kém chất lượng vì hậu quả không thể lường”, chị Minh nói.
|
Nhiều món đồ chơi có giá vài triệu đồng vẫn được phụ huynh lựa chọn cho con. Ảnh: Q.T. |
Không riêng chị Minh, nhiều phụ huynh có con nhỏ và hiểu về thị trường đồ chơi đều sẵn sàng “chi mạnh” cho những sản phẩm có chất lượng, chẳng hạn như đồ chơi thông minh, đồ chơi sáng tạo… có xuất xứ từ Việt Nam hay hàng nhập khẩu.
Dù biết sản phẩm "tiền nào của đấy", nhưng phụ huynh không phải ai cũng có điều kiện để sắm đồ chơi đắt tiền cho con. Do vậy, thị trường đồ chơi hiện nay "thượng vàng, hạ cám", đặc biệt là các mặt hàng đồ chơi điện tử, đồ chơi chạy bằng pin bày bán tràn lan, tiềm ẩn những nguy cơ mà phụ huynh lại không hề hay biết.
Tại cửa hàng đồ chơi trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, dù diện tích chỉ khoảng 10m2 nhưng đồ chơi khá đa dạng, được sắp xếp rất bắt mắt. Khi chúng tôi hỏi mua đồ chơi điều khiển chạy bằng pin hoặc sạc điện, chủ cửa hàng nhanh nhảu chỉ tay về phía dãy đồ chơi bên trái cửa hàng, chủ yếu là xe bằng nhựa, giá từ 94.000-250.000 đồng/chiếc.
Hỏi dòng cao cấp hơn, người bán lấy ra 3 hộp lớn bên trong chứa những chiếc xe có điều khiển sạc điện. Vì là mặt hàng cao cấp hơn nên giá dao động từ 438.000 - 500.000 đồng/chiếc. Những loại trực thăng điều khiển có mức giá từ 450.000 đồng/chiếc.
Khi được hỏi về xuất xứ sản phẩm, người bán cho biết không riêng các dòng điều khiển mà tất cả đồ chơi tại cửa hàng đều nhập khẩu từ Trung Quốc. Một số loại xe điều khiển có vỏ hộp ghi “xe đua Thành Đô”, người bán cho biết đó cũng là hàng Trung Quốc, do Việt Nam hợp tác sản xuất nhưng mọi lắp ráp đều ở Trung Quốc và nhập khẩu về?!
“Nhiều người bán ngại nói hàng Trung Quốc khách không mua, còn cô thì có sao nói vậy. Đồ chơi trẻ em hiện tại của hầu hết các cửa hàng lớn nhỏ ở TP.HCM này đều là hàng Trung Quốc, được mấy món sản xuất tại Việt Nam đâu. Những sản phẩm ở đây đều không có bảo hành, nếu thấy thích thì mở hộp bỏ pin vào chạy thử rồi quyết định mua hay không”, chủ cửa hàng đồ chơi nói.
|
Chủ cửa hàng nhận 100% đồ chơi của cửa hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Ảnh: Q.T |
Cách đó chưa đầy 300m, một cửa hàng đồ chơi lớn có thương hiệu tại TP.HCM cũng kinh doanh đa dạng về các loại đồ chơi, các dòng điều khiển như ô tô, xe tải, trực thăng… giá dao động từ 1-3 triệu đồng/chiếc.
Nhân viên cửa hàng cho biết các mặt hàng siêu xe đồ chơi bán khá chạy. Cửa hàng hiện chỉ còn lại vài loại xe ben, xe tải, vượt địa hình… hầu như đều được giảm giá từ 20-30%.
Theo nhân viên bán hàng, tất cả các dòng đồ chơi điều khiển tại đây đều là hàng nhập từ Trung Quốc nhưng là của những thương hiệu lớn, nổi tiếng nên nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cũng như chế độ bảo hành trên từng sản phẩm.
Còn tại một cửa hàng chuyên cung cấp đồ chơi ngoại (quận 1, TP.HCM), quản lý cửa hàng cho hay, phần lớn khách hàng chuộng các dòng đồ chơi cao cấp xuất xứ từ Hàn Quốc, Đan Mạch… như siêu anh hùng, xe điều khiển, lego đối với bé trai và búp bê Barbie đối với bé gái. Giá bán thường là tiền triệu cho mỗi món.
“Bước chân vào các cửa hàng đồ chơi cao cấp, thường người mua sẽ quan tâm tới xuất xứ và chức năng của đồ chơi nhiều hơn là giá cả. Muốn nhận biết đồ chơi có xuất xứ tại đâu, người mua cứ tìm mã vạch được in trên hộp đồ chơi. Đồ chơi Hàn Quốc có mã vạch 3 số đầu tiên là 088, 570 – 579 là Đan Mạch, 690 – 695 là Trung Quốc”, quản lý cửa hàng nói.
Đồ chơi phải có dấu CR mới đảm bảo chất lượng
Theo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, phụ huynh lựa chọn đồ chơi phù hợp cho con phải lưu ý nhiều yếu tố, ngay cả hình thức sản phẩm cũng cần phải kiểm tra.
“Phải kiểm tra về nhãn hàng hóa, xem có ghi đầy đủ tên hàng hóa, tên cơ sở, địa chỉ sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần hoặc thành phần định lượng, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, đặc biệt chú ý đến các thông tin cảnh báo của nhà sản xuất về độ tuổi sử dụng đồ chơi phù hợp”, đại diện Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết.
|
Mua đồ chơi cho con không chỉ quan tâm xuất xứ là đủ |
Riêng đối với đồ chơi nhập khẩu, trên nhãn phải ghi đầy đủ các thông tin cần thiết theo quy định. Ngoài ra, còn phải có tên nhà nhập khẩu, nhà phân phối chịu trách nhiệm pháp lý đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện, phương tiện cũng như kinh nghiệm để truy đến cùng nguồn gốc của đồ chơi.
“Tuyệt đối không mua và sử dụng những sản phẩm đồ chơi không có hoặc không đầy đủ các thông tin trên”, đại diện Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhấn mạnh.
Việc xem xét hình thức của sản phẩm là điều kiện cần để có thể lựa chọn đồ chơi an toàn cho trẻ, còn điều kiện đủ mà các bậc cha mẹ cần biết đó chính là dấu hợp quy (dấu CR) được dán trên mỗi sản phẩm.
“Dấu CR là một bằng chứng và là đặc điểm để nhận biết những sản phẩm đã có chứng nhận hợp quy, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của nhà nước và được phép lưu thông tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.
Nếu sản phẩm của các doanh nghiệp phù hợp với tiêu chuẩn và được chứng nhận hợp quy thì sản phẩm sẽ được gắn dấu CR. Đây là đặc điểm chứng nhận sản phẩm của doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng”, đại diện Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khuyến cáo.
Quốc Thái