Khi điều kỳ diệu không đến với người phụ nữ

25/05/2022 - 08:53

PNO - Đứa trẻ chính là điều kỳ diệu trong cuộc đời người mẹ. Thế nhưng, có những người phụ nữ đành chấp nhận mất đi món quà kỳ diệu đó do phải phá thai vì lý do y tế, sẩy thai hoặc vô sinh. Tất cả họ đều cần được cảm thông và thấu hiểu.

Nỗi đau mất con 

Đối với một số người, việc đánh mất món quà “trời ban” có thể do sẩy thai, đối với những người khác thì đó là vô sinh, và còn có một lý do gọi là “hoàn cảnh”, bao gồm nhiều yếu tố phức tạp tác động. 

Khi một phụ nữ mang thai đến bệnh viện ở Cleveland, Ohio (Mỹ) vào đầu năm 2022, cô chảy rất nhiều máu. Bác sĩ sản phụ khoa Maria Phillis và các bác sĩ khác đã truyền cho bệnh nhân nhiều túi máu nhưng tình trạng của cô vẫn xấu đi. Không lâu sau, người mẹ phải đối mặt với một lựa chọn khủng khiếp: Giữ mạng sống hay từ bỏ con vì nhau thai đã gắn nhầm chỗ và tàn phá cơ thể cô, còn đứa bé chưa thể tự sinh tồn. Cuối cùng, thai kỳ phải được chấm dứt để cứu lấy mạng sống của người mẹ. Bác sĩ Phillis chia sẻ: “Gia đình và thai phụ rất trông đợi vào đứa trẻ. Tất cả đều suy sụp”. 

Những người phụ nữ mất con - món quà kỳ diệu của thượng đế - rất cần sự cảm thông và chia sẻ từ gia đình, cộng đồng - ẢNH: GETTY IMAGES
Những người phụ nữ mất con - món quà kỳ diệu của thượng đế - rất cần sự cảm thông và chia sẻ từ gia đình, cộng đồng - Ảnh: Getty Images 

Việc chấm dứt thai kỳ để cứu sống người mẹ từ lâu đã được chấp nhận như một giải pháp cuối cùng trong y khoa tại nhiều quốc gia. Ngay cả khi người phụ nữ còn trẻ và khỏe mạnh, mang thai cũng là một trạng thái nguy hiểm. Nó thường làm gia tăng các tình trạng bệnh lý đã có dù không phải lúc nào cũng có thể phát hiện được. Cụ thể gồm bệnh tim, huyết áp cao và rối loạn chức năng thận... Các biến chứng đe dọa tính mạng không phải là hiếm, bao gồm cả việc bị vỡ nước ối sớm dẫn đến nhiễm trùng huyết. Trong những năm gần đây, một tình trạng gọi là tiền sản giật, thường xảy ra giữa thai kỳ, dẫn đến mức tăng cao về huyết áp và protein trong nước tiểu ước tính gây ra hơn 70.000 ca tử vong cho mẹ và 50.000 ca tử vong cho thai nhi trên toàn thế giới mỗi năm.

Elizabeth Kibler - 31 tuổi đến từ bang Minnesota, Mỹ - đã trải qua hai lần thực hiện thủ thuật nong và nạo - vốn sử dụng để phá thai hoặc làm sạch mô khỏi tử cung ở ca sẩy thai. Lần đầu tiên Kibler thực hiện thủ thuật này là sau khi thụ tinh trong ống nghiệm và cô bị sẩy thai. Lần thứ hai diễn ra khi thai được tám tuần tuổi và kết quả khám sức khỏe định kỳ cho thấy phôi thai đã ngừng phát triển. Kibler - người điều hành một nhóm trực tuyến dành cho những người đang đấu tranh với chứng vô sinh - cho biết: Sau những trải nghiệm của bản thân, cô quyết định hỗ trợ những phụ nữ phải bỏ thai vì lý do y tế bởi đó là một trong những điều “đáng buồn nhất” mà người phụ nữ trải qua trong cuộc đời. Cô nhớ lại: “Tôi gần như đã chết đi vào ngày con trai tôi chào đời. Vì vậy, đối với một số người phụ nữ, phá thai là lựa chọn sống còn”.

Sự chia sẻ và cảm thông từ cộng đồng

Vào đầu tháng Năm, Celina - tiktoker nổi tiếng @celinaspookyboo - đã đạt hơn 6,7 triệu lượt xem; 1,4 triệu lượt thích và gần 20.000 bình luận khi cô đăng một video đầy cảm xúc lên tài khoản của mình. Chú thích của Celina viết: “Dành cho những người đang trải qua vô sinh, sẩy thai và mất con. Tôi hiểu sự im lặng và nỗi đau của bạn”. 

Trong video của mình, Celina lặng lẽ tưởng nhớ hai đứa con mà cô đã mất tại khu rừng tưởng niệm ở nơi cô đang ở. Tương tự, Sian Prior - nhà văn, phát thanh viên người Úc và là tác giả của cuốn hồi ký Không có con: Câu chuyện của tự do, khao khát và mặc cảm - đã bị sẩy thai nhiều lần, vô sinh trong một thời gian dài, sau đó bước vào mối quan hệ với một người không muốn có thêm con. Sian cho biết ở Úc, có rất nhiều nhóm dành cho những người mẹ vì hoàn cảnh mà không thể có con, những người đôi khi cảm thấy bị cô lập và thậm chí vô hình giữa cộng đồng, gia đình của họ. Những diễn đàn này mang lại cảm giác thân thuộc, không gian để tâm sự những tổn thương, là nơi để những người mẹ đánh mất điều kỳ diệu tìm thấy sự đồng cảm và chia sẻ nỗi đau. 

Theo Cục Thống kê Úc, khoảng 38% các cặp vợ chồng tại nước này không có con và khoảng 25% phụ nữ có khả năng không có con cho đến tuổi xế chiều. Trang web của Chính phủ Health Direct báo cáo rằng cứ chín cặp vợ chồng Úc trong độ tuổi sinh sản thì có một cặp gặp vấn đề về khả năng sinh sản. Quay trở lại với đoạn video của Celina, trong phần chú thích, cô đã gắn thẻ “IAmOneInFour”.

Hiệp hội Vô sinh Quốc gia Mỹ thống kê rằng, 1/8 cặp vợ chồng tại nước này gặp khó khăn khi muốn thụ thai và 1/4 trường hợp mang thai kết thúc bằng thất bại. Celina bày tỏ nguyện vọng rằng, khoa học sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu trong điều trị vô sinh, con số thống kê “1/4” một ngày nào đó sẽ chỉ còn là dĩ vãng. 

Ngọc Hạ (theo Yahoo, Washington Post, Guardian, 7news)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI