Khi đàn ông... khóc

09/03/2016 - 14:22

PNO - “Có lẽ tôi sống rất lý trí. Nhưng tôi nghĩ, khóc không phải là chuyện riêng có của phụ nữ hay nam giới. Đó là cảm xúc của con người..."

Khi dan ong... khoc
Ảnh mang tính minh họa

Khi dỗ dành một bé trai đang khóc, trong mười bà mẹ thì có lẽ đến chín bà sẽ nói: “Nín ngay! Con trai mà khóc gì, người ta cười cho. Xấu hổ lắm!”. Trưởng thành hơn một chút, những cậu choai choai đang tập làm người lớn lại rỉ tai nhau: “Đàn ông đổ máu chứ không đổ lệ!”. Có lẽ vì vậy mà cả phụ nữ lẫn đàn ông, khi vô tình chứng kiến những giọt nước mắt của phái mạnh đều cảm thấy đó là một điều gì kinh khủng lắm, phải là chuyện đau đớn thế nào thì người đàn ông mới bật khóc.

Bản thân tôi cho đến giờ cũng chỉ một lần chứng kiến đàn ông khóc. Anh và tôi yêu nhau, sau bao năm xa cách mới gặp lại. Anh rưng rức: “Em ở đâu mà để anh tìm mãi, phải qua bao đau khổ, muộn màng”. Phản ứng đầu tiên của tôi lúc đó là ngạc nhiên đến sững sờ, người như đông cứng lại. Tôi nghĩ lẽ ra người khóc là mình mới phải. Thế nhưng lại có trường hợp như T., bạn học của em trai tôi, từng “nổi tiếng” thời trung học vì… mít ướt. Điểm thấp: khóc. Cha mẹ đón trễ: khóc. T. bị cô lập có lẽ một phần vì sự yếu đuối thái quá đó. Mãi đến bây giờ, trong những buổi họp lớp với bạn học cũ, T. cũng rụt rè một góc, chỉ thỉnh thoảng góp vài câu nhạt thch.

Có bạn nữ ác miệng còn kết luận: đó là lý do vì sao mãi đến giờ T. vẫn chưa lập gia đình. Lại có anh đồng nghiệp của cô bạn tôi, “chết tên”: “B. - Lưu Bị” ở công ty, vì cứ đụng chuyện rắc rối, khó khăn là anh giải quyết bằng nước mắt. Ban đầu, mọi người chỉ thấy ngồ ngộ, xầm xì về cặp vợ chồng đũa lệch của anh: anh mềm yếu bao nhiêu thì vợ anh lại mạnh mẽ, nóng tính bấy nhiêu. Khi vợ chồng B. lục đục, chị vợ đòi ly hôn, nhiều đồng nghiệp mới nghiêm túc nói chuyện với anh, yêu cầu anh phải nghiêm khắc nhìn lại mình, phải thay đổi để mạnh mẽ hơn, xứng đáng là cây tùng cây bách…

Có lẽ vì định kiến, phái yếu đã “đóng khung” cho một nửa còn lại và chính phái mạnh cũng tự ràng buộc mình vào công thức: đàn ông = mạnh mẽ và mạnh mẽ = không khóc(?!). Thử làm một cuộc phỏng vấn bỏ túi với những người đàn ông đậm chất nam nhi, kết quả chúng tôi nhận được khá bất ngờ.

Anh Trịnh Nghiêm Minh (chủ thương hiệu áo cưới Memories Bridal) cho biết: “Đã là con người thì chuyện buồn vui, cười khóc là hết sức bình thường. Hồi còn trẻ tôi khóc kiểu hơi… con nít, vào những lúc cảm thấy không được cha mẹ, người yêu quan tâm. Lớn hơn một chút, cũng có lúc tôi rơi lệ vì thất vọng, mặc cảm trong công việc, sự nghiệp. Còn bây giờ, tôi chỉ khóc khi cảm thấy bất lực trước những việc sức mình không thể thay đổi được. Thật ra, đó chỉ là giây phút chạnh lòng, hơi nghèn nghẹn một chút, rồi thôi. Xã hội phát triển thì dường như con người mềm yếu hơn. Họ không tìm thấy người đáng tin cậy để tâm sự, giãi bày những nỗi niềm.

Người phương Đông, trong đó có Việt Nam chúng ta, thường quan niệm đàn ông thì phải mạnh mẽ vì là trụ cột gia đình. Tôi đã chứng kiến vì nếp nghĩ đó mà nhiều trường hợp bị dồn nén, ức chế, không có chỗ “xả” những căng thẳng, đau khổ, dẫn đến phát tiết bằng cách tiêu cực như sinh sự đánh người, đập phá đồ đạc… Nghĩ cho cùng, khóc chỉ là một cách giải tỏa cảm xúc. Rơi vài giọt nước mắt rồi sau đó bình tĩnh lại tìm cách giải quyết vấn đề thì cũng đâu có gì là mất mặt nam nhi”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI