Tết Trung thu giữa mùa COVID-19:

Khi con trẻ bất ngờ được trả lại niềm vui

30/09/2020 - 07:31

PNO - Năm nay, “nhờ” COVID-19 mà phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) không tràn ngập đồ chơi Trung thu từ Trung Quốc. Có lẽ Trung thu 2020 này là mùa trông trăng hiếm hoi mà đồ chơi truyền thống được “lên ngôi”.

 

Trung thu 2020 này, đồ chơi truyền thống nhận được nhiều quan tâm của cả người lớn và trẻ nhỏ Ả NH: NGỌC MINH TÂM
Trung thu 2020 này, đồ chơi truyền thống nhận được nhiều quan tâm của cả người lớn và trẻ nhỏ - Ảnh: Ngọc Minh Tâm

Khơi sáng tạo, rèn sự khéo léo, kiên trì

Những ngày này, lão nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền luôn bận rộn, lúc hướng dẫn trẻ con trong thôn làm các loại đèn, lúc dạy làm đèn kéo quân cho các cô cậu sinh viên… Bọn trẻ mọi khi mải chơi, chóng chán, nay bỗng chăm chú, tỉ mẩn ghép tre, dán giấy, trang trí đèn. Các ông bố, bà mẹ đứng bên giật mình nhận ra, mình đã tước đoạt nhiều điều của con trẻ khi chỉ biết sắm cho chúng những món đồ chơi công nghiệp bày bán la liệt ngoài thị trường.

Bảo tàng Dân tộc học (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) mấy ngày qua nhộn nhịp các hoạt động dành cho trẻ em. Năm nay, Trung thu diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh nên các hoạt động trình diễn bị hạn chế, dành gần như trọn vẹn vai trò chủ động cho khách; ban tổ chức đặc biệt khuyến khích phụ huynh hướng dẫn con cháu tự chơi. Bọn trẻ sà vào các khu làm mặt nạ giấy bồi, làm đèn ông sao, làm tiến sĩ giấy…

Khu hướng dẫn làm đèn kéo quân cũng nhộn nhịp hẳn. Cụ Nguyễn Văn Quyền bận quần áo nâu, tóc bạc trắng cùng mươi sinh viên, tình nguyện viên của bảo tàng hướng dẫn từng nhóm nhỏ về cấu tạo của đèn kéo quân, cách buộc khung, dán giấy. Trước đó, cụ Quyền đã dành trọn mười ngày để giúp các tình nguyện viên tự hoàn thành trọn vẹn chiếc đèn.

Lúc làm “quân”, bọn trẻ nhao nhao hỏi: “Cháu vẽ quân là Pokémon được không”, “Quân của cháu là cô tiên bay có được không”? Cậu bé Anh Quân - 10 tuổi - thắc mắc: “Ông ơi, làm thế nào mà quân tự chạy được hay thế?”. Cụ Quyền chỉ phần nóc đèn là phần giấy cắt, được uốn cong như đóa cúc quỳ: “Là nhờ cánh quạt gió này đấy. Chỉ cần gió nhẹ là cánh quạt xoay, kéo theo quân để quân đổ bóng lên các vách đèn”. 

Cậu bé chăm chú quan sát các bộ phận đèn rồi lại hỏi: “Ngày xưa chắc không có cái đinh ốc này đâu ông nhỉ? Không có đinh thì cái trục giữa đèn này sẽ gắn thế nào ạ?”. Ông Quyền nghiêng mái đầu trắng giảng giải: “Ngày xưa cũng không có nến. Người ta đốt bằng dầu lạc. Cháu biết đĩa dầu lạc không? Nhỏ cỡ lòng bàn tay ông, vắt một sợi bấc ở rìa đĩa, còn tâm đĩa là để đỡ cái trụ này đấy. Thắp đèn ở trong nhà thường ít gió, ngọn lửa đèn dầu lạc hay ngọn lửa cây nến còn tạo ra hơi, làm xoay đèn. Ngày xưa, một đĩa dầu lạc đốt cả ngày mới hết”.

Hà Nội đã đậm heo may, những cơn gió se se hơi lạnh, cái mũi xinh xẻo của cháu Tuệ Anh vẫn lấm tấm mồ hôi. Khung đèn gồm cả phần trong, phần ngoài với rất nhiều mối buộc. Chị Anh Thư lấy một sợi dây, tỏ ý giúp con gái. Tuệ Anh nói chắc nịch: “Con tự làm được”, rồi bặm môi chốt mối buộc. Chị Thư lấy làm lạ lắm: “Thường ở nhà, cháu ít khi chăm chú, kiên trì. Làm việc gì mà hơi khó một chút là cháu cáu kỉnh và bỏ”. 

Bà ngoại Tuệ Anh từ quê (tỉnh Hà Nam) lên chơi với cháu thì hoài niệm: “Lâu lắm rồi, tôi mới thấy lại không khí này. Ngày xưa, khi tôi còn bé, các cụ nhà tôi cũng hay làm đèn kéo quân, đèn cù, đèn ông sao cho các cháu chơi. Đến thời mẹ Tuệ Anh là đã vắng việc bày biện ra để tự làm rồi”. Chị Thư cười: “Con chỉ biết trò phơi khô hạt bưởi, bóc vỏ, xâu dây thép rồi đốt thôi”.

Các cháu thiếu nhi học làm những loại đèn truyền thống - Ảnh: Tuấn Sơn
Các cháu thiếu nhi học làm những loại đèn truyền thống - Ảnh: Tuấn Sơn

Trao truyền lòng hiếu đễ

Một cậu bé khác thắc mắc: “Cháu xem phim Trung Quốc, người ta đóng hồi xưa ấy, có lần cháu thấy cả đèn kéo quân mà chỉ có bốn mặt thôi. Sao đèn của ông lại có sáu mặt?”.

Cụ Quyền giải thích: “Người ta làm đèn bốn mặt là ngụ ý hiếu thuận với tứ thân phụ mẫu, là bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng hoặc bố mẹ vợ. Nhưng mình làm đèn sáu mặt vì người Việt mình còn quan niệm phải hiếu với cả bố mẹ nuôi, bố mẹ đỡ đầu nữa. Cho dù họ có nuôi mình hay không nuôi mình ngày nào, nhưng đã nhận là bố mẹ thì mình cần phải hiếu đễ với họ”. 

Ông cụ lại hỏi: “Các cháu đã đọc sự tích đèn kéo quân trong sách chưa?”. Nhiều cháu trả lời: “Rồi ạ”. Ông lại hỏi: “Thế các cháu có muốn nghe sự tích đèn kéo quân trong dân gian của người Việt mình không?”. Bọn trẻ nhao nhao: “Có ạ, ông kể đi ông”.

“Chuyện các cháu đọc trong sách là kể về ông Lục Đức nghèo khó, mồ côi cha, hiếu thảo với mẹ. Dịp Trung thu, theo lệnh vua, người dân phải làm ra những chiếc đèn kỳ lạ để thi tài. Lục Đức nằm mơ, thấy tiên chỉ cho cách làm đèn kéo quân. Nhưng chuyện các cụ ở quê ông truyền lại thì khác. Ở quê ông, các cụ kể về ông Lục Thức hiếu thảo. Ông Lục Thức cũng mồ côi cha nên phải làm lụng vất vả từ sáng sớm đến tối mịt để nuôi mẹ già. Thương mẹ thui thủi ở nhà một mình buồn chán, Lục Thức đã mày mò làm chiếc đèn kéo quân, bên trong dán những hình người.

Khi đèn thắp lên, hình người thay nhau chạy trên vách rất vui mắt. Trẻ con hàng xóm thấy vậy kéo đến xem và chơi với bà cụ mỗi ngày. Lục Thức thấy mẹ vui, thấy những người bạn nhỏ đến chơi với mẹ, ông mừng lắm. Một lần, dịp Trung thu, nhà vua đi qua, thấy mái tranh nghèo của bà cụ già luôn rộn tiếng cười con trẻ, ngài lấy làm lạ lắm. Hỏi ra mới biết, vì thương mẹ mà Lục Thức làm đèn để mẹ bớt cô đơn. Từ đó, nhà vua lệnh cho thiên hạ làm đèn kéo quân mỗi dịp Trung thu, như là cách lan tỏa lòng hiếu thảo”, ông Quyền kể. 

Nghe cụ Quyền kể chuyện, trẻ con im lặng lắng nghe, người lớn thì lặng đi. Chị Anh Thư bỗng nắm đôi tay nhăn nheo của bà ngoại Tuệ Anh. Mẹ chị - bà giáo làng về hưu - thì xúc động: “Tôi đọc sự tích đèn kéo quân trong sách của các cháu rồi, nhưng làm sao mà sinh động, gần gũi và ý nghĩa như chuyện ông Quyền kể được”.
 

Cụ Quyền hy vọng những giá trị rèn người từ các  đồ chơi truyền thống sẽ được lưu truyền và lan tỏa
Cụ Quyền hy vọng những giá trị rèn người từ các đồ chơi truyền thống sẽ được lưu truyền và lan tỏa

Hy vọng tiếp nối

Hôm tôi đến nhà cụ Quyền ở thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội, con gái cụ kể: “Ngày chúng tôi còn bé, sắp đến Trung thu là bố tôi, ông tôi ra bụi tre chặt một cây về chẻ, vót rồi hì hụi làm đèn ông sao, đèn kéo quân cho con cháu chơi. Hồi đó, ngay đầu cổng nhà là bụi tre to lắm”. 

Cụ Quyền thì tách bạch, thẳng thắn: “Có nhiều người bảo làng tôi là làng nghề làm đèn. Đâu phải thế! Ngày xưa không sẵn đồ chơi như bây giờ, nên ông bà, bố mẹ tự nghĩ ra cách làm đồ chơi cho trẻ con thôi. Ngoài con cháu nhà mình, hàng xóm có ai nhờ thì làm thêm một vài cái. Quanh làng cũng nhiều ông biết làm đấy, nhưng không ai mang bán bao giờ. Sau này có đồ chơi sẵn, trẻ con chạy ra đầu ngõ là mua được nên không ai làm nữa. Chỉ còn tôi và ông em vợ - Vũ Văn Sinh - là vẫn làm vì anh em tôi thích làm những món đồ thủ công như thế này, được đàn cháu cũng thích nữa nên anh em vẫn giữ đến bây giờ”.

Hỏi mấy người con U40 của cụ, rằng có anh chị nào học được cách làm đèn từ bố không. Hai người con của cụ gãi đầu gãi tai cười: “Cái việc tỉ mẩn, thời vụ này chỉ dành cho người già thôi, người trẻ không thích đâu”.

Nghe thế, Nguyễn Văn Hiệp - cậu bé lớp Tám - cự lại: “Con là trẻ con mà vẫn thích đấy thôi”. Cụ Quyền nhìn cháu bảo: “Nó là trợ thủ đắc lực của tôi đấy. Mỗi mùa Trung thu, nhà tôi làm rất nhiều loại đèn, tôi mà không ở nhà, nó vẫn làm một mình được. Thằng Hiệp làm còn thạo hơn bà nhà tôi”. 

Rồi cụ bảo, cụ cũng không mong Hiệp sẽ ngày ngày làm đèn, làm diều sáo như ông nội, cũng chẳng mong nó “đắt sô” nhận lời mời đi biểu diễn khắp Hà Nội, sang cả Bắc Ninh, Hưng Yên như mình. Vì dù gì, nó cũng phải hòa vào đời sống hiện đại của thế hệ nó.

Cụ chỉ mong sau này, mỗi mùa Trung thu, Hiệp cũng như các tình nguyện viên đã được cụ dạy sẽ tranh thủ quây quần con cháu lại, làm đèn cho chúng chơi và truyền lại những sự tích gắn với các loại đèn như cái cách cụ đã nhận từ cha ông mình và truyền lại cho bọn trẻ, để Trung thu thực sự là tết của thiếu nhi, vậy là cụ mãn nguyện rồi. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI