Khi cơn bão tối giản đi qua

15/07/2018 - 12:00

PNO - Có bao nhiêu người đã thực sự chuyên tâm theo đuổi con đường tối giản và tìm thấy sự thanh thản, vui sống, hay chúng ta chỉ tối giản theo phong trào, rồi đâu lại vào đấy?

Quần áo, xe cộ, hàng hiệu đắt tiền mới là sang chảnh? Không phải. Gần đây, việc khoe mình tiêu ít tiền, đi làm bằng xe đạp, sử dụng đồ đạc đơn sơ, sống giản dị tới mức tối đa hình như lại… sang hơn.

Có một dạo, “tối giản” trở thành cụm từ được nhắc đến nhiều trên mạng xã hội nhưng hầu hết những người từng sục sôi với trào lưu đó đã quay trở lại nếp sống cũ. Vậy có gì sai ở đây?

Khi con bao toi gian di qua
 

Tối giản không phải là vứt bỏ đồ đạc

Hoàng - một nhân viên ngân hàng - ngày nọ bỗng nhiên mang hết quần áo, giày vớ... của mình rao tặng trên trang cá nhân để “mở đầu cho chiến dịch tối giản” như lời Hoàng. 

Sau những ngày chộn rộn trao tặng, Hoàng kể, thực sự cô cảm thấy rất nhẹ lòng, vì có cảm giác mình vừa trút được một mớ rối rắm. Có lẽ, điều khiến lối sống tối giản nhanh chóng trở thành trào lưu chính là: giải quyết các rối rắm cuộc đời. Vì chúng ta đang ngày càng rối, càng quá tải bởi những đống quần áo, sách vở, đồ dùng cá nhân, đồ dùng nội thất đến chất lượng thông tin, ăn uống, giải trí... Khi trào lưu tối giản xuất hiện, những người như Hoàng như vớ được phao cứu sinh, mạnh dạn lược bỏ mọi thứ, để cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

Cùng với Hoàng, rất nhiều người trong nhóm bạn bè cô đã vội vã tối giản, làm gì cũng tối giản, bắt đầu từ việc cho bớt quần áo, đồ dùng đến hạn chế thông tin, cắt bớt quan hệ... Tối giản ngoài đời không rõ hiệu quả thế nào nhưng trên mạng xã hội, đó quả thực tạo nên hiệu ứng lây lan. Ai cũng nhìn tủ đồ, mớ mỹ phẩm của mình xem có… vứt được gì không. Hình như việc tối giản đã bị hiểu sai, bị nhầm lẫn.

Khi con bao toi gian di qua
Mark Zuckerberg - tỷ phú, ông chủ, cha đẻ của Facebook - luôn chọn trang phục tối giản. Tủ quần áo của Mark không có gì ngoài loạt áo thun xám giống hệt nhau. Mark chia sẻ, việc lựa chọn trang phục như vậy sẽ giúp anh không tốn công sức và thời gian để đưa ra những quyết định chẳng cần thiết.

Có bao nhiêu người đã thực sự chuyên tâm theo đuổi con đường tối giản và tìm thấy sự thanh thản, vui sống, hay chúng ta chỉ tối giản theo phong trào, rồi đâu lại vào đấy? Phấn - một người từng theo lối sống tối giản - chia sẻ “chỉ được vài tháng, mình lại lục đục mua đồ, vì đồ đạc đem cho - tặng - biếu gần hết rồi, khi cần dùng lại không có, rất khó chịu, bực bội. Mình đã nghĩ, mình sẽ lược hết các nhu cầu ăn-mặc-ở của người hiện đại, có thể sinh hoạt như thuở nghèo khó ở quê ngày xưa, chỉ giữ những vật dụng sinh hoạt thiết yếu trong mức đủ để tồn tại. 

Nhưng không phải, nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp và sử dụng các tiện ích của mình vẫn thế, công cuộc tối giản xem như thất bại”. Thực ra, Phấn không phải là trường hợp cá biệt của “hậu tối giản”. Đã có rất nhiều người quay trở lại “mua sắm tàn bạo”, sử dụng phung phí và cuộc trở lại tiêu xài vật chất “hậu tối giản” có khi còn mãnh liệt hơn.  

Trân, CEO của một ngôi trường dành cho phụ nữ, nổi tiếng trên mạng vì chính lối sống tối giản của mình, trong một ngôi nhà không có ti vi, không thùng rác và vật dụng chủ yếu là những món mang tính bền vững với môi trường. Trân nói, đến giờ cô vẫn theo đuổi cuộc sống tối giản và thấy vui với lựa chọn của mình. Theo Trân, vứt bỏ đồ đạc không có nghĩa là sống tối giản. Việc đó thực tế chỉ là công cụ, là phương tiện để chuẩn bị cho lối sống tối giản. Chính mình phải tối giản từ tư duy, từ suy nghĩ đến hành động, rồi mới mong có kế hoạch cho hành trình sống tối giản và đi theo lối sống này. 

Mỗi người nên có cách tối giản riêng

Chị Lê Quế Phương, một stylist, từng cho đi mấy trăm bộ quần áo của mình nhưng một mực không nhận mình là người sống tối giản vì Phương quan niệm, chị chỉ là người sống đơn giản. Đơn giản ở đây không hàm ý bắt bản thân tiết giảm mọi nhu cầu, sở thích. Phương vẫn có quần áo đẹp, vẫn mua hàng hiệu, vẫn đi du lịch cùng gia đình. Theo Phương, dần dà mọi người cũng sẽ tìm được lối sống thích hợp với mình, nghĩa là sống vui, bình an và đơn giản, vì giá trị thực của tư duy tối giản chính là tìm thấy sự bình yên.

Khi con bao toi gian di qua
Ảnh minh họa

Nhiều người từng sống tối giản cũng chia sẻ rằng, tối giản nằm ở tư duy. Đó là làm việc có trật tự, lược bỏ những rườm rà để tạo được những kế hoạch hiệu quả. (Phải chăng vì tính trật tự, mà người Nhật giữ được cuộc sống tối giản như chính trào lưu họ tạo ra?). Nhà thiết kế Chương Đặng chia sẻ: “Tôi có xu hướng giản lược cuộc sống của mình; xuất phát từ việc ham thích làm việc trong nhiều lĩnh vực, ham vui và thích hưởng thụ. Nên nếu không nghĩ ra cách sinh hoạt, sắp xếp, làm việc, thậm chí là lãnh đạo một cách ít rườm rà thì tôi không làm được mọi việc như đã làm. Tôi không chắc mình đang theo một trào lưu nhưng nếu có thế thì tôi thấy vui; tôi luôn thích có nhiều bạn đồng hành trên một cuộc hành trình thú vị”. 

Anh Chương Đặng cho rằng, anh sống tối giản, vì tin rằng nhờ đó anh có nhiều thời gian... không làm gì. Theo định nghĩa của anh thì: “Sống tối giản chứ không phải ẩn dật hay chơi game show… mình cứ tự nhiên mà làm. Dư thì cho đi, bán đi, hay cất đi, cho mượn… thiếu thì xin về, mua về, thuê lại, mượn… để dùng tạm. Về cơ bản, cuộc sống của nhân loại vẫn thế mà”. 

Mỗi người nên làm cách nào đó để có thể tạo lối sống bình an cho riêng mình. Không cần phải hùng hồn ra tuyên bố. Không cần phải mang đồ đạc mình đang dùng đến các trung tâm thiện nguyện. Không cần phải cắt bỏ các mối quan hệ. Điều chúng ta cần, chính là hướng mình đến sự dễ dàng. Làm thế nào để đi lại dễ dàng, chọn công việc gì để hạn chế tham gia giao thông giờ cao điểm cũng là một cách tối giản. Chọn bữa ăn thuần chay, chọn nấu nướng ít món, chọn đơn giản trong ăn uống, có khi là cách sống tối giản của một số người. Dành thời gian nhiều cho những người mình quý mến, ít tương tác với những mối quan hệ chỉ mang tính hình thức, xã giao - cũng chính là tối giản. 

Cơn sốt của trào lưu tối giản cũng đã qua, điều chúng ta cần chính là rà soát lại đời mình xem có rối rắm ở đoạn nào không và lên kế hoạch để đơn giản hóa điểm ấy. Chỉ cần như thế, cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn. Cái chúng ta cần nhất ở cuộc sống này, chẳng phải là làm cho mọi thứ trở nên đơn giản hơn sao?

 Lan Khôi

Vứt bỏ đồ đạc là việc gây nghiện

Lối sống tối giản không chỉ là cách người Nhật loại bỏ đồ đạc và sắp xếp không gian sống phù hợp, mà còn là “phương tiện” sống giúp người Nhật tìm thấy ý nghĩa, hạnh phúc thực sự trong cuộc sống hiện đại.

Theo Sasaki Fumio, tác giả cuốn sách nổi tiếng Lối sống tối giản của người Nhật, sống tối giản không bắt buộc chúng ta vứt hết đồ đạc và sống trong căn phòng của một thầy tu. Thay vào đó, chúng ta nên bỏ đi những đồ đạc không cần thiết, chỉ giữ lại những thứ đem lại hạnh phúc cho mình. Sasaki Fumio cho rằng, việc vứt bỏ đồ đạc thậm chí còn gây nghiện và đó là một căn bệnh. Anh kể rằng, anh đã sắm một chiếc máy đọc sách Kindle để giải phóng không gian cho căn phòng rộng rãi. Bạn hoàn toàn có thể giữ những cuốn sách lại nếu chúng khiến bạn hạnh phúc, nhưng cũng cần nhớ rằng, số lượng và giá trị đồ đạc trong phòng chưa bao giờ là thước đo hạnh phúc.

Tinh thần của Sasaki Fumio thể hiện rõ qua các nguyên tắc:

- Tránh mang về nhà những vật dụng không cần thiết.

- Loại bỏ hết những thứ vướng víu trong nhà đã lâu không dùng đến.

- Tránh mua sắm thường xuyên. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI