Ngày giỗ ông nội tôi, mấy anh em trong họ bàn nhau việc xây mộ cho ông bà. Nói tới tiền, ai cũng e dè. Thời buổi vật giá tăng vùn vụt, lương công chức mà phải bỏ ra hơn chục triệu đồng để đóng góp là không dễ.
Anh họ tôi giàu nhất trong mấy anh em, đám em nửa đùa nửa thật, đùn cho anh bao chót, mọi người thì tùy hỷ đóng góp. Anh ngập ngừng “để tính lại”.
|
Chị mạnh miệng, trong khi anh dè dặt chuyện tiền nong. Hình minh họa |
Vợ anh hùng hồn “chỉ cần mọi người nói nghe lọt lỗ tai, chị sẵn sàng bao trọn gói”. Anh tái cả mặt. Chị cố tình làm khó anh đây mà. Mấy ngày sau, anh điện thoại cho tôi, nói sẽ tự lo khoản đóng góp, mọi người đừng nhận tiền của chị.
Giọng anh ngập ngừng như đang nén tiếng thở dài. Lâu lắm rồi không thấy anh cười. Đôi khi ngồi trên đống tiền, lại loay hoay đi tìm những thứ đã mất trong hối tiếc và khổ sở.
Sau khi sinh con, chịu không nổi áp lực công việc nên chị xin nghỉ, tập tành bán mỹ phẩm qua mạng. Thời gian đầu ít khách, anh phải gắng sức làm thêm để lo chi phí cho cả nhà. Chị hay xót xa trách anh tham công tiếc việc. Anh nhìn chị bằng ánh mắt ấm nồng. Vì sự xót xa của chị, anh chẳng tiếc bản thân.
Nhờ giỏi tiếp thị, chị mua bán ngày càng đắt hàng. Chị mở cửa hàng tại nhà, rồi mở tiếp cửa hàng thứ hai. Bản tính cầu toàn nên chị rất cực, hay tự mình đi tìm hiểu sản phẩm, tìm đối tác tận tỉnh xa.
Nhà đổi thành biệt thự, có xe hơi nhưng dường như không khí gia đình lạnh hẳn. Những bữa cơm hiếm khi chị có mặt ở nhà. Cha con anh thường xuyên phải nghe chị kể lể “nhà này không có em, không chừng anh phải đi bốc vác”, “anh giỏi mấy cũng chỉ biết kiếm tiền bằng hai tay. Em thì khác, kiếm tiền là phải dùng đầu óc”… Miếng cơm trong miệng anh đắng chát.
|
Chị phải gánh vác chi phí sinh hoạt gia đình. Hình minh họa |
Tiền của chị, là để đầu tư làm ăn lớn. Phần anh gánh hết chi phí sinh hoạt. Bữa nào ăn sang, chị kêu ca các người sướng quá, tôi đi tỉnh phải ăn cơm bụi. Ăn đạm bạc, chị lại trách anh cho ăn “cơm tù”.
Hai đứa con sợ sệt, thấp thỏm trước những cơn cuồng nộ vô cớ của chị. Nỗi cơ cực của chị, đâu phải anh không biết. Anh cố bù đắp bằng cách chăm sóc tốt cho hai con, nhà cửa gọn gàng. Ly nước cam cho chị mùa nóng, chưng tắc với đường phèn mỗi khi nghe chị ho khan…
Yêu thương của anh, đối với chị, chỉ là những tủn mủn đàn bà. Mỗi lần nghe chị ra rả kể khổ, đầu óc anh muốn nổ tung. Nhưng anh bất lực, không thể làm chị thay đổi. Không phải anh nhu nhược, chỉ là anh đang cố sức níu giữ gia đình, để cái tổ mong manh không tan tác… Mỗi lần nhìn ánh mắt muộn phiền của anh, tôi lại nhói lòng.
Cũng ánh mắt đó, tôi từng bắt gặp ở con bé chỉ mới bảy tuổi ở xóm trọ cạnh nhà. Nghe đâu ba mẹ nó làm ăn thất bại, phải bán nhà. Từ khi gia đình con bé dọn đến, ngày nào lối xóm cũng điếc tai vì mẹ nó chửi mắng chồng con.
Chị mắng chồng vô dụng, liên lụy cả nhà phải vất vưởng đầu đường xó chợ. Chửi hai đứa con chỉ biết ăn tàn phá hại, có mỗi chuyện học cũng không bằng con người ta… Chồng chị có lẽ không chịu nổi cơn tam bành triền miên của vợ, đã bỏ đi. Gánh nặng của chị oằn thêm.
Tội hơn cả là hai đứa con phải thay cha gánh nỗi u uất trút xuống từ chị. Mỗi ngày về nhà, vừa buông chiếc xe đẩy rau quả là chị bắt đầu chửi con, chửi người chồng mất nhân tính đã rời bỏ chị. “Các người chỉ muốn giết tôi, muốn tôi chết đây mà…”.
Thằng con lớn của chị, chừng 14 tuổi. Có bữa nó xách cà-mèn đi mua thức ăn. Nét mặt nó lầm lì, dừng bên cột điện, đá liên hồi trút giận. Liệu nỗi u uất kia có bùng phát thành hành động rồ dại không thể ngờ?
Con bé em hay đứng lặng lẽ bên hàng rào. Nó ít khi cười. Tôi hay mua quà bánh cho nó. Nó cầm, lấm lét nhìn quanh như thể đang phạm tội tày trời. Tôi lòn tay qua hàng rào, ôm lấy nó, hy vọng cho nó chút ấm áp.
Con bé chợt thầm thì: “Con không muốn mẹ chết đâu cô, càng không có ý giết mẹ. Con làm sao giết được mẹ, phải không cô? Con chỉ ước mẹ kiếm được nhiều tiền. Trả hết nợ thì mẹ sẽ lại hiền như trước. Lúc trước, mẹ cũng hay ôm con như cô vậy nè…”. Tôi nghe cơn đau dội lên trong ngực. Con bé chỉ mới bảy tuổi, đã lạc mất vòng tay mẹ.
|
Gánh nặng đàn bà, tủi cực đến xót xa. Hình minh họa |
Gánh nặng đàn bà, tủi cực đến xót xa. “Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân”. Cái sự “một mình” của đàn bà lắm nỗi đa đoan. Thương lắm. Nhưng đàn bà cực thân, hãy để những người xung quanh an ủi, trân trọng, xoa dịu nhọc nhằn.
Đừng đặt sự cực thân lên bàn cân, để rồi thấy mình nặng trì tới đáy. Rơi xuống đáy rồi, không dễ ngoi lên, lại kéo những người thân yêu quanh mình cùng chìm. Vậy có đáng không?
Thùy Gương