Khi con nghe phải... diễn giả 'dỏm'

26/03/2019 - 11:00

PNO - Không phải đứng trước công chúng nói chuyện trôi chảy, lưu loát và rao giảng về một vấn đề nào đó thì được xem là diễn giả.

Nghề này đang bát nháo do tình trạng “tự xưng”: “diễn giả số một”, “diễn giả hàng đầu”... có nguy cơ gây “nhiễu” cho con trẻ với hệ lụy khôn lường. 

Sốc vì “thánh phán”

Năm học lớp 12, con gái chị Kim Nguyên (thợ may áo dài, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) bỗng tâm tính thay đổi kỳ quặc, lo âu, buồn bực, khép kín. Chị cố gợi mãi vẫn chưa ra. Trong một lần xem phim chung, con gái rụt rè hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Có phải những thằng con trai thủ bao cao su trong bóp là nhân cách có vấn đề không mẹ, là phải chia tay cấp tốc hả mẹ?”.

Khi con nghe phai... dien gia 'dom'

Chị chưng hửng, chưa kịp sắp xếp rõ ràng một câu trả lời: “Ờ, mẹ nghĩ nhìn nhận nhân cách con người phải trên nhiều khía cạnh. Không phải chỉ dựa vào chuyện thủ bao cao su trong bóp là suy ra được nhân cách”. Dù câu trả lời chưa xác đáng nhưng chị thấy gương mặt con gái dãn ra. Cũng với cái mốc thời gian ấy, con gái bắt đầu tập trung học hành và nụ cười đã quay lại.

Chị dò hỏi bạn thân của con, mới biết con rối lòng từ lời phán của vị diễn giả trong hội thảo về tình yêu mà con và một số bạn tham gia. Trong chương trình, có bạn nữ gửi câu hỏi nhờ diễn giả tham vấn. Nội dung là bạn trai đòi nếm thử mùi vị trái cấm, cô gái từ chối với đủ lý do, chàng trai đều cãi trôi. Rằng chúng ta đã đủ 18 tuổi nên có quyền tận hưởng, rằng chàng trai có mua sẵn bao cao su nên không lo lây bệnh hay mang thai… Diễn giả đọc xong, gấp tờ giấy, lắc đầu, phán ngay: “May mà em gái này còn kịp hỏi tôi. Kể ra là tôi biết ngay nhân cách của bạn nam đó có vấn đề. Nếu là người đàng hoàng, chín chắn, ai lại thủ bao cao su trong bóp”. Không biết có nội tình gì với bạn nam và với cái bao cao su mà con gái của chị Kim Nguyên sốc sau lời của diễn giả.

Khi con nghe phai... dien gia 'dom'
 

Có những diễn giả nâng bước con trẻ và đồng hành cùng sự nghiệp nuôi dạy của cha mẹ, nhưng có những diễn giả “trời ơi đất hỡi”. Do được ban tổ chức (có thể là nhà trường, đơn vị tổ chức nào đó) mời một cách trịnh trọng nên diễn giả xuất hiện từ đầu đã gieo được niềm tin nơi người tham dự. Nhất là các em nhỏ, tâm hồn như tờ giấy trắng, sẵn sàng tin “khuôn vàng thước ngọc” ấy. Phụ huynh thường ủng hộ việc cho con tham gia với suy nghĩ đó là cơ hội cho con thu lượm kiến thức, kinh nghiệm. Ngờ đâu lắm khi con cũng “bổ ngửa” bởi những diễn giả tay ngang mà thuộc nhóm máu liều.

Giúp con nghe tỉnh táo

Mới đây, một nữ diễn giả đã mạnh bạo tuyên bố: “Các bạn nữ bị đồng tính, các bạn ngồi yên một chỗ, ngắm các bạn nam, “cái này đẹp thế, hot boy thế” và tâm các bạn sẽ được thay đổi”. Chị Hoàng Mơ (Q.4, TP.HCM) thử mở clip cho con chị hiện học lớp Năm xem. Cô bé ôm bụng cười giống như các chị trong clip đang ngồi nghe nữ diễn giả ấy thuyết giảng. Rồi cô bé nhăn mặt nói: “Trật lất. Bà nói kỳ quá, nghĩ sao, đồng tính là tố chất của người ta sẵn như vậy, thay đổi gì được. Nghĩ sao ngắm người nam hoài mà thấy đẹp được. Lỡ mấy chị đồng tính thấy chỉ nữ mới đẹp rồi sao?”. 

Khi con nghe phai... dien gia 'dom'
 

Chị Hoàng Mơ thở phào khi con dù nhận định còn ngây ngô nhưng ít nhiều cũng có chính kiến. Nhưng còn vấn đề nào khác, nếu kiến thức con không vững vàng hoặc thiếu nền tảng thì sự tiếp nhận thông tin bị nhiễu từ những diễn giả dỏm chắc chắn sẽ nguy hại. Chị lại giật mình khi nghĩ đến những bạn xem chương trình, nếu là người đồng tính thì sẽ gây những tổn thương tinh thần đến mức nào và sẽ càng loay hoay, dằn vặt, phủ nhận chính mình, tìm cách thay đổi trong vô vọng. Đâu phải chuyện đùa kiểu áp dụng hiệu quả thì tốt, không hiệu quả thì coi như… tập thể dục. Nội dung thuyết trình tưởng chỉ chung chung, vui vui  nhưng thật ra nó sát thương kinh khủng khi đặt vào từng hoàn cảnh, từng phận người. Lời nói tưởng gió bay nhưng lại gieo giông bão. 

Một kỷ niệm khó phai của chị Hoàng Mơ là có lần hai mẹ con tham gia hội thảo, cô bé dự xong về nhà không bàn luận gì nhưng tháng sau, khi chị rủ đi tiếp, thì cô bé hỏi thật kỹ về chủ đề và diễn giả là ai. Nếu là diễn giả của đợt trước thì cô bé không đi vì: “Chú diễn giả đó không ngoan, không tốt. Chú kể chuyện mẹ chú và vợ chú không hòa thuận với nhau, rồi chú lại nói “hai đứa nó cứ cãi nhau suốt không để cho tôi yên”. Chú hỗn quá, không có hiếu với mẹ. Những lời chú nói chưa chắc đúng đâu, con không thích nghe nữa”. Chị Mơ mừng vì con đã biết sàng lọc và dám “không tin” - hay nói cách khác là chỉ gửi gắm lòng tin cho người xứng đáng. 

                                                                                                  TÔ DIỆU HIỀN

Chị Thu Vũ (ngụ Q.6, TP.HCM) chia sẻ: “Những người nói chuyện chuyên đề trước hàng trăm trẻ em, bạn trẻ, nếu không am hiểu sâu, không có chuyên môn thì không khỏi làm lệch lạc suy nghĩ của các bạn nhỏ. Để các con nghe có chọn lọc, trước tiên người lớn hãy chọn lọc. Nếu cần thiết phụ huynh có thể nghe cùng con, bàn bạc cùng con, định hướng cho con, tạo thói quen phản biện tỉnh táo, tích cực. Vậy mới không lo con mình bị méo mó trong suy nghĩ, bị ảnh hưởng không tốt từ những bài phát biểu vô căn cứ của các diễn giả không đủ tầm và tâm. 

Khi con nghe phai... dien gia 'dom'

Khi đọc được điều gì hay, tôi đều cho con xem. Khi tham gia những buổi hội thảo, giao lưu, tôi ghi chép kỹ rồi về truyền lại cho con. Con nghe gì, đọc gì, tiếp nhận điều gì trong ngày, vợ chồng tôi cũng thường hỏi han, bàn luận để đồng hành và điều chỉnh kịp thời nếu con vừa tiếp thu thông tin chưa chuẩn”.

Hướng con tiếp cận thông tin “sạch”

Ở Việt Nam, nghề diễn giả chưa có mã nghề, chưa có trường đào tạo chính quy và rất bát nháo do tình trạng “tự xưng” như: “diễn giả số một”, “diễn giả hàng đầu”, “diễn giả bậc nhất” của một số người. 

Khi con nghe phai... dien gia 'dom'

Không phải đứng trước công chúng nói chuyện trôi chảy, lưu loát và rao giảng về một vấn đề nào đó thì được xem là diễn giả, chưa kể nhiều người dùng hình thức này để bán hàng, trục lợi và rao giảng cả những điều vô lý, phi khoa học, truyền bá mê tín dị đoan… Phụ huynh cần sàng lọc thông tin và định hướng cho con em mình các kỹ năng tiếp nhận thông tin, chọn lọc thông tin đúng đắn trong thời đại có nhiều thông tin rác như hiện nay.

Một vài gợi ý giúp phụ huynh chọn những diễn giả phù hợp: có chuyên môn sâu trong lĩnh vực truyền đạt; có nhiều trải nghiệm thực tế hoặc đã từng trải qua công việc, đề tài đang chia sẻ; có sự công nhận của nghề được đào tạo, hiệp hội nghề ở lĩnh vực đó; có sự ảnh hưởng, lan tỏa lớn với đại đa số công chúng bằng uy tín và những hành động tốt đẹp của mình…

Một người xem nghề nói trước công chúng để chia sẻ hay truyền động lực một cách nghiêm túc không thể thiếu các tiêu chí trên và đó cũng là biểu hiện về mặt tính cách hay năng lực của diễn giả trong thị trường vốn rất tiềm năng và khá non trẻ tại Việt Nam.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh

(Giám đốc Trung tâm đào tạo Ý Tưởng Việt)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI