Khi con trâu bước ra khỏi cánh đồng

14/02/2021 - 07:30

PNO - Trâu không chỉ gắn liền với cái cày trên những cánh đồng, mà con trâu còn là chất liệu sáng tác của nhiều loại hình văn học, nghệ thuật của Việt Nam.

Trâu trong văn hóa dân gian

Những bức tranh dân gian Đông Hồ không thiếu hình ảnh con trâu. Đó là chú mục đồng ngồi trên lưng trâu, dưới tán lá sen ngồi thổi sáo, hay hình ảnh một chú nông dân ngồi cạnh con trâu, mặc áo phách ngực, tay phe phẩy cái quạt... "Ai bảo chăn trâu là khổ…". Đó là hình ảnh của nền nông nghiệp lạc hậu con trâu đi trước chứ ‘chăn trâu khổ lắm chứ’.

Vì là ‘máy cái’ trong việc cày bừa, mang lại thóc lúa cho con người, thức ăn cho bọn vật nuôi trong nhà nên trâu cũng nổi  máu "công thần, địa vị" cho mình là nhất trong truyện nôm Lục súc tranh công. Nguyên tác truyện bằng chữ Nôm. Theo nhận định của Phó bảng Bùi Kỹ, căn cứ vào giọng văn thì có lẽ tác giả sống vào thời Lê Mạt, Nguyễn sơ, là một nhân vật trong phái cựu học ở vùng Nghệ Tĩnh trở vào

Truyện được Trương Vĩnh Ký phiên âm ra Quốc ngữ đầu tiên vào năm 1887 Nó dần phổ biến và lưu hành khá lâu, từ trước năm  1973, dần được xem như truyện ngụ ngôn thịnh hành của Việt Nam đầu thế kỷ XX .

Trâu trong tranh Đông Hồ
Trâu trong tranh Đông Hồ

Lục súc là sáu con vật nuôi trong nhà là Trâu, Chó, Ngựa, Dê, Gà, và Lợn, tranh nhau kể công trạng của mình đối với nhà chủ. Mỗi con vật đều cho rằng công trạ của mình là quan trọng nhất. Trâu nói làm ăn vất vả, có công sinh ra thóc, gạo, ngô, đỗ. Chó bảo có công coi nhà giữ trộm; Ngựa kể có công đem chủ đi quán về quê, đánh đông dẹp bắc; Dê có công trong việc tế lễ; Gà chiếm công gáy sáng, xem giờ; Lợn lại  có công trong việc quan, hôn, tang, tế. Sáu con cùng tranh luận, người chủ phải can thiệp vào, dàn hòa mới yên.

Theo các nhà phân tích văn học, câu chuyện truyền tải thông điệp: trong cuộc sống, bất cứ lớn hay nhỏ, mỗi người có một chức vị, làm trọn được, tức là giúp cho đời, và không nên ganh tị lẫn nhau.

Trong dân gian còn có truyện Trạng Quỳnh chọi trâu khiến sứ Tàu phải thán phục chịu thua. Nguyên nước Tàu lúc nào cũng nuôi mộng thôn tính nước ta, nhưng sau nhiều lần bị đại bại nên không dám xua quân xâm lăng như trước. Một hôm, vua Tàu sai sứ sang nước ta, giả tiếng thăm viếng nhưng kỳ thực dò xét xem nước ta có nhiều nhân tài hay không để tùy nghi hành động.

Sứ Tàu đem theo một con trâu cổ rất to lớn và hung dữ rồi thích vua ta đưa trâu ra chọi thi. Nếu bị thua phải triều cống nước Tàu. Vua ta thấy trâu Tàu khỏe quá nên rất lo ngại, bèn triệu Trạng Quỳnh vào cung vấn kế. Trạng Quỳnh chỉ xin vua một con bé nhỏ, gầy đói ốm yếu để chọi với trâu tàu.

Đến ngày thi đấu Trạng Quỳnh bỏ đói con nghé không cho bú sữa nên khi gặp trâu Tàu con nghé nhỏ khát sữa cứ lủi đầu vào hai chân sau. Trâu Tàu nhột quá nên bỏ chạy. Trạng Quỳnh còn dọa sứ Tàu “Trâu Tàu to lớn như vậy mà còn bị thua một con nghé nhỏ của Việt Nam, nếu đưa trâu Việt ra chắc trâu Tàu chết mất xác. Sứ Tàu chịu phục về tâu với vua Tàu là Việt Nam có rất nhiều nhân tài, không thể xâm lấn được

 Trâu trong văn học và điện ảnh

Truyện dài Con trâu  của nhà văn Trần Tiêu viết đăng trên báo Ngày Nay từ số 140 ngày 10 tháng 12 năm 1938, sau đó in thành sách do nhà xuất bản Đời Nay ấn hành năm 1940.   Nhà văn Kim Lân cũng rất thích những trang viết của Trần Tiêu. Ông nhận xét: “Tác giả này khai thác những nét bình dị, chân thật của nông thôn, không thi vị hoá, cũng không nặng về trần tục. Tôi rất thích tác phẩm Con trâu của Trần Tiêu. Con trâu là đầu cơ nghiệp. Xoay quanh chuyện con trâu thực chất là chuyện con người

Nhà văn Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Nếu muốn tìm những việc oái oăm, những cơ mưu lắt léo trong Con trâu người ta sẽ không bao giờ thấy cả. Ở tập truyện này chỉ diễn ra rặt những việc rất thường trong lũy tre xanh, những việc hàng ngày của dân quê Việt Nam”. 

Tiểu thuyết Con trâu của nhà văn Nguyễn Văn Bổng
Tiểu thuyết Con trâu của nhà văn Nguyễn Văn Bổng in năm 1953

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng (1921-2001) quê Đại Lộc, Quảng Nam cũng có viết một tiểu thuyết cùng tên Con trâu vào năm 1952. Đúng một vòng của 12 con giáp, từ con trâu của năm Canh Thìn đến Nhâm Thìn. khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang dần đi đến thắng lợi, Nguyễn Văn Bổng đã cho ra đời các tác phẩm văn chương như: Cái bắt tay của người tù binh (1949) và Con trâu (tiểu thuyết, 1952).

Có thể nói tiểu thuyết Con trâu đã làm nên danh hiệu văn chương cho ông cán bộ phong trào và phóng viên mặt trận Nguyễn Văn Bổng. Đây là cuốn tiểu thuyết Việt Nam hiện đại được dịch và in ở nước ngoài sớm nhất, mặc dù Áo trắng mới là cuốn sách có tác động tới bạn bè quốc tế một cách sâu sắc nhất.

Nói về quá trình viết và hoàn thành cuốn tiểu thuyết nổi tiếng làm nên văn hiệu của mình, nhà văn Nguyễn Văn Bổng từng kể: "Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nhưng phần lớn tuổi thanh niên lại sống ở Huế... Hồi viết Con trâu, tôi chưa từng được cầm đến cán cuốc, tay cày. Tôi chưa phân biệt được ruộng lúa tẻ với ruộng lúa nếp... Những hiểu biết về nông thôn là do cách mạng và kháng chiến đem lại cho tôi. Cái vốn để tôi có thể viết Con trâu là cái vốn tôi có được từ những ngày đầu lăn lộn trong kháng chiến, từ những ngày tôi mang cái túi bên người, đi khắp các chiến trường trong tỉnh để viết tin bài cho báo Chiến Thắng".

Không chỉ xuất hiện trong văn xuôi, hình ảnh con trâu vẫn được các nhà thơ tiền chiến ưu ái như Chế Lan Viên  Cho tôi về với cành lau/ Vàng vọ/ Về với con trâu nghé ngọ/ Có cặp sừng bỡ ngỡ/ Chiều buồn không biết cọ vào đâu?. Từ đó, nhà thơ bơ vơ, luôn đi tìm lại chính bản thân mình: Đã lâu ta không nghe hồn lau gọi nữa/ Xa tiếng gió xạc xào/ Xa mùi bùn, mùi trâu, rơm rạ.../.../ Hồn lau ở đâu?/ Hồn ta ở đâu?

Không băn khoăn tự hỏi một cách ‘triết học’, con trâu của Đoàn Văn Cừ thì đúng là trâu. Người mua bán ra vào đầy cổng chợ/ Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ/ Để lắng nghe người khách nói bô bô. Còn Nguyễn Bính thì xót thương thân phận phụ nữ khi có liên quan tới trâu (không phải chồng - ờ, nếu mà chồng cũng thuộc loại đàn khảy tay trâu thì khổ là lấy ăn) Bây giờ cắt cỏ, chăn trâu/ Bây giờ em đã làm dâu nhà người/ Buồn thôi chả biết nói cười/ Đắng cay sống những ngày dài như năm (Làm dâu).Cứ đâu được an nhà như trong thơ Huy Cận Tiếng gà gáy ơi! Gà gáy ơi!/ Nghe sao ấm áp tựa nghe đời/ Tuổi thơ gà gáy ran đầu bếp/ Trâu dậy trong ràn, em cựa nôi (Sớm mai gà gáy)…

Trong phim cao bồi Mỹ có nhiều ngựa như thế nào thì phim ảnh Việt Nam cũng không thể thiếu …con trâu. Nhiều nhất là những bộ phim về phản ảnh cuộc sống nông thôn miền Bắc. Riêng trong miền Nam, có bộ phim Mùa len trâu là bộ phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, khởi quat tháng 9/2003.

Phim Mùa len trâu
Phim Mùa len trâu

Bộ phim có kinh phí khoảng hơn 1 triệu USD, với sự tham gia của ba hãng: Hãng phim Giải Phóng Việt Nam, 3B Productions Pháp và Novak Prod Bỉ, phim được trình chiếu ở Pháp với tên Gardien de buffles và ở Mỹ với tên Buffalo boy.

Chuyện phim dựa trên tác phẩm Mùa len trâu trong tập truyện Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, kể về cuộc sống của những người nông dân miền Nam đầu thế kỷ 20. Mỗi khi mùa mưa về, nước tràn ngập mọi nơi, có những người làm nghề "len trâu", đưa trâu đi tìm cỏ để sống qua mùa lũ.

Lê Văn Nghĩa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI