Khi đại sứ tự chối bỏ mình…

06/07/2020 - 07:41

PNO - Ngành du lịch muốn "đột phá" giữa bức tranh kinh tế ảm đạm, đòi hỏi phải nhận diện nguồn lực, nhận diện chính mình; mà cách nhận diện rõ nhất, thấu tỏ nhất, bao lâu nay, vẫn là men vào văn hóa mà đi lên, mà tự cường, khẳng định mình, tự tin với mình.

Ở đâu, trong bất kỳ cuộc hội thảo, tọa đàm nào về du lịch văn hóa, ta cũng đều nghe một mệnh đề quen thuộc: TPHCM có đủ điều kiện để hướng tới đô thị di sản. Thậm chí, phó giáo sư - tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam còn khẳng định, trên cả nước hiện nay, chỉ có ba địa phương là TPHCM, Hà Nội và cố đô Huế còn hội tụ đủ điều kiện được bảo tồn như một di sản đô thị.

Thế nhưng, khi hỏi, TPHCM có thương hiệu du lịch, thương hiệu văn hóa gì, ta lại trở nên ngượng nghịu, ấp úng. Ta không tự tin với bản sắc của chính mình. 

Bao giờ ngành du lịch mới thôi nhạt nhẽo trong chính tư duy làm du lịch của mình?
Các tour du lịch vẫn đang quanh quẩn những địa chỉ quen thuộc. Bao giờ ngành du lịch mới thôi nhạt nhẽo trong chính tư duy làm du lịch của mình?

Những con số biết nói cho thấy đây là một vùng đất hoàn toàn có thể nhận diện được mình. Có thể chỉ ra ngay: ngoài 177 di tích đã được xếp hạng, 14 bảo tàng lưu giữ 541.000 hiện vật, 15 bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) cũng đa dạng không kém; đáng chú ý có đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO tôn vinh là DSVHPVT đại diện của nhân loại. Về lễ hội truyền thống, ngoài lễ hội Nghinh ông ở Cần Giờ, thành phố vừa chính thức có thêm một DSVHPVT quốc gia: tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5.

Ngoài ra, có thể kể ra hàng loạt DSVHPVT đang bị mai một dần như nghề thổi thủy tinh, thuộc da Phú Thọ (quận 11), chạm khắc gỗ Trung Mỹ Tây (quận 12), đúc đồng An Hội (quận Gò Vấp)… hoặc di sản chưa/không phát huy được thế mạnh của mình như cải lương, hát bội… Thậm chí, ở một mặt nào đó, những người như bà Lý Liên - người làm túi thơm cuối cùng của Chợ Lớn mới qua đời, ông Ngộ - người viết thư thuê cuối cùng ở Sài Gòn hay những người cuối cùng của một thời nào đó của đất Sài Gòn - Gia Định - TPHCM này, họ đều là những DSVHPVT cần được nhắc nhớ như những di sản sống của thành phố. Ta đã bao giờ xem đó như một động lực cho sự phát triển của thành phố này?

Lâu nay, ngành du lịch mới chỉ chủ yếu khai thác giá trị di sản văn hóa vật thể, hình thành những tuyến điểm giới thiệu tới du khách (ở đây chưa bàn tới việc khai thác loại hình này như thế nào), hầu như, chưa thấy đả động gì tới chuỗi DSVHPVT. Những quảng cáo đầy kích thích kiểu như “bật mí” lịch trình tour du lịch Sài Gòn 3 ngày 2 đêm “siêu hot”, tưởng đất Sài Gòn thế nào, hóa ra, loanh quanh một số di tích lịch sử quen thuộc rồi kết thúc ở các khu vui chơi, nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại… Hết. Sài Gòn - Gia Định - TPHCM hơn 300 năm, với ngã ba văn hóa đa dạng, chỉ dừng lại với bấy nhiêu đó? Hay diễn giải một cách khác, chỉ bấy nhiêu “cưỡi ngựa xem hoa đó”, đã nhận diện được thành phố này? 

Ngày 5/7, TPHCM chính thức có thêm một DSVHPVT quốc gia là tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5. Ngành du lịch sẽ khai thác ra sao, để vẻ đẹp văn hóa của một thành phố trẻ, thông minh, năng động, sáng tạo níu chân được du khách? Ngành du lịch sẽ quy hoạch di sản, thiết kế tuyến điểm, tour như thế nào, để TPHCM không còn là một điểm “quá cảnh” tạm bợ, trung chuyển cho những nơi khác? 

Ngày 4/7, tại hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 được tổ chức tại Cần Thơ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đưa ra sáu giải pháp trọng tâm làm cho thị trường du lịch nội địa sôi động trở lại, trong đó có việc tập trung xây dựng thương hiệu du lịch, truyền thông nhận diện thương hiệu du lịch vùng. 

Tết Nguyên tiêu của người Hoa quận 5, TP.HCM vừa được chính thức công nhận là DSVHPVT quốc gia
Tết Nguyên tiêu của người Hoa quận 5, TPHCM vừa được chính thức công nhận là DSVHPVT quốc gia

Cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đang thích ứng với trạng thái “bình thường mới” và hồi phục dần sau mùa COVID-19 đóng băng. Ngành du lịch muốn “đột phá” giữa bức tranh kinh tế ảm đạm, đòi hỏi phải nhận diện nguồn lực, nhận diện chính mình; mà cách nhận diện rõ nhất, thấu tỏ nhất, bao lâu nay, vẫn là men vào văn hóa mà đi lên, mà tự cường, khẳng định mình, tự tin với mình. 

Mới đây, Sở Du lịch công bố chương trình kích cầu du lịch nội địa từ nay đến hết năm 2020 với gần 260 chương trình tour và 280.000 vé ưu đãi giảm từ 10-70%. Theo lý lẽ của ngành du lịch, đây được xem là cách để phục hồi ngành, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thế nhưng, giảm giá tour chưa chắc khiến khách hào hứng. Cách xử lý khủng hoảng này theo kiểu “té nước theo mưa”, bị động và cũng chỉ chống đỡ được trong một thời gian ngắn.

Thiệt hại của ngành sáu tháng đầu năm cho ta thấy lỗ hổng của ngành du lịch khi chưa đánh giá hết được tiềm năng của khách nội địa. Ta đang lấp dần cái lỗ hổng đó bằng những chiến lược mới, trở về với mình hơn, là mình hơn. 

Bao giờ ngành du lịch mới thôi nhạt nhẽo trong chính tư duy làm du lịch của mình?

Ông Nguyễn Thành Phong nói, mỗi địa phương là một đại sứ du lịch để đưa du lịch trở thành cầu nối quan trọng, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đưa văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Nhưng khi vị đại sứ tự chối bỏ mình trong cốt nền văn hóa kiến tạo ra nó, có lẽ, đến một lúc, sự hội nhập cũng bỏ mình mà đi. 

Du Nguyên 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI