Khi con đau đớn, tuyệt vọng, mẹ ở đâu?

21/01/2022 - 13:55

PNO - Một đứa con sinh ra, đâu phải chỉ cho ăn cho mặc đầy đủ là người lớn có thể áp đặt lên chúng những mong muốn của người lớn.

Giữa buổi sáng, đồng nghiệp của tôi nghe cuộc điện thoại của cô giáo con, và rồi chị buông máy khóc.

Tôi cứ nghĩ như lẽ thông thường, có lẽ con ở trường nghịch ngợm, con bị điểm số thấp hay đơn giản hơn là con chưa chuẩn bị bài trước khi đến lớp. Nhưng không, khi chị ngưng được sự xúc động, câu đầu tiên chị thốt lên là: “Chị là người mẹ tệ quá!”.

Tôi ngạc nhiên bởi trong mắt chúng tôi, chị là người phụ nữ chu đáo với gia đình, con cái. Đối với chị, việc nhà, việc cơ quan đều ổn. Vậy mà chị lại nhận mình là người mẹ chưa "đạt".

Hóa ra, cô giáo của con trai chị nói mắt của con trai có vẻ như thị lực giảm nhiều. Con thường xuyên phải nhìn bài của bạn bên cạnh để chép, chữ trên bảng con nhìn không rõ nữa. Tình trạng này cô cũng mới phát hiện ra nên cô thông báo để mẹ đưa con đi khám mắt.

Tôi nghĩ đơn giản: “Vậy có gì đâu mà chị phải khóc? Đi khám loáng cái là xong thôi mà”. Nhưng chị nhìn tôi: “Sao em nghĩ đơn giản vậy? Vấn đề là khi tình trạng con như vậy, con không dám nói với mẹ. Con nói với cô rằng sợ bị cận thị mẹ sẽ la. Mà ở nhà đúng là chị cũng hay la mắng bọn trẻ, có lẽ con áp lực lắm”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi hiểu ra. Đúng là chị nghĩ sâu sắc hơn tôi. Đúng là khi vấn đề nhỏ con không thể tâm sự với mẹ thì khi gặp vấn đề lớn con sẽ nói với ai? Thế giới ngoài kia rộng lớn, nhưng không phải ở đâu cũng có một bàn tay yêu thương để chìa ra cho con nắm lấy.

Khi con chọn một người ngoài để nói vấn đề của mình, thì hoặc là con chưa đủ tin tưởng mẹ, hoặc thông thương tâm lý chung của bọn trẻ là sợ ba mẹ mắng mình.

Người lớn nhiều áp lực mệt mỏi từ cuộc mưu sinh không thể giải quyết ở bên ngoài được, đôi khi mang hết những khó chịu đó dồn lên bọn trẻ. Những mắng mỏ, những đòi hỏi, những áp lực dồn lên đầu những đứa con còn chưa hiểu cuộc đời. Đôi khi người lớn cũng nhận ra những vô lý, nhưng rồi lại tiếp tục như vậy.

Cô giáo của con tôi từng kể bọn trẻ phàn nàn về sự vô lý của ba mẹ, chẳng hạn như khi chúng bày tỏ chính kiến thì là “trẻ con biết gì mà nói!” và có khi lại là “lớn rồi mà không biết cái gì vậy!”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những ngày qua đã xảy ra hai vụ bạo hành con trẻ quá khủng khiếp. Bé 8 tuổi ở TPHCM, hay bé 3 tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội) đều là nạn nhân của những cuộc chia tay và ráp lại của người lớn. Đau lòng là, trải qua biết bao đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, các con đều không có nơi để trút những ẩn ức đau thương.

Bé 8 tuổi thì bị ba cấm gặp mẹ cả năm trời, thậm chí mẹ tới trường con cũng thảng thốt sợ ba và dì biết. Bé 3 tuổi thì mẹ lại lặng im trước cái ác tận cùng của nhân tình. Đau đớn biết nhường nào khi các con không còn một chỗ dựa nào trên đời!

Chị đồng nghiệp nói, chị sẽ phải điều chỉnh lại mình trong vai trò làm mẹ, phải biết  lắng nghe con thay vì những đòi hỏi. Bởi khi gặp chuyện mà nơi con nghĩ tới để chia sẻ không phải là mẹ, thì chị là người mẹ thất bại. Một đứa con sinh ra, đâu phải chỉ cho ăn cho mặc đầy đủ là ta có quyền áp đặt lên chúng những mong muốn của người lớn. Mọi đứa trẻ có mặt trên đời đều có quyền được hạnh phúc, vui vẻ và yêu thương.

Đinh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI