Nghe câu chuyện cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, chợt rùng mình vì nó khá giống hành vi tra tấn con người trong nhà tù ngày xưa.
Có cần phải nói trong nước giặt giẻ lau bảng có gì không? Có lẽ không chỉ có phấn (tức là vôi). Để nung đá vôi rồi đánh cho kết lại thành viên phấn, phải qua nhiều công đoạn, trong đó không thiếu chất làm keo, các chất hóa học khác. Còn chiếc khăn, ngoài lau phấn trên bảng, nó vét luôn những gì trên bảng, trên bàn. Nó chứa không biết bao nhiêu tạp chất, độc chất và vi khuẩn.
Có nghĩa, nước giặt giẻ đó là một loại nước độc! Độc không thua gì thuốc độc. Ai thời thơ ấu đã không một lần giặt giẻ lau bảng, và từng nhìn thấy cái thứ nước vắt ra từ đó. Nó đục như nước bột mì, thêm sẫm sẫm của đất, của bụi bặm, và đặc quện. Có ai, tưởng tượng mình phải uống thứ nước đó, mà không nhởn ốc, không rùng mình?
Chức năng của ngành giáo dục là… giáo dục. Nhưng hành vi của cô giáo Hương ở trường tiểu học An Đồng (Hải Phòng) thì không những phi giáo dục mà còn là phản giáo dục. Không thể nào với hành vi này mà học sinh nên người, trở thành người tử tế được. Bởi, chính thầy đã không tử tế, thì làm sao biết cách dạy dỗ học trò cho tử tế.
Đó là chưa kể, cô giáo bắt em bé uống ca nước bẩn trước lớp, trước bạn bè cùng lứa. Tuổi học trò non nớt rất dễ tổn thương. Khi ra đường mà không được ba mẹ sắm quần áo sách vở đồ dùng học tập… cho bằng bè bằng bạn, đã thấy thua thiệt và tự ti rồi. Huống chi ở đây phải uống ca nước bẩn trước mặt bạn bè, thì cảm giác xấu hổ phải lên đến tột đỉnh, không thua kém cảm giác nhục nhã là mấy.
Đã vậy cô giáo lại còn bảo bạn cùng lớp pha nước bẩn cho bạn mình uống. Cô giáo chứ không ai khác đã đào hố ngăn cách giữa các em, tạo cho em này ý nghĩ coi thường em kia. Lại hành vi phản giáo dục nữa!
Mạng xã hội đã dành không thiếu các từ cho hành vi này, kể cả những từ như “độc ác”, “vô đạo”, “tàn bạo”…, thì thiết nghĩ, bài viết này cũng không cần thiết phải dùng các từ đánh giá nhân cách như vậy nữa.
Mới đây, phụ huynh học sinh bức xúc khi một cô giáo 3 tháng trời lên lớp “tịnh khẩu”. Nên nhớ rằng, trong giảng dạy, đối thoại giữa giáo viên với học sinh rất quan trọng. Trong các nguyên tắc dạy học, thì nguyên tắc “lấy học sinh làm chủ thể chủ động” rất quan trọng. Tức là, giáo viên không làm cái việc “rót” kiến thức cho học sinh, bắt học sinh chép bài và học thuộc lòng như con vẹt. Mà nhà giáo chỉ làm công việc nêu vấn đề, để học sinh tự tư duy (kể cả có thảo luận) để tự rút ra, vỡ lẽ, đúc kết.
Ví dụ cô giáo nêu chi tiết Tấm bảo Cám muốn trắng đẹp thì đào cái hố đứng xuống, rồi Tấm nấu nước sôi dội lên, Cám chết, rồi Tấm xẻ thịt Cám, làm mắm gửi về cho bà dì ghẻ là mẹ Cám ăn. Mẹ Cám ăn tới cuối hũ mắm, thấy cái đầu Cám, lăn đùng ra chết, rồi gợi ý cho học trò: “Các em thấy với hành động này, Tấm là người như thế nào?”. Có em sẽ nói Tấm cũng ác không kém gì Cám, nhưng cũng có em vì thương Tấm đã chịu nhiều đau khổ do trước đó mẹ con Cám gây ra nên cho rằng Tấm làm vậy là đúng, nợ máu phải trả bằng máu, đó là lẽ công bằng chứ Tấm không hề ác.
Nữ sinh Phạm Song Toàn
|
|
Trước các ý nghĩ khác nhau đó, giáo viên cũng không cần thiết phải buộc học sinh phải nhất quán theo ý nào, mà chỉ gợi ý, hướng dẫn cho các em lối sống, lối hành xử ngoài đời, phải làm thế nào để vừa bảo vệ được mình nhưng cũng đừng làm thiệt hại, khổ đau cho người khác; hoặc dù có phải trả vay cũng không nên dùng những thủ đoạn tàn độc.
Dạy văn đã vậy, dạy toán cũng không khác. Trong môn toán, cách dạy của giáo viên cũng không phải là “giải bài tập”, cứ chép lên bảng cho học sinh chép theo, mà phải liên tục đặt câu hỏi gợi ý để học sinh động não, tư duy, tìm phương pháp giải bài toán để tìm ra đáp số và từ đó hiểu ra, vỡ lẽ về lý thuyết.
Chính vì vậy, việc cô giáo dạy toán mà “ngậm tăm” tới 3 tháng trời, chỉ chép lên bảng và học sinh cứ thế mà học theo, là hoàn toàn sai phương pháp, phản giáo dục. Ngoài ra, đó còn là hành vi tra tấn tinh thần học sinh. Chẳng vì thế mà nữ sinh Phạm Song Toàn khi nói lên câu chuyện này, đã phải khóc đầy trắc ẩn.
Bản thân giáo viên đã hành động phản giáo dục, trách sao học trò không trở thành lưu manh, du côn. Hãy điểm lại trong vài năm qua, có bao nhiêu clip đánh hội đồng bạn học tung lên mạng, với những thủ đoạn đánh bạn vô cùng tàn độc. Làm sao tránh khỏi trò đánh thầy khi thầy gạ gẫm, quấy rối, dâm ô học trò. Làm sao xã hội còn kính trọng người thầy khi hiệu trưởng mua dâm học trò, hiệu trưởng thì lừa gạt giáo viên lấy tiền chạy vào biên chế, còn giáo viên thì cũng sẵn sàng đút lót, hối lộ?
Những giáo viên đi hối lộ đó làm sao dạy được cho học trò bài học hình thành nhân cách, dạy về đạo làm người? Không thể không lên án phụ huynh đánh giáo viên, phụ huynh bắt giáo viên quỳ gối. Nhưng căn nguyên của những điều này từ đâu ra, nếu không phải cái gốc rễ là từ một ngành giáo dục đã không đào tạo ra con người tử tế?
Giáo dục, tự thân đã nói đến chức năng của ngành này, là đào tạo dạy dỗ con người, chứ không chỉ là cung cấp kiến thức. Người thầy mà quên đi thiên chức này thì không còn đủ tiêu chuẩn, tư cách đứng lớp. Còn nhà trường, ngành giáo dục mà quên đi chức năng này thì đó thật là điều đáng sợ.
Đặng Vỹ