Khi Đà Lạt dần “đánh mất chính mình”

20/07/2023 - 06:11

PNO - Đà Lạt đang “đánh mất chính mình”. Đó là nhận xét của nhiều chuyên gia, du khách và của chính người dân Đà Lạt trước thực trạng đô thị hóa tràn lan, kéo theo sự nóng lên của khí hậu, cảnh kẹt xe, ngập nước, sạt lở.

Tốc độ đô thị hóa ở Đà Lạt nhanh đến mức chóng mặt. Những ngọn đồi trước đây xanh mướt một màu thông thì nay lố nhố những công trình xây dựng. Nhà cao tầng, biệt thự được xây từ đỉnh đồi xuống tận thung sâu.

Những rừng thông là hình ảnh nhiều người nghĩ đến khi nói về Đà Lạt
Những rừng thông là hình ảnh nhiều người nghĩ đến khi nói về Đà Lạt

Công trình trung tâm hành chính ở đường Trần Phú, trung tâm thương mại ở khu Hòa Bình từng bị dư luận phản ứng nhưng rồi vẫn được cho xây, góp phần tăng tỉ lệ bê tông đến mức ngộp thở ở khu lõi trung tâm thành phố. Mới đây, dư luận tiếp tục bức xúc khi nghe đề xuất xây trung tâm thương mại và hầm để xe ở Đồi Cù - một biểu tượng thiên nhiên gắn với lịch sử hình thành TP Đà Lạt.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc cao tầng hóa ở khu lõi trung tâm Đà Lạt như vừa qua cho thấy “tư duy mét vuông”. Chính quyền đã không tính đến sự nguy hại cho cảnh quan tổng thể, cứ tiếp tục tạo áp lực lớn lên hạ tầng. Theo ông, các nhà lãnh đạo TP Đà Lạt từ nhiều thời kỳ luôn nêu khẩu hiệu về một “thành phố trong rừng”, “thành phố bên hồ” nhưng cách làm hiện nay thì hoàn toàn trái ngược.

Nằm trên cao nguyên Lâm Viên cao 1.500m so với mực nước biển, vậy mà những năm gần đây, Đà Lạt lại thường xuyên bị ngập nước mỗi khi mưa to. Khí hậu không còn mát mẻ như trước. Sạt lở ngày càng nhiều hơn với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Cứ mỗi dịp lễ tết, cảnh kẹt xe xảy ra thường trực trên những tuyến đường trung tâm từng rất thông thoáng. 

Đà Lạt đang mất dần bản sắc của một thành phố yên bình, thong dong, mát mẻ, trong lành - những vốn quý thu hút du khách tìm đến.

Đô thị hóa “nóng”, sự thiếu nhất quán trong định hướng phát triển đang biến một thành phố rất riêng dần trở thành một đô thị nhạt nhòa. Có người còn ví von, Đà Lạt bây giờ như cô gái đẹp cố phẫu thuật thẩm mỹ để giống người khác, đánh mất chính mình. 

Cố đua đòi xây trung tâm thương mại, liệu Đà Lạt có thể sánh với các đô thị lớn khác? Du khách tới Đà Lạt là để hòa mình vào thiên nhiên chứ không phải để ngắm nhà cao tầng. Họ đến Đà Lạt để lê la các quán cà phê ngoài trời, khu chợ đêm, nhà vườn chứ không phải để chen chúc trong các trung tâm thương mại.

Việc các nhà đầu tư muốn “cắm” nhà cao tầng vào những khu vực đô thị hiện hữu là bởi họ muốn được hưởng lợi từ hạ tầng, dân cư sẵn có. Thế nhưng, vai trò của quản lý nhà nước là phải có cái nhìn toàn diện về bảo vệ môi trường, không gian công cộng và quyền lợi của người dân chứ không chỉ nhìn ở góc độ kinh tế đơn thuần.

Với các dự án nhà cao tầng lèn chặt khu trung tâm, có thể thấy, Đà Lạt đang mất nhiều hơn được. Tất nhiên, phát triển kinh tế là cần thiết. Nhưng, các công trình cao tầng, khu thương mại không nhất thiết nằm ở khu trung tâm hiện hữu mà cần giãn ra các đô thị vệ tinh gần đó.

Đã đến lúc lãnh đạo cấp ủy, chính quyền TP Đà Lạt cần nhìn nhận lại vấn đề trước khi quá muộn. Đừng biến Đà Lạt thành một thành phố vô hồn với những khối bê tông khô khốc lấn át thiên nhiên. Hãy để Đà Lạt là chính mình, là thành phố nghỉ dưỡng, nghỉ mát, là thành phố của những rừng thông, thành phố ngàn hoa, thành phố sống chậm, là nơi để du khách tìm đến sau những mệt mỏi, căng thẳng của cuộc sống. 

Trân trọng những giá trị, di sản quý giá mà Đà Lạt được thiên nhiên ban tặng chính là “liều thuốc” cứu vãn những hậu quả nghiêm trọng đang xảy đến, sắp tiếp tục xảy đến. Đây cũng nên là định hướng phát triển bền vững cho thành phố này. 

Phương Thanh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI