Khi con đòi chết

28/08/2017 - 14:02

PNO - Nghỉ hè, trẻ than buồn chán vì không được đi du lịch. Vào năm học mới, lại nghe chúng than áp lực bài vở, than bị kỳ thị vì không “mô đen” như bạn bè ở trường mới.......

Nghỉ hè, trẻ than buồn chán vì không được đi du lịch. Vào năm học mới, lại nghe chúng than áp lực bài vở, than bị kỳ thị vì không “mô đen” như bạn bè ở trường mới... Đừng bỏ qua lời than của con nếu bạn không muốn một ngày cầm trong tay lá thư tuyệt mệnh.

Khi con doi chet
Con sống để làm gì? 

Nhịn ăn, rạch tay

Anh Lê Tuấn (Q.2, TP.HCM) kể rằng, bạn anh vừa gặp chuyện kinh hoàng: bắt được lá thư tuyệt mệnh của con trai. Lý do có vẻ cỏn con: cháu xin có phòng riêng nhưng gia đình không đồng ý. Nhà không thiếu phòng, nhưng cha mẹ lo con đóng cửa trong phòng riêng sẽ khó quản chuyện dùng internet, điện thoại.

Thằng bé vốn mắc bệnh hiểm nghèo từ nhỏ, tính tình lặng lẽ. Cậu không hề tranh cãi với cha mẹ chuyện “ra riêng”, chỉ lẳng lặng viết lá thư tuyệt mệnh cảm ơn cha mẹ đã nuôi dạy, tự nhận mình bất hiếu, rồi chào vĩnh biệt. May mà khi cậu bé đang tìm cách nhét thư vào ngăn tủ của cha mẹ thì bị phát hiện. 

Anh Tuấn có cô con gái 17 tuổi, cũng đôi ba lần cháu bóng gió chuyện đòi “chết cho xong” khi những đòi hỏi không được đáp ứng. Chẳng hạn như hồi trong hè cháu xin đi chơi xa mấy ngày với bạn, vào năm học cháu xin nhuộm tóc màu mè giống nhóm bạn ở trường mới... May là cháu chỉ dừng ở những mức độ nhẹ, như nhịn ăn, nhốt mình trong phòng.

Gần đây, các biểu hiện tiêu cực của cháu ngày càng tăng. Vợ anh Tuấn phát hiện cháu tự rạch đứt nhiều nhát vào cánh tay khi gia đình từ chối mua xe máy. Chị ôm con khóc ròng, trong khi mặt cháu lạnh như băng. 

Anh Tuấn chia sẻ: “Có con tuổi teen tôi như ngồi trên đống lửa, nhưng lẽ nào phải thỏa hiệp hết những đòi hỏi, yêu sách của cháu mới yên ổn?”.

Chỉ một cách: giao tiếp với con

Theo Viện Hàn lâm nhi khoa Mỹ, hơn 90% các ca tự tử ở trẻ từ 15 tới 24 tuổi liên quan tới sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo lắng, nghiện thuốc hoặc rượu, gặp rắc rối trong ứng xử đời thường.  

Khi con doi chet
Trẻ nhỏ cũng hay buồn chán. Ảnh minh họa

Nhiều trẻ gặp rắc rối trong quan hệ với cha mẹ và bạn bè, thầy cô ở trường học, bị lạm dụng tình dục, bạo hành thể xác. Một số em gặp khó khăn trong việc xác định giới tính. Tình trạng ức chế tâm lý trong một thời gian dài dẫn tới khi gặp sự kiện bùng nổ về mặt cảm xúc, các em liền hành động dại dột.

Quả thật, thế giới tâm lý của trẻ tuổi teen rất phức tạp, khiến cha mẹ mệt nhoài, bất lực. Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Trần Thị Hồng Hà, để giải quyết xung đột cha mẹ và trẻ, trong mỗi gia đình nên quy định sẵn những giới hạn nhất định cho những việc quan trọng, và khi con va vào những ranh giới ấy thì mềm dẻo nhưng kiên quyết phân tích đúng sai.

Còn với những vấn đề không quá nghiêm trọng, cha mẹ phải tập thói quen mở rộng góc nhìn cho hợp với giới trẻ, với xu thế hiện đại. Chẳng hạn việc con xin nhuộm tóc màu mè, cha mẹ không nên lập tức cấm đoán.

Nên nói với trẻ về việc xây dựng hình ảnh bản thân, cùng con bàn bạc xem về mặt thẩm mỹ, tóc nhuộm có hợp với gương mặt ngây thơ của con, có vi phạm nội quy nhà trường, có chấp nhận hậu quả tóc sẽ bị xấu đi và tiền nhuộm con phải chi trả... 

Nhiều cha mẹ không trò chuyện được với con, vì cách dạy con giáo điều, lý thuyết, luôn ép buộc con phải thế này, phải thế kia theo suy nghĩ của mình. Trẻ tuổi teen bắt đầu có mơ ước tự do như tự chạy xe đi học, có phòng riêng, tự quyết định quần áo, đầu tóc... Khi không được tôn trọng sở thích riêng, không thỏa mãn nhu cầu “bằng bạn bằng bè”, trẻ sẽ hình thành tâm lý chống đối, cho rằng cha mẹ không tôn trọng mình.

Chuyên viên Trần Thị Hồng Hà khẳng định: “Trong việc giáo dục con, phụ huynh không thể làm gì khác hơn - ngoài việc trao đổi với trẻ, để hiểu và uốn nắn kịp thời những suy nghĩ bốc đồng, nông cạn. Khi cha mẹ con cái đã cùng nhau trao đổi, phân tích cặn kẽ, tôi tin rằng việc trẻ phản ứng tiêu cực khó có thể xảy ra”. 

Khánh Thủy - Anh Thông

Kỹ năng ngăn chặn tự tử

Thường xuyên bị bạn bắt nạt, bé gái 12 tuổi Mallory Grossman (học sinh một trường trung học Mỹ) đã chọn cái chết, chấm dứt chuỗi ngày bị các bạn nữ “đánh hội đồng” bằng cách liên tục nhắn tin nhạo báng, gọi em là kẻ vô dụng, tồi tệ. 

Chị Dianne Grossman, mẹ của Mallory cho biết, chị đã báo cho trường việc con bị bắt nạt, nhưng nhà trường chỉ tiếp nhận thông tin mà không nỗ lực can thiệp. Ở Mỹ có đường dây nóng tiếp nhận những cuộc gọi báo trường hợp có nguy cơ tự sát nhằm ngăn chặn chuyện đáng tiếc xảy ra (National Suicide Prevention Lifeline). Đây là đường dây hỗ trợ kỹ năng ngăn chặn tự tử miễn phí, hoạt động 24/7. 

Ở Anh, Yellow Ribbon là chương trình thực hành kỹ năng ngăn tự tử tốt nhất. Mục tiêu của chương trình là giúp người thân đối diện với người muốn tự tử để có thể xoa dịu, hỗ trợ và ngăn chặn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI