Khi con quá nhõng nhẽo

14/08/2016 - 09:01

PNO - Vợ chồng tôi chỉ có một cô con gái sáu tuổi, chúng tôi không cưng chiều cháu. Ông bà nội ngoại hai bên cũng thế, việc thể hiện yêu thương không đặc biệt lắm, nhưng cách cháu thể hiện thì rất lạ.

Ngày nào ở nhà có đầy đủ hai vợ chồng, y như rằng cháu nhõng nhẽo hết cỡ. Cứ nghe tiếng cháu khóc suốt từ sáng đến chiều. Hết đòi món này lại yêu cầu ăn món kia. Cứ dỗi hờn trách móc liên tục. Hôm hè, tôi gửi cháu về nhà cô em ruột ba ngày, cháu khác hẳn. Vui chơi, linh hoạt và chẳng khóc lóc, đòi hỏi gì. Cô em kể là cháu tự làm mọi việc, từ vệ sinh cá nhân, tự gấp chăn màn khi ngủ dậy, có gì ăn đó, không yêu cầu món ăn như khi ở nhà với ba mẹ.

Mấy ngày sau tôi ghé đón con, vừa thấy mặt tôi từ xa, cháu đổi ngay thái độ. Quay sang giành đồ chơi với em họ, rồi lăn ra khóc ngay. Cứ thế ỉ ôi khóc suốt buổi. Trên đường về lại đòi mua đồ chơi và ăn gà rán. Đã rất nhiều lần như vậy, bất kỳ lúc nào có ba hoặc mẹ, cháu đều nhõng nhẽo thái quá mà khi chơi với ông bà, anh chị họ thì rất bình thường. Hãy cho chúng tôi lời khuyên để có thể uốn nắn và dạy dỗ con.

Chân thành cảm ơn

Vĩnh Triệu (P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM)

Khi con qua nhong nheo
Ảnh mang tính minh họa

Anh Vĩnh Triệu thân mến,

Cháu là con gái duy nhất của anh chị. Tuy anh chị và ông bà nội ngoại không chiều, nhưng có lẽ vị trí duy nhất này khiến cháu hiểu vị thế quan trọng của mình. Song với vị thế con một mà lại không được cưng chiều như mong muốn nên cháu thất vọng và luôn muốn đòi hỏi nhiều hơn. Qua thư anh tôi nghĩ, mỗi khi cháu đòi ông bà, cha mẹ lại phải miễn cưỡng đáp ứng trước tiếng khóc tỉ tê của cháu. Cảm xúc của cha mẹ rất quan trọng với trẻ. Nếu cha mẹ tức giận hay buồn chán vì những biểu hiện nhõng nhẽo của cháu, thì cháu sẽ thấy vũ khí nước mắt rất có lợi, cuối cùng kiểu gì mình khóc cũng sẽ được cha mẹ để ý, theo ý.

Và lý do thứ hai có lẽ cháu đang thể hiện sự nhõng nhẽo để gây sự chú ý, quan tâm, trên hết là cháu cần sự yêu thương của người lớn trong nhà. Có thể vì áp lực không muốn tỏ ra cưng chiều con, vì lo chiều con con sẽ hư đã khiến cha mẹ tỏ ra nghiêm khắc, khiến cháu không cảm nhận được tình yêu thương từ cha mẹ, người lớn trong nhà? Nhiều cha mẹ đã sợ mắc lỗi chiều con nên không bộc lộ tình yêu thương con, hay yêu thương con chưa đúng cách, khiến đứa trẻ cảm thấy bất an, luôn có cảm giác thiếu thốn tình yêu thương. Trẻ sẽ luôn nhõng nhẽo đòi hỏi để kiểm chứng xem cha mẹ có yêu mình không.

Chúng ta cần phân biệt yêu thương và yêu chiều. Rất khó tách bạch hai biểu hiện yêu thương và yêu chiều. Ví dụ, đứa trẻ ngã, cha mẹ bày tỏ yêu thương con thực sự sẽ tiến tới con, ngồi xuống bên con, hỏi quan tâm con có sao không rồi động viên con tự đứng dậy, giúp con rút kinh nghiệm lần sau tránh vấp ngã. Nhưng với cha mẹ yêu chiều sẽ đỡ con dạy ôm con vào lòng xuýt xoa lo lắng cho con, thậm chí đánh giả vờ nơi con ngã đã làm cho con đau mà không để con tự đứng dậy, không giúp con hiểu nguyên nhân vì sao ngã, trách nhiệm của con là như thế nào?

Cha mẹ nghiêm khắc sẽ la lên từ xa, “nhắc hoài sao con cứ ngã vậy, ngã thì tự đứng lên đi”. Đây chỉ là ví dụ nho nhỏ để minh họa ba cách cha mẹ thể hiện với con. Tất nhiên cả ba dạng cha mẹ trên đều rất yêu thương con. Nhưng dạng cha mẹ thứ nhất sẽ khiến trẻ cảm nhận chính xác cha mẹ đang yêu thương và quan tâm đến bản thân chúng. Trẻ hạnh phúc vì được yêu thương và dễ dàng nhận ra trách nhiệm của mình trong việc mình bị ngã, lần sau trẻ sẽ tránh những nguy cơ gây nguy hiểm cho bản thân, vì trẻ biết mình có giá trị, cha mẹ coi trọng mình.

Cha mẹ kiểu thứ hai sẽ khiến trẻ thấy trẻ được chiều chuộng và mọi người xung quanh phải phục tùng trẻ. Đứa trẻ không chịu trách nhiệm gì về những gì nó gây ra. Lần sau nếu ngã, trẻ sẽ đánh những thứ xung quanh mà trẻ nghĩ đã làm trẻ ngã. Trẻ dễ trở nên ích kỷ và đòi hỏi mọi người phải theo ý mình. Cha mẹ kiểu thứ ba sẽ khiến trẻ cảm thấy tủi thân vì cha mẹ không thương yêu, quan tâm lo lắng cho mình. Đứa trẻ sẽ không cảm nhận được giá trị bản thân, sẽ dễ mặc cảm tự ti và có xu hướng tự đổ lỗi cho bản thân trong sự trách móc hay giận dữ vô cớ.

Ranh giới giữa yêu thương và yêu chiều luôn rất mong manh, nhưng khi cha mẹ thống nhất nguyên tắc điều gì được phép và điều gì không được phép rõ ràng cùng con thì sẽ không khó để anh chị kiên quyết trước những nhõng nhẽo vô lý của cháu mà không làm cháu cảm thấy thiếu tình yêu thương.

Cháu đã sáu tuổi, cũng sắp vào lớp 1. Tôi mong anh chị sẽ sớm thống nhất với cháu những gì được phép làm và những gì không được làm, hành vi nào được thưởng và hành vi nào sẽ bị phạt để khi cháu đòi hỏi vô lý thì anh chị nhẹ nhàng nhưng kiên quyết không đáp ứng. Hình phạt chỉ nên là hình phạt tích cực như cho ngồi một mình suy nghĩ, phạt không cho đi chơi, không cho xem một chương trình ti vi cháu thích… tránh la mắng hay đánh đòn. Sau vài lần đòi vô lý mà không được đáp lại, cháu sẽ có kỷ luật hơn.

Cháu cũng đã lớn, anh chị có thể giao việc nhà cho cháu tập làm giúp cha mẹ, để con tự làm những việc liên quan đến bản thân. Như vậy cháu cũng thấy mình là một thành viên có đóng góp cho gia đình, từ đó bớt nhõng nhẽo.

Chuyên viên tham vấn Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI