Khi đầu bạc tiễn đầu xanh
Dứt đợt tụng kinh, gõ mõ, bà Nguyễn Thị Hoa - 74 tuổi, ở phường 7, quận Phú Nhuận - nói: “Ngày nào, tôi cũng ngồi đây nhìn di ảnh thằng Út đang cười”. Đó là di ảnh của anh Lê Thanh Bình - cựu cán bộ kinh tế, UBND phường 7, qua đời vào tháng 9/2021 do bệnh COVID-19.
Chúng tôi đến thăm, chúc sức khỏe và gửi bà Hoa phong bao mừng tuổi, bà lại xúc động nhớ đến con trai: “Ngày tết, thằng Út chuẩn bị bao lì xì cho tất cả mọi người, cả nhà cười cười nói nói, đông vui lắm. Tết năm nay vắng nó, anh chị, các cháu vẫn về nhưng ai cũng buồn”.
Chị Nguyễn Phúc Toản - Chủ tịch Hội LHPN phường 7, quận Phú Nhuận - kể: “Anh Bình là người hiền lành, vui tính, không rượu bia, thuốc lá. Đi đâu, làm gì, anh cũng hay nhắc về mẹ. Trước ngày mắc bệnh, anh còn bổ dừa cho cán bộ hội phụ nữ và các tình nguyện viên tham gia chống dịch uống”.
Nghe nhắc về con trai, bà Hoa không nén nổi đau buồn: “Thằng Út hiền ngoan, sáng nào cũng mua thức ăn cho mẹ rồi mới đi làm. Đi làm có lương, vừa về đến cửa nhà là nó móc bóp đưa mẹ. Tôi chỉ lấy một ít cất đi, để dành sau này cho con lấy vợ”.
|
Bà Hoa (bên phải) nghẹn ngào kể về đứa con trai mất do COVID-19 |
Thời điểm dịch bệnh bùng phát, anh Bình là người tích cực cùng địa phương tham gia chống dịch. Anh luôn nhắc mẹ mang khẩu trang, đeo găng tay khi tiếp xúc, cầm nắm vào đồ đạc của anh. Sau khi anh Bình mắc bệnh, lần lượt đến các anh, chị dâu, cháu trai nhỏ của anh Bình cũng phải vào khu cách ly điều trị bệnh, chỉ riêng bà Hoa vẫn an toàn. Ngày ngày ở nhà, bà Hoa ngóng tin các con. Các con, cháu lần lượt quay trở về, còn anh Bình thì bặt tin. Bà Hoa bồn chồn, hễ thấy cán bộ phường là hỏi thăm tin tức con trai nhưng ai cũng nói anh Bình ổn.
“Đến ngày thành phố dừng giãn cách, một buổi sáng, các con tôi tụ họp về nhà, tôi thấy lạ, hỏi thì chị gái kế của thằng Út nói “em Bình mất rồi mẹ ơi”. Hay tin, tôi không còn đứng vững. Các con động viên tôi giữ bình tĩnh để đón em về nhà” - bà Hoa nức nở.
Dù đã ngoài 30 tuổi nhưng anh Bình luôn là đứa con út bé bỏng trong trí nhớ của bà Hoa. Bà nhớ thời trẻ, Bình hăng hái tham gia các hoạt động đoàn thể của địa phương. Đến khi con đi làm, bà giặt giũ, ủi quần áo để anh luôn tươm tất mỗi khi ra khỏi nhà. Tối về, thấy con mệt, bà còn pha sữa cho con. Hôm nào nghe con nói thèm cơm, canh chua, bà đi chợ nấu cơm, đợi con về ăn.
Biết mẹ chờ mình, anh Bình cũng tranh thủ về nhà sớm. Chị Toản kể: “Nhiều lúc, bạn bè, đồng nghiệp trong cơ quan rủ đi dự liên hoan, tiệc tùng, uống cà phê, anh Bình đều từ chối hoặc anh phải về nhà với mẹ trước rồi mới ghé đến sau”.
Hơn năm tháng sau ngày con gái mất do COVID-19, bà Nguyễn Thị Chẩn - 81 tuổi, ở phường 15, quận 8 - đã dần nguôi ngoai nỗi đau, nhưng vẫn lo lắng về việc kiếm thu nhập để trang trải cho mình cùng đứa cháu đang tuổi ăn học. Với lương hưu hơn 2 triệu đồng/tháng, bà chi tiêu tằn tiện nhưng cũng chỉ đủ cho hai bà cháu ăn uống.
Chị Ngô Thị Lệ Chi - hàng xóm của bà Chẩn - cho biết may mắn là một số tổ chức đã giúp đỡ bà Chẩn. Ngoài những phần quà do chính quyền địa phương hỗ trợ trong những dịp lễ tết, chùa và nhà thờ gần nhà bà Chẩn cũng thường xuyên cho bà gạo, rau, củ. Trước tết, một nhà hảo tâm giấu tên đã nhờ xe ôm chở đến cho bà một gói quà gồm nhu yếu phẩm và tiền mặt.
Trong những người hàng xóm, chị Chi là người gần gũi với bà Chẩn nhất. Nhà gần nên chị thường xuyên thăm nom, ngày nghỉ thì đi chợ giúp bà. Bà Chẩn cho biết, từ ngày con mất, hàng xóm ai cũng thương, qua lại hỏi han, phụ giúp bà đi chợ: “Nhờ vậy mà tôi sống tiếp, sống vì cháu, chứ không thì chắc buồn mà chết”.
Gắng sống vì tương lai các cháu
Nhìn bên ngoài căn nhà lầu khang trang của bà Lê Thị Kim Hương (phường An Phú Đông, quận 12), ít ai biết cuộc sống của những người bên trong căn nhà ấy đang khó khăn. Bà Hương từng bị bệnh, phải cắt bỏ bàng quang nhiều năm trước. Bà có hai người con, một người bị tâm thần và một người đã mất do COVID-19. Hiện bà phải lo cho bản thân, nuôi con tâm thần và nuôi hai đứa cháu mồ côi.
Những tháng cao điểm dịch bệnh tại TPHCM, gia đình bà Hương bảy người mắc COVID-19, nhà được đưa đi cách ly ở nhiều bệnh viện. Ngày trở về, bà Hương đã mất chồng và con trai. Bà khóc thút thít: “Mất mát này là quá lớn. Dịch COVID-19 đã khiến cuộc sống đảo lộn. Tiền bạc không còn, trụ cột kinh tế của gia đình đã mất. Tinh thần tôi suy sụp, sức khỏe sa sút. Trong nhà giờ chỉ còn con trai bệnh tâm thần và các cháu. Tôi cố giấu nỗi đau vào trong lòng, cố gắng sống vì tương lai của các cháu”.
Gặp lại bà Hương trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần, bà cho biết, bà đã chia căn nhà ra nhiều phòng cho thuê. Cận tết, khách đã thuê ba phòng nên bà có thêm 6 triệu đồng lo cho con, cháu nội. Cháu của bà cũng nhận được sự hỗ trợ từ chương trình “Vòng tay yêu thương” của hệ thống Hội LHPN TPHCM.
Bà Trương Thị Kim Lan - 67 tuổi, ở P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú - hiện đang chăm nuôi đứa cháu ngoại mới hơn năm tháng tuổi, con của chị Kim Phụng. Chị Phụng đã mất do mắc COVID-19 khi đang mang thai ở tháng thứ bảy.
Vào tháng 8/2021, chị Phụng bị sốt, ho, được đưa vào Bệnh viện Từ Dũ. Đứa trẻ sinh thiếu tháng, được chăm sóc trong lồng kính. Bà Lan nói: “Hay tin con gái mất, tay chân tôi bủn rủn, khuỵu xuống. Nếu lúc đó không có đứa cháu nội đứng kế bên đỡ, chắc tôi đã té cầu thang, có khi đã đi theo con gái”. Bà Lan cũng mắc COVID-19 và tự cách ly tại nhà. Sau khi khỏi bệnh, bà Lan đã đón cháu ngoại về nhà chăm sóc.
“Nhìn bên ngoài, căn nhà lầu bề thế nhưng bên trong nhiều lúc không có gạo, cũng chỉ mình mình biết thôi” - bà Lan nói. Vợ chồng bà Lan từng dùng tất cả tiền tích cóp được để xây nhà. Sau đó, chồng bà Lan mắc bệnh ung thư phổi, qua đời năm 2010. Đến năm 2016, con trai bà bị tai biến, bốn năm sau thì mất. Con dâu nhận sửa quần áo tại nhà để lo cho con ăn học.
Nhắc đến cô con gái duy nhất của mình, bà Lan xúc động: “Con gái tôi tốt tính lắm, một mình đi làm, lo hết trong nhà, phụ tiền chữa bệnh cho anh trai, chăm sóc mẹ già. Vậy mà số phận con lại bất hạnh, ngắn ngủi”. Chị Phụng lập gia đình nhưng không được bao lâu thì ly hôn. Chị vẫn cần mẫn đi làm, chuẩn bị hành trang làm mẹ đơn thân nhưng không may, chị đã mất khi chưa kịp ôm ấp đứa con bé bỏng của mình.
Bà Lan chuyền đứa bé sang cho người con dâu. Bà nói: “Tôi đã già yếu, lại có bệnh huyết áp, thoát vị đĩa đệm, không biết lo cho cháu được đến ngày nào. Cũng may, lúc gia đình khó khăn nhất, luôn có con dâu cận kề chăm sóc, quán xuyến hết chuyện trong nhà, phụ tôi trông giữ bé, nhất là ban đêm. Tôi thấy mình có phúc, có phần an ủi ở tuổi xế chiều”.
Chị Trần Đặng Thanh Trúc - Chủ tịch Hội LHPN P.Tân Thới Hòa - cho hay: “Chính quyền địa phương và Hội LHPN phường luôn quan tâm đến gia đình cô Lan, thường xuyên thăm hỏi, động viên. Hội LHPN phường đã đề xuất cho cháu ngoại của cô Lan được nhận gói chăm sóc đặc biệt từ chương trình “Vòng tay yêu thương” từ đây cho đến khi bé 18 tuổi. Hội cũng hỗ trợ thêm phần học bổng cho cháu nội của cô, giúp gia đình cô vượt qua khó khăn trong giai
đoạn này”.
Cần chăm lo cho người già neo đơn Theo tôi, bên cạnh trẻ mồ côi, những người già neo đơn do mất con trong đại dịch cần được quan tâm chăm lo bởi họ là đối tượng dễ bị tổn thương. Tôi nhận thấy, trong đợt dịch vừa qua, Hội LHPN các cấp và các đoàn thể đã làm rất tốt công tác an sinh xã hội, nhất là chăm lo các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tôi tâm đắc nhất là việc chăm lo cho các cháu mồ côi cha mẹ trong đại dịch cho đến khi các cháu trưởng thành. Đó là hoạt động hết sức nhân văn và kịp thời. Tôi cũng mong các đoàn thể tiếp tục chăm lo, dành sự quan tâm đặc biệt đối với người già neo đơn. Bà Hà Thị Hồng Vân - Chủ nhiệm câu lạc bộ Cán bộ hưu trí Hội Nông dân TPHCM |
Song An - Thu Lê