Khi 'đại dịch' mang tên… anti vắc xin

23/03/2019 - 06:00

PNO - Tại Hà Nội, trong hai tháng đầu năm nay, có tới gần nửa các quận, huyện chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tám mũi vắc xin cho trẻ dưới một tuổi.

Thậm chí, có những khu vực, tỷ lệ thống kê được chỉ có 16-17% khiến ngành y tế không khỏi lo ngại nguy cơ bùng phát bệnh dịch...

Ôm con khóc mỗi kỳ chích ngừa vắc-xin

Mặc dù đã hai tuổi nhưng cháu N.M.H. (tỉnh Thanh Hóa) chưa một lần được chích ngừa vắc-xin. Chị H.T.N, mẹ của cháu H. chia sẻ, do chồng chị nghe thông tin truyền tai về việc tiêm vắc-xin mang lại tác dụng ngược, thậm chí gây ung thư… nên nhất quyết không cho con chích ngừa. Không chỉ riêng cháu H. mà cả hai anh chị của cháu trước đó cũng không được tiêm vắc xin. 

“Tôi cùng bố mẹ, nhiều thành viên trong gia đình từng khuyên can nhưng chồng tôi vẫn nhất quyết không cho con đi tiêm phòng”, chị N. sụt sùi kể. Mỗi lần địa phương gửi thông báo tiêm vắc-xin cho trẻ, chị N. chỉ biết ôm con ngồi khóc lóc, lo sợ không biết điều gì có thể xảy đến…

Cũng giống như cháu H., cháu D.A. (tỉnh Hà Nam) 17 tháng tuổi vừa mắc sởi phải vào điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng sốt cao, ngủ li bì… Nhìn cháu gái nhỏ nằm lịm với những nốt phát ban li ti nổi khắp mặt, bà của D.A. chỉ biết thở dài: “Bố mẹ cháu đọc thông tin trên mạng, lo sợ phản ứng nên nhất quyết không cho con đi tiêm phòng”.

Khi 'dai dich' mang ten…  anti vac xin
Một trẻ mắc sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương gặp biến chứng đường hô hấp

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin tự phát khuyến khích cha mẹ không tiêm vắc xin phòng bệnh cho con.

Hệ quả là nhiều bé không được bảo vệ khỏi những bệnh lây nhiễm nguy hiểm và tạo cơ hội để dịch bệnh hoành hành trong cộng đồng. Thực tế, hầu hết ca bệnh sởi phải nhập viện, điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương đều là số trẻ chưa được tiêm phòng theo khuyến cáo. 

Cảnh báo tỷ lệ tiêm vắc-xin đang sụt giảm

Dù liên tục khuyến cáo, tuyên truyền, tuy nhiên, thời gian qua, sự xuất hiện của nhiều thông tin độc hại, không được kiểm chứng truyền tải trên mạng xã hội đã khiến không ít người dân “quay lưng” với vắc-xin. Điều này một phần được thể hiện qua các con số thống kê về tỷ lệ tiêm phòng tại các địa phương. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội -  cho biết, tỷ lệ tiêm chủng một số loại vắc-xin tại địa phương này rất thấp. Cụ thể, trong hai tháng đầu năm nay, có 18/30 quận, huyện chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ tám mũi vắc-xin cho trẻ dưới một tuổi.

Điển hình như Q.Tây Hồ và Q.Cầu Giấy chỉ 16,7% số đối tượng tiêm, còn Q.Ba Đình là 17,7%. Mặt khác, có 13/30 quận, huyện chưa đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi - rubella cho trẻ từ 18-23 tháng; tỷ lệ tiêm vắc-xin “5 trong 1” ComBe Five mới chỉ đạt 51,5%... “Nếu tỷ lệ tiêm thấp, không chỉ sởi mà trong tương lai, một số dịch bệnh đã được khống chế có nguy cơ quay trở lại”, ông Cảm lo lắng.

Khi 'dai dich' mang ten…  anti vac xin
 

Cho dù số liệu tiêm chủng thấp, một phần do người dân lựa chọn tiêm dịch vụ và những đơn vị này chưa thực hiện liên thông, báo cáo đầy đủ nhưng sự lo lắng của ông Nguyễn Nhật Cảm là hoàn toàn có cơ sở. Bởi thống kê tới trung tuần tháng Ba, Hà Nội đã có hơn 400 ca mắc sởi, con số này tăng hơn tám lần so với cùng kỳ.

Cùng với Hà Nội, tình hình dịch bệnh sởi đã xuất hiện ở 50 tỉnh, thành phố trên cả nước với 870 ca mắc trong tổng số hơn 7.700 ca sốt phát ban dạng sởi. Còn tại TP.HCM, nơi hai tháng đầu năm ghi nhận hơn 4.300 ca mắc sởi thì tỷ lệ trẻ nhập viện (trên chín tháng tuổi) không được tiêm chủng lên tới 97%. Ngay cả khi chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi - rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi của toàn thành phố thì số lượng không tham gia vẫn chiếm tới 47%. 

Sự nguy hiểm của trào lưu anti vắc-xin là sự thực hiện hữu khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt vào 10 nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng năm 2019. Đây là nguyên nhân khiến một số nước đã công bố loại trừ sởi như: Đức, Nga, Nhật Bản, Mỹ cũng ghi nhận dịch sởi quay trở lại… 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI