Khi đau đớn, ai ở bên tôi?

05/10/2018 - 20:00

PNO - Bạn có thể giúp ít nhất một người trên đời này hạnh phúc, đó chính là bạn. Cuộc đời sẽ trân trọng bạn vì nghĩa cử ấy.

Cách đây một tuần, tôi bị sếp phê bình vì công việc không đạt yêu cầu. Tôi bèn nhắn tin cho người yêu, kể lể. Bỗng nhiên, anh ta gọi lại và gắt gỏng: “Anh bận lắm, đừng nhắn tin nữa”. Tôi hụt hẫng, chẳng biết nói chuyện này với ai. 

Khi dau don, ai o ben toi?
Bạn có thể giúp ít nhất một người trên đời này hạnh phúc, đó chính là bạn. (Ảnh minh họa)

Nhưng không như trước kia, tôi không đổ lỗi cho người làm tôi khốn khổ, tôi không căm ghét ông sếp cay nghiệt, tôi cũng không tập trung suy nghĩ vào thái độ lạ lùng của người yêu. Về nhà, tôi tránh giao tiếp với người thân để hạn chế xung đột do không kịp kiểm soát lời nói khi tâm trạng không thoải mái. Tôi cũng không còn lang thang ngoài phố, lao vào mua sắm, ăn uống và tán gẫu bởi những thứ ấy không giải quyết được tận gốc vấn đề. Lúc trước, có những khi quá buồn, tôi ngủ vẫn để ti vi, nửa đêm tôi hay giật mình thức dậy và sáng đi làm với gương mặt nhàu nhỉ. Lần này, tôi không làm như thế. 

Tôi cũng không tìm gặp nhà tư vấn tâm lý để trút bỏ nỗi lòng…

Bởi không ai có thể sống thay cuộc đời của chính tôi. Không ai có thể cảm nhận đầy đủ tình yêu, khát vọng và nỗi đau của chính tôi. Chính tôi mới có thể hiểu mình nhất. Thêm vào đó, bản chất sâu thẳm của tâm hồn mỗi người là sự thông thái nội tâm. Vì vậy, khi đứng trước những vấn đề lớn lao, người ta thường khuyên nhau: “hãy tĩnh tâm” để suy ngẫm và tự mình quyết định. Và, tôi thử một cách mới: trò chuyện với bản thân. Một cuộc trò chuyện rất khác thường với đối tượng “quen ơi là quen” của tôi. Tôi đã tự hỏi mình: Mình cảm thấy như thế nào về điều này?

Khi gặp bất trắc, điều tôi cần nhất là được quan tâm, vậy nên tôi đã trao sự quan tâm cho chính bản thân bằng cách hỏi thăm chính mình. Sau đó, tôi trả lời cho chính mình cảm xúc chân thật mà mình đang có. Mình đang cảm thấy trống trải, thua kém, thất vọng, oán hận...

Tôi lặp lại những gì vừa trả lời, xác nhận xem có đúng vậy không.

Đây không phải là bước thừa mà là tôi thể hiện sự lắng nghe và thấu hiểu chính mình. Trong mọi cuộc đối thoại, chúng ta luôn cần người khác lắng nghe, thấu hiểu. Do đó, tôi cũng cần trao sự lắng nghe, thấu hiểu cho bản thân.

Mình thật sự muốn gì?

Tôi hỏi mình câu này nhiều lần cho đến khi câu trả lời chạm đến các phẩm chất, các giá trị. Vì điều chúng ta thật sự cần nhất chính là các giá trị nhân văn. Người ta xây nhà vì muốn được an toàn; làm việc vì muốn phát huy lòng tự trọng và được tôn trọng; lập gia đình vì muốn được hạnh phúc và yêu thương. Tôi hỏi và để chính mình trả lời. Nguyên tắc là hãy để chính mình được bộc lộ tự nhiên và chân thật nhất.

Khi tôi nhắn tin cho người yêu, mong được an ủi, nhưng anh ta nói “đừng nhắn tin nữa”, vậy tôi có muốn người ấy giải thích lý do không? Tôi tự hỏi mình tiếp: “Đằng sau việc muốn người ấy giải thích, mình thật sự muốn gì?”. Và tôi nhận được câu trả lời: “Tôi muốn được tôn trọng”. 

Mình có thể làm gì để vấn đề tốt hơn?

Ở câu hỏi này, tôi đang hướng đến giải pháp. Tôi biết một thực tế rằng, chúng ta không thể kiểm soát được người khác. Vì vậy, nếu muốn vấn đề khác đi, điều thực tế nhất là bản thân tôi cần phải làm gì. Chúng ta có thể đề ra những hành động cụ thể hay khơi dậy những phẩm chất trong mình. Để phản hồi thái độ lạ lùng của người yêu, tôi đã chọn giải pháp: trân trọng chính mình, trân trọng những gì mình đã làm và tiếp tục làm tốt hơn nữa. Đó là cách trao lòng tôn trọng cho bản thân và có được sự tôn trọng từ mọi người. 

Mình chắc chắn làm những điều đó chứ?

Tôi hỏi mình để nhằm khẳng định quyết tâm. 

Tôi chọn giải pháp tôn trọng chính mình, có thể tôi mất người yêu, nhưng tôi không thể mất lòng tự trọng. Tôi bình tĩnh, không gào thét trong lòng, cũng không tìm cách để gặp hay gọi cho anh ta. Khi đau đớn, người tôi cần ở bên tôi, là chính tôi.

Khi trò chuyện với chính mình, tôi nhận ra “mối quan hệ với bản thân là nền tảng cho tất cả mối quan hệ với người khác”. Bản thân bạn chính là người sẽ ở cùng bạn từ giây phút đầu tiên đến giây phút sau cuối của cuộc đời mình. 

Vì vậy, sao phải đợi đến khi có sự cố mới ngồi lại với chính mình? Bạn có thể trò chuyện cùng bản thân mỗi ngày, nhìn nhận những điều tốt đẹp mình có hay làm được, thấu hiểu những cảm xúc thăng trầm và rút ra những kinh nghiệm... 

Đừng để mình phải gọi bản thân là “người lạ ơi”. Bạn có thể giúp ít nhất một người trên đời này hạnh phúc, đó chính là bạn. Cuộc đời sẽ trân trọng bạn vì nghĩa cử ấy. 

Hoàng Chương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI