|
Đối với trẻ tuổi teen, một tình bạn cùng giới hay một mối quan hệ khác giới có thể quan trọng hơn cả tất thảy (Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock) |
Mới đây, cộng đồng “xanh mặt” với hành trình mạo hiểm của một cậu bé 13 tuổi. Cậu vượt gần 200km từ TP.HCM đi Cần Thơ bằng xe đạp thăm bạn gái quen qua mạng xã hội để… lấy lại 160.000 đồng đã nạp card điện thoại dùm và cũng để ăn sinh nhật bạn.
Câu chuyện trên khiến nhiều phụ huynh lo lắng, không loại trừ những đoán già đoán non về tình cảm cặp đôi ở tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt) sẽ cùng độc giả Báo Phụ Nữ TP.HCM trò chuyện về vấn đề này.
|
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh |
Phóng viên: “Yêu nhau mấy núi cũng leo/ Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”, câu này tưởng chỉ dành cho tình yêu của tuổi trưởng thành, ở ngưỡng cửa lập gia đình. Thạc sĩ có bất ngờ không khi trên thực tế có không ít teen cũng đã biết hẹn hò, thậm chí “trèo đèo lội suối” tìm gặp người tâm đầu ý hợp?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh: Không bất ngờ đâu ạ, thậm chí ở độ tuổi “muốn làm mọi thứ mình thích” thì việc vượt mọi chướng ngại để thực hiện một lời hứa, một kế hoạch chung còn có thể cho thấy trách nhiệm và bản lĩnh của người trong cuộc.
Hiện nay, tuổi dậy thì, phát dục đã sớm khoảng 3 - 5 năm so với thế hệ trước vốn “nữ thập tam, nam thập lục”. Tuổi 13 ngày nay cũng tương đồng tuổi 16 - 17 trước đây! Lứa tuổi đầu teen này đang phát triển thể chất, hoóc-môn, nội tiết tố, kể cả hệ thần kinh cũng phát triển vượt bậc… ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc và hành vi của trẻ.
Dù trong mắt cha mẹ, con vẫn còn bé bỏng, nhưng thực ra trẻ đã tò mò về giới tính và quan tâm tới mối quan hệ cặp đôi, đã có những rung cảm, xúc cảm mang màu sắc “khác giới”. Có em đã thiết lập mối quan hệ là thích hay “yêu” ở tuổi trẻ con. Độ tuổi này thường “yêu” bất chấp, suy nghĩ đơn giản rằng đối phương cực kỳ quan trọng đối với cuộc đời mình và mình có thể làm tới cùng cho tình cảm ấy.
Một trong những điều quan trọng nhất ở trẻ trong giai đoạn dậy thì là thích thể hiện, thích chứng minh, thích được xem mình như là một người lớn. Trẻ rất muốn chứng minh mình đã trưởng thành, đã độc lập, hoàn toàn có thể tự quyết hay đưa ra quan điểm riêng, lý lẽ riêng đồng thời tự cho là đúng. Vượt đường xa tìm nhau hay vô vàn hành động khác cũng là cách chứng tỏ điều ấy mà thôi!
* Có mong muốn gắn kết với bạn trai/bạn gái nhưng tại sao trẻ không thổ lộ cho cha mẹ biết để giúp đỡ, nối một nhịp cầu?
- À, làm sao mà nói được! Giấu còn không hết ấy chứ! Nói ra thì kiểu gì mà không bị ngăn cản, có mấy cha mẹ cảm thấy bình thường, vui vẻ hay chấp nhận chuyện con có tình cảm trong tuổi này đâu. Ai cũng lo ngay ngáy. Chưa kể, trong độ tuổi này, trẻ thường kết nối, gắn chặt với bạn bè, nghe lời bạn bè hơn cả cha mẹ. Nếu cha mẹ ngăn cản, không cho trẻ chơi với bạn hay can dự vào việc trẻ nên chơi với người này, người kia; nên làm điều này điều nọ mà trẻ không thích thì chắc chắn trẻ sẽ cãi lại ngay. Do vậy, nếu cha mẹ chưa tinh ý, chưa làm bạn được với con thì con sẽ không bao giờ nhờ sự giúp đỡ này từ cha mẹ.
|
Trẻ tuổi teen hiếm khi mở lòng chia sẻ chuyện riêng với cha mẹ vì chúng không tin tưởng (Ảnh minh họa) |
* Vì sao trẻ phán đoán được khả năng ủng hộ của cha mẹ là rất thấp, nhưng không phán đoán được sẽ rất nguy hiểm nếu hiện thực hóa hành trình?
- Tuy ở trẻ ngày nay có sự phát triển tâm sinh lý sớm nhưng năng lực thực hiện, những kỹ năng chưa kịp trau dồi hoàn thiện để có thể chủ động hơn trong cuộc sống. Về kiến thức cũng chưa đầy đủ để có thể phán đoán vấn đề. Người lớn đủ hiểu biết, đủ năng lực nên nhận thấy hẳn trẻ đó đang đối mặt với nguy hiểm nhưng ở trẻ với những suy nghĩ, hiểu biết hạn hẹp, trẻ đâu nghĩ đó là nguy hiểm.
Trong độ tuổi này cảm xúc rất mạnh, hệ thần kinh dễ dàng hưng phấn, khó kiềm chế được cảm xúc nên khi đã nôn nóng hẹn hò, trẻ không đủ lý trí để suy xét, trì hoãn, thậm chí nhịn đói để đi tìm gặp nhau cũng được.
* Trẻ cạn nghĩ lại không chịu bộc lộ cho cha mẹ biết thì làm sao cha mẹ đồng hành và bảo vệ cho con được, thưa thạc sĩ?
- Mỗi khi trẻ có hành động tiêu cực, nông nổi hoặc “đi chơi xa” như tình huống này, dư luận, nhất là cộng đồng mạng chưa hiểu rõ vấn đề đã vội oán trách cha mẹ hà khắc, không hiểu con, bỏ bê con, chỉ lo kiếm tiền, để mặc con đơn độc trong suy nghĩ, hành động của mình.
Thật ra, làm bạn với con cực kỳ khó, nhất là với con tuổi đang lớn như ở cấp II. Bởi trẻ giai đoạn này có xu hướng từ chối thiết lập mối quan hệ bạn bè với cha mẹ, thậm chí chối bỏ vai trò làm bạn với cha mẹ. Nếu trẻ nhận thấy quan điểm của cha mẹ không đúng với giá trị của trẻ thì trẻ sẽ “bỏ phiếu chống” trong chuyện kết bạn với cha mẹ. Nhiều trẻ chặn Facebook, chặn TikTok hay Zalo với cha mẹ. Ở chiều ngược lại cũng đầy thử thách, do con cái giai đoạn này hay cãi lại, ương bướng nên nếu cha mẹ không đủ sự kiên nhẫn, thấu hiểu về mặt tâm lý đối với con thì sẽ không kết nối được.
Bảo rằng khó nhưng theo như phân tích từ đầu cho thấy, trẻ cực kỳ cần người bạn lớn bên cạnh, là phụ huynh. Nhất là thời nay, nhiều trẻ cuối cấp I đã dậy thì, khởi động những nhu cầu tự nhiên về giới tính và sự phát triển công nghệ thông tin, mạng xã hội như vũ bão khiến cho việc tiếp xúc gắn kết hoặc chia sẻ thông tin quá thuận lợi, dễ dàng đi kèm với nhược điểm trẻ dễ bị cám dỗ nếu không chọn lọc được nguồn thông tin tốt hoặc thiết lập các mối quan hệ tích cực.
|
Trẻ ngày nay dậy thì sớm hơn trước, nên việc yêu sớm là phù hợp với tâm sinh lý |
* Làm bạn với con cụ thể là làm gì, thưa thạc sĩ?
- Hơn ai hết, chính cha mẹ phải hiểu con đang thiếu, đang yếu những kiến thức, kỹ năng gì để thích ứng với cuộc sống, ứng phó với mối quan hệ bên ngoài từ đó hỗ trợ trẻ trang bị. Chúng ta giúp đỡ trẻ bằng việc định hướng cho trẻ hoặc tạo môi trường để trẻ được hoàn thiện hơn về kỹ năng, sự hiểu biết tương ứng với nhu cầu từng giai đoạn phát triển. Phụ huynh là nơi tin cậy để khi cần, trẻ sẽ chia sẻ, thổ lộ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng hay kế hoạch hẹn hò với người bạn mà mình để ý. Thật lý tưởng khi cha mẹ trở thành bạn đường với con trong cuộc hẹn đó, ít nhất là về mặt tinh thần.
Tôi muốn nhấn mạnh tuổi dậy thì ngày nay càng “trẻ hóa” như thế, trẻ muốn chứng minh mình đã là người lớn như thế, sự phát triển công nghệ thông tin ồ ạt như thế, mà trẻ lại yếu và thiếu kỹ năng, năng lực bảo vệ mình tạo ra sự mất cân bằng, sự khủng hoảng tâm lý cho trẻ. Đó là một lỗ hổng đáng sợ mà muốn đồng hành, dạy dỗ trẻ tốt thì người lớn phải hiểu và cập nhật độ phát triển của đứa trẻ bên cạnh mình, thay đổi phương pháp giáo dục cho phù hợp.
Thay vì chờ sự chuyển động của các chương trình giáo dục trong nhà trường, xã hội hay chờ trẻ tự phát triển đủ năng lực thì sẽ muộn mất, chính phụ huynh phải là người theo dõi, nắm bắt sự phát triển của con để đồng hành, dạy dỗ. Gia đình là “pháo đài” phòng thủ đầu tiên. Nếu phụ huynh gần gũi, quan sát, lắng nghe, tôn trọng con thì sẽ làm bạn được với con, thậm chí còn là bạn thân nữa!
* Xin cảm ơn thạc sĩ.
Tô Diệu Hiền (thực hiện)