PNO - PN - Nghĩ rằng những rung động, xao xuyến nhất thời dành cho người khác phái là tình yêu, nhiều học sinh sớm bước vào cuộc hò hẹn, đắm mình trong nhung nhớ, đau khổ, ghen hờn… Yêu sớm đang ngày càng trở thành một vấn nạn đáng...
edf40wrjww2tblPage:Content
Nhận dạng tình yêu
Một học sinh lớp 8 ở Gia Lai sau hai năm có quan hệ tình cảm với nữ sinh cùng trường, nghi ngờ bạn gái thay lòng đã gửi cho bạn một lá thư: “Nếu như vợ mà không yêu chồng là chồng chết đó. Chồng sẽ tự tử để chứng minh tình yêu chân thành…”. Nói là làm, vài ngày sau, thấy tình hình không tiến triển, cậu học trò ấy treo cổ tự vẫn. Tương tự, một học sinh lớp 9 ở tỉnh Tiền Giang dốc cạn chai thuốc trừ sâu chỉ vì chữ yêu... Hàng loạt bi kịch khởi nguồn từ tình cảm học trò gây bàng hoàng, đau xót và nhức nhối cho bao người. Câu chuyện yêu đương ở lứa tuổi này những năm trở lại đây đã thành một hiện tượng đáng lo ngại, khi người trong cuộc luôn ứng xử với tình cảm bằng hành động mù quáng, dại dột: nhẹ thì xao nhãng học hành, ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất; nặng hơn, các em rủ nhau bỏ trốn, hay phạm tội hiếp dâm, hoặc tung clip đánh nhau vì tình, làm cha mẹ bất đắc dĩ…
Mới đây, dư luận thêm phen “dậy sóng” trước lá thư tỏ tình của một học sinh lớp 5: “Tôi đoán Vịt đã thích tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên và không dám tỏ tình. Thời gian qua Vịt vẫn chờ đợi từ “đồng ý” của tôi, đúng không… Đây là câu trả lời cuối cùng của tôi: I love you”. Không còn dừng lại ở đối tượng thiếu niên, trẻ em ở lứa tuổi cấp II, thậm chí là cấp I ngày nay cũng đã sớm bước vào cuộc yêu, biết tỏ tình, hẹn hò; đau khổ, chán chường khi không được đáp trả. Bác sĩ Trương Trọng Hoàng - Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng: “Tuổi dậy thì của trẻ em ngày nay đang giảm dần. Sự tò mò về giới tính cùng cảm xúc quyến luyến theo đó cũng sớm nảy sinh theo”.
Cũng theo bác sĩ Hoàng, sự dày đặc các trang thông tin chứa phim ảnh đồi trụy hay hình mẫu tình yêu ở giới trẻ được công chiếu rộng rãi… đã tác động mạnh đến nhận thức các em: bắt chước hình mẫu, lý tưởng hóa cảm xúc, tình yêu; khám phá giới tính thu hút các em ở tuổi dậy thì. Suy cho cùng, ai trong chúng ta cũng có cảm xúc rung động được nâng tầm thành tình yêu ấy. Tuy nhiên, điều quan trọng là nhận ra “chân tướng” tình yêu để tình cảm không bị đẩy đến mức bế tắc, tuyệt vọng. Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng, tình cảm ở lứa tuổi này xuất phát từ sự bồng bột, nhất thời; yêu thích vì những lý do rất ngô nghê như thấy bạn đẹp, bạn học giỏi; bạn hay nhìn mình... Tình cảm dễ đến, dễ đi song đủ sức dày vò, ảnh hưởng đến cuộc đời, tương lai người trong cuộc nếu không nhận được định hướng đúng.
Vẽ đúng đường
Thạc sĩ Mỹ Linh khẳng định, sự rung động của các em ở tuổi này hoàn toàn tự nhiên, rất bình thường. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng dễ dàng chấp nhận và có những xử trí thích hợp khi phát hiện con em yêu sớm. Nhiều bi kịch đau lòng, có thể nói nguyên nhân gián tiếp là do sự thờ ơ, thiếu quan tâm định hướng hoặc khởi nguồn từ cấm cản của gia đình. “Sử dụng lệnh trừng phạt như phong tỏa các mối quan hệ của con; ngăn cấm, chửi bới, xúc phạm; can thiệp, lùng sục thô bạo vào Facebook, điện thoại… của con để “chặn đứng” chuyện yêu đương là cách các phụ huynh thường làm. Tuy nhiên, càng cấm cản, các em sẽ càng ức chế, bị cuốn sâu vào sự đau khổ, tuyệt vọng, dẫn đến tìm cách “vùng vẫy” đáp trả trong sự ngang bướng: yêu mãnh liệt hơn, cô lập với gia đình; tự hành hạ bản thân hoặc xa hơn là nghĩ đến điều dại dột” - bà Linh khuyến cáo.
Theo thạc sĩ Mỹ Linh, phụ huynh cần lắng nghe con một cách nghiêm túc, thẳng thắn; thoải mái chia sẻ với con những kinh nghiệm, hiểu biết của mình để giúp con nhận ra bản chất của tình cảm lứa tuổi học trò. Phụ huynh mạnh dạn đặt vấn đề với con: yêu bạn vì điều gì? Tình cảm có còn khi điều ấy mất đi? Nên và không nên có những biểu hiện gì với đối phương? Trường hợp thấy con quá đau khổ, tự nhấn chìm mình, cần cho con biết tình yêu không phải là tất cả thông qua viện dẫn các câu chuyện tình có kết cục buồn đăng tải trên sách báo…
Có con yêu sớm, chị Trần Linh Tâm (Q.Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ cách ứng xử trước mối tình non dại của Linh - con gái chị. Đang học lớp 7, Linh và Nam yêu nhau. Linh bị cha đánh mắng, trừng phạt bằng lệnh cấm: không cho đi học, bắt con đến xưởng may của gia đình làm việc... Anh còn yêu cầu gia đình Nam quản thúc con trai họ khiến đôi trẻ rất xấu hổ. Thế nhưng, càng “sóng gió”, tình yêu càng mạnh mẽ. Nam nhắn Linh: “Thương em lắm, mai mốt sẽ đưa em đi chơi cho khuây khỏa”. Trăn trở, lo sợ, chị Tâm đề nghị chồng dừng lệnh cấm. Thay vào đó, chị nói chuyện với con. “Sau khi để con bộc bạch hết suy nghĩ, tôi nói với con rằng, ngày xưa đi học, mẹ cũng yêu một người. Đó là rung động rất nhất thời vì sau một thời gian, tự nhiên mẹ không còn yêu nữa. May mắn lúc đó, mẹ nhận ra tình yêu lứa tuổi này không đi đến đâu. Muốn nuôi dưỡng nó cần phải học giỏi, có việc làm và tự chi trả được các khoản chi phí của bản thân. Nhẹ nhàng tác động, tôi theo dõi tâm trạng con để đưa ra lời khuyên tùy lúc, kịp thời; dần dà Linh mở lòng hơn, mọi cảm xúc với Nam phai nhạt dần”.
Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt - giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Phú, Q.11, TP.HCM khẳng định: “Hầu hết ở độ tuổi cấp II, học sinh đều đã biết yêu. Tôi hay để ý xem các em có học hành sa sút vì vướng bận tình cảm không. Tôi sẽ mời các em gặp riêng hỏi chuyện, phân giải rằng tình cảm học trò rất trong sáng, dễ thương, ai trong đời cũng đều trải qua. Nhưng tình cảm ấy không tồn tại lâu vì sau này, mọi thứ sẽ thay đổi khi các em ra trường, đi làm. Nếu học sinh phản ứng hoặc bất chấp, yêu quyết liệt hơn, tôi sẽ báo để phụ huynh phối hợp tìm cách tháo gỡ trên cơ sở khuyên bảo, hướng các em đến suy nghĩ coi tình học trò là động lực học tập chứ không cấm cản, chia rẽ”. Bên cạnh đó, “việc giáo dục giới tính, hướng dẫn con em cách xử lý trong tình huống bị người yêu dụ dỗ “vượt rào” cần phải coi trọng. Phụ huynh hãy là người bạn đồng hành trên từng diễn biến, giai đoạn tình cảm của con để nắm bắt mức độ, đưa ra chỉ dẫn kịp thời” - thạc sĩ tâm lý Mỹ Linh lưu ý.