Khi đi làm, gen Z cần nhất là biết… điều

28/10/2022 - 05:59

PNO - Nhiều bậc phụ huynh, các nhà quản lý nhân sự/người sử dụng lao động đau đầu trước khả năng giao tiếp - ứng xử của một bộ phận gen Z trên mạng ảo lẫn đời thật.

Gen Z là viết tắt của Generation Z (thế hệ Z). Theo từ điển Oxford, gen Z là những người sinh ra trong khoảng thời gian từ cuối những năm 1990 cho đến 2012. 

Thừa hưởng các tiến bộ từ văn hóa, xã hội đến công nghệ, gen Z được xem như những nhân tố năng động, sáng tạo, tiếp thu nhanh, tầm nhìn rộng mở có triển vọng đánh bật sự ù lì, thụ động, ngại sáng tạo, chậm thay đổi của không ít người ở thế hệ trước.

Giỏi nên "chảnh" 

Bên cạnh những điểm sáng của gen Z như cập nhật xu hướng tốt, giỏi công nghệ, biết nhiều kỹ năng, dám bứt phá… thì nhiều bậc phụ huynh, các nhà quản lý nhân sự/người sử dụng lao động đau đầu trước khả năng giao tiếp - ứng xử của một bộ phận gen Z trên mạng ảo lẫn đời thật.

Chị C.V. (Q.Bình Tân, TPHCM) - giám đốc một doanh nghiệp ngành tư vấn - kể: Một số nhân viên gen Z làm việc kém hiệu quả lại hay đòi tăng lương. Mỗi lần gặp chuyện không như ý là đăng đàn kể lể trên mạng xã hội với nội dung “tôi vô tội”, kẻ có tội là giám đốc, công ty và đồng nghiệp. Các bạn thường không thấy lỗi của bản thân, chỉ thấy cái sai của người khác. 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Là người trong cuộc, một gia sư được nhiều học sinh yêu mến, Trần Huỳnh Tâm Anh - sinh viên năm 4 ngành ngữ văn Trường đại học Sư phạm TPHCM - chia sẻ: “Về kỹ năng giao tiếp ứng xử của gen Z, tôi nhận thấy các bạn khá yếu kém trong ứng xử - giao tiếp trên các nền tảng mạng xã hội, các bạn thường không ý tứ và có xu hướng xem nhẹ tác động từ lời nói của bản thân. Phần lớn gen Z rất giỏi, chỉ là nhiều bạn không biết cách thể hiện khả năng của mình nên dẫn tới thái độ tự cao tự đại, dễ có tâm lý ỷ lại và tự tôn quá mức dẫn đến xem nhẹ người khác”.

Nói quá, làm quá 

Chị M.T. (TPHCM) sau quãng thời gian làm việc với nhân sự gen Z đã tâm tư: “Gen Z đi làm “bật” sếp dữ quá thì làm cách nào “khóa miệng” các bạn ạ?”.

Nhiều bình luận tỏ ra đồng cảm vì cùng cảnh ngộ khi làm việc với nhân viên mới, nhân viên thuộc gen Z. 

Phần lớn gen Z có cá tính mạnh mẽ, có chính kiến riêng và tự tin phản hồi nhằm thể hiện quan điểm cá nhân. Điều đáng nói, đôi khi gen Z “nói quá, làm quá” kiểu “vung tay quá trán” với người lớn, với sếp hay đồng nghiệp. 

Việc thể hiện quá đà quan điểm cá nhân hay cá tính so với mức độ “đáp trả” cần thiết thường sẽ dẫn đến thất thố với người lớn hoặc trên quyền mình. Rõ ràng, một người tinh tế và khéo léo sẽ hiểu như thế nào là “quá” hay “vượt giới hạn”. Sếp ra sếp, nhân viên ra nhân viên, lên tiếng là tốt nhưng phải ý thức được vấn đề rằng mình đang tranh luận, tranh cãi hay “cãi chày cãi cối” bất chấp lý lẽ, logic. 

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

Nhiều người rất tự tin khi nói chuyện, kể cả chuyện chưa hiểu, chưa rõ đầu đuôi ngọn ngành, cảm thấy đắc ý khi “chuyện gì mình cũng có thể “tham chiến” được”. 

Người trong cuộc cho rằng đó là tự tin phản biện, tự tin chia sẻ, tự tin góp ý, tự tin vào hiểu biết của mình nhưng trong mắt người ngoài cuộc - khách quan, người hiểu biết sâu rộng hơn, đó là sự “tự kiêu” hay “kiêu ngạo”, một kiểu “thùng rỗng kêu to”. Nói rất hay nhưng bắt tay làm là đổ vỡ. Tự tin và tự kiêu có ranh giới rất mong manh do đó nếu thiếu chín chắn, thiếu kiểm soát bản thân, chúng ta rất dễ mắc sai lầm. 

Có "kinh nghiệm nghỉ việc"

Những ai làm công tác tuyển dụng hoặc phụ trách nhân sự nhiều năm sẽ nhận ra rằng, nhiều ứng viên không có kinh nghiệm nào nhiều bằng “kinh nghiệm nghỉ việc”. Không thể đổ thừa “còn trẻ, còn nhiều thời gian” để làm chỗ này, chỗ kia lấy kinh nghiệm. Kiểu lấy kinh nghiệm ba tuần, một tháng, vài tháng ở một vị trí/công ty chỉ có ý nghĩa “tố cáo” đây là người thiếu tính tổ chức, kém kiên trì và có thể không phải người nghiêm túc, chịu khó. Và nhà tuyển dụng thường sẽ “chê” những đối tượng này, thậm chí loại ngay từ vòng chọn hồ sơ. Nhưng nhiều gen Z vẫn lờ mờ, không hiểu vấn đề. 

Chị Th. (Q.Bình Thạnh, TPHCM) - giám đốc một trung tâm giáo dục - cũng ngao ngán khi nói về một số nhân sự gen Z: “Quá mệt mỏi! Không biết khi đi làm trong lòng các bạn nghĩ gì? Đi làm thì không hết lòng, ngồi bấm điện thoại suốt, nhắc nhở thì gân cổ lên cãi, giao việc gì khó là thoái thác, làm việc thì không hiệu quả nhưng hay đòi tăng lương. Gặp chút áp lực là đòi nghỉ việc”.

Một trường hợp gần đây khiến chị Th. đau đầu: N.T. sau khi xin nghỉ việc đã đăng lên Facebook một bài viết “xanh rờn” mùi oán hờn… khi nghe ai đó đồn đại không đúng về bạn. Mặc dù người quản lý công ty trước giờ vẫn quý mến bạn, ngày bạn nghỉ việc còn tặng quà và động viên bạn học xong, công ty sẵn sàng nhận bạn trở lại. Vậy mà, bất cần xác tín tin đồn đó đúng hay sai, rất vội vàng, N.T. đăng trạng thái với lời lẽ thiếu lễ độ để đáp trả. Dòng trạng thái không khác gì T. “phủi sạch và quay lưng với những người có ân, có nghĩa với mình”.

Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto

 

Các bạn gen Z không biết rằng, khi nộp hồ sơ xin việc vào công ty khác, phòng nhân sự ở công ty mới sẽ liên hệ để xác nhận và nghe phản hồi về quá trình làm việc trước đây của bạn ở công ty cũ, họ sẽ tìm hiểu lý do bạn nghỉ việc và thái độ của bạn… Nhân sự có quá khứ không tốt chắc chắn sẽ bị đánh giá thấp hoặc không vượt qua được vòng tuyển dụng hay tập sự. Tương lai sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi xin việc. 

Một số người còn vô tư, kể xấu về nơi làm việc cũ, chê lương thấp, sếp khó tính, đồng nghiệp xấu xa… khi đi xin việc ở nơi mới mà quên mất dường như bản thân cũng bộc lộ sự “xấu tính” không kém cạnh khi ngồi kể tội người khác.

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường Song ngữ quốc tế Canada tại TPHCM - chia sẻ: “Có bạn muốn nghỉ vì có chỗ khác thu nhập cao hơn nên báo nghỉ trong… một tuần, có người khóa máy, không bàn giao công việc, không hoàn tất sổ điểm… Lý do nêu ra toàn là các điểm không hài lòng về trường, thậm chí chê trường cũ thậm tệ để kiếm cớ nghỉ việc”.

Cái kết của việc ứng xử kém thông minh, kiêu ngạo thông thường là “rớt” phỏng vấn “từ vòng gửi xe” hoặc lận đận, vất vả tìm kiếm việc khắp nơi với kết quả không như mong đợi… là tình trạng mà nhiều người trẻ trong đó có gen Z đang gặp phải. 

 

Giáo dục có góp phần cho “ứng xử kém văn minh”?

Là giảng viên đại học - nhà sư phạm, giáo dục, tôi không ít lần cảm thấy xấu hổ và có chút tự trách bản thân nếu nghe về “một gen Z kém văn minh” nào đó là học trò mình. Dù khi người ta trưởng thành, việc tự tu dưỡng, tự giáo dục mới là yếu tố quan trọng nhất. Người thầy dù đã làm hết trách nhiệm của mình, có những học trò tốt vẫn có những học trò “làm xấu mặt” thầy cô, gia đình. Thông thường, tôi sẽ tìm hiểu đa chiều về học trò này, khi hiểu được câu chuyện sẽ cố gắng nhẹ nhàng, tinh tế nhất “khuyên bảo” học trò. 

Nhiều giáo viên ngại “nắn gân” học trò, ngại “chỉ bảo” ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sợ nói “sự thật mất lòng”, sợ rầy la hay chỉ ra khuyết điểm làm học trò tổn thương. Tôi từng đấu tranh tư tưởng về việc này nhưng rồi tôi đã nói: “Bây giờ thà thầy tự tạt một gáo nước lạnh vào mặt các em, để sau này người ta có tạt cả xô lên đầu, em cũng không quá ngạc nhiên! Chúng ta không thể sinh ra đã hoàn hảo cho nên phải chấp nhận bị góp ý, nhận xét để lớn lên mỗi ngày”. 

Trong nhiều gia đình đang tồn tại kiểu “ông đấm bà xoa”. Cha giáo huấn vài câu, mẹ đã bênh chằm chặp và ngược lại. Kị nhất là chuyện bênh con bằng cách chê bai người vừa dạy con. Cuộc sống bên ngoài sóng gió hơn trong gia đình, do đó, phải chỉ cho con rằng cần kiên nhẫn, tinh tế, khéo léo, bước ra đời phải “học ăn, học nói, học gói, học mở”, tự tin khác tự kiêu, tự trọng khác tự tôn, khen ngợi khác nịnh nọt, góp ý khác chê bai… Nếu con sai, thứ ập lên con không chỉ là gáo nước lạnh và có khi là cả sóng thần. Phụ huynh không nên dung túng cho con bằng kiểu “ai cũng có lúc sai lầm”, không nên để trẻ ỷ lại đã có ba mẹ chở che, giải quyết vấn đề cho mình. 

Thời hiện đại, sự hiểu biết của gen Z là chìa khóa để khẳng định vị thế trong lòng người khác. Bạn có thể biết đủ thứ, nhưng chỉ “biết điều”, biết giao tiếp khéo léo, chân thành và văn minh mới có thể khiến bạn trở nên đẹp hơn, khác biệt hơn.

 

 

 

 

 

 

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân 
(Trung tâm Ứng dụng tâm lý - giáo dục An Nhiên)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI