Khi cổ tích được kể khác đi...

28/08/2020 - 15:00

PNO - Một số chuyện cổ tích đời mới đang tạo hiệu ứng tốt tại Hàn Quốc, ở Việt Nam, sự thay đổi này diễn ra như thế nào và "mới" đến đâu?

Cổ tích đời mới

Nhắc đến cổ tích, người ta sẽ nghĩ ngay về một thế giới thần tiên, với cái thiện luôn thắng cái ác, người tốt luôn được ông bụt, bà tiên giúp đỡ... Những câu chuyện cổ tích đã góp phần tạo nên thế giới tuổi thơ đầy màu sắc cho nhiều thế hệ.

Những ngày qua, tại Hàn Quốc, 5 quyển sách cổ tích hiện đại gồm: The boy who fed on nightmaresZombie kidThe cheerful dogThe handThe monkfish and finding the real face đang tạo nên cơn sốt trên các website đăng ký mua sách. Nội dung của chúng không giống với mô tuýp cổ tích thông thường, những truyện này được xuất bản sau khi xuất hiện trong phim Điên thì có sao.

Nội dung trong những truyện tranh thiếu nhi kể trên được cho là khá tàn khốc, kỳ quái, nhưng lại truyền tải thông điệp ý nghĩa về mối quan hệ gia đình, giữa con người với nhau, hoặc một hiện thực xã hội. Chẳng hạn như trong Cậu bé ăn ác mộng, theo lời ma nữ, chỉ những ai học cách vượt qua những ký ức đau buồn mới có thể tiếp tục cuộc sống và trưởng thành, còn không chỉ mãi là một đứa bé chưa lớn. Còn với Nhóc thây ma, tình tiết cuối truyện khiến nhiều người xúc động vì đề cao tình yêu thương của gia đình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.

Cậu bé ăn ác mộng, một trong những truyện cổ tích hiện đại đang được yêu thích tại Hàn Quốc
Cậu bé ăn ác mộng, một trong những truyện cổ tích hiện đại đang được yêu thích tại Hàn Quốc

Nhân vật Ko Mun-yeong, một tác giả truyện tranh thiếu nhi mắc chứng rối loạn nhân cách trong phim Điên thì có sao, cũng từng gây sốt với màn “bẻ lái” những tình tiết trong truyện cổ tích của phim và nhận được sự quan tâm, thảo luận sôi nổi từ khán giả.

Chẳng hạn, Hưng Phu truyện có nội dung tương tự chuyện Ăn kế trả vàng của Việt Nam, với người anh tham lam, người em tốt bụng được chim trả ơn. Ý nghĩa căn bản của truyện nói về việc ở hiền gặp lành. Tuy nhiên, nữ tác giả trong phim lại nêu lên một thực trạng chaebol (phú nhị đại) tại Hàn Quốc: nam trưởng thường được ẵm hết cơ ngơi kếch xù của gia đình.

Tại Việt Nam, những chuyện cổ tích đôi lúc cũng được kể khác đi so với bản gốc vốn đã quen thuộc. Gần đây, trong một chương trình thiếu nhi, hình ảnh cô Cám được xây dựng hiền hậu, siêng năng nhưng vẫn còn chút ham chơi gây bất ngờ cho các khán giả nhí.

Vở nhạc kịch Tấm Cám của nhóm Buffalo cũng không khai thác nhiều về cái ác hay sự trả thù khi thay đổi nội dung của bản gốc. Ở đây, dì ghẻ hại Tấm chỉ vì tình thương con mù quáng, còn Cám lại thụ động do đã quen với cuộc sống được mẹ bảo bọc từ A-Z. Khi hiểu chuyện, chính Cám là người tìm cách giúp Tấm. Tình cảm của 2 chị em Tấm Cám khiến người xem rưng rưng xúc động.

Tấm Cám cũng từng được mang lên màn ảnh rộng, nhưng câu chuyện được phát triển rộng hơn, không chỉ gói gọn trong mối hận thù cũng như những mưu mô của mẹ ghẻ, nàng Cám đối với nhân vật hiền lương như Tấm.

Trong chương trình Mùa hè của em, nàng Cám được xây dựng trở nên tích cực hơn
Trong chương trình Mùa hè của em, nàng Cám được xây dựng tích cực hơn

Đầu năm 2019, cuốn Thiện và Ác và Cổ tích tập hợp 16 truyện cổ quen thuộc với độc giả mọi lứa tuổi như: Truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân, Mỵ Châu - Trọng Thủy, Sự tích trầu cau… Điều đặc biệt trong tập sách này, lần đầu tiên cái ác được lên tiếng để người đọc có cái nhìn đa chiều hơn. Hai tuyến nhân vật thiện - ác cùng song song kể chuyện, nhân vật phản diện được lên tiếng tự “biện hộ”, lý giải cho việc làm của mình. Tất nhiên, cuối cùng cái thiện vẫn chiến thắng cái ác, nhưng người đọc hôm nay chắc chắn sẽ có cái nhìn trọn vẹn và cởi mở hơn cả từ hai phía thiện và ác.

Nhà xuất bản Kim Đồng cũng phát hành nhiều tác phẩm của các tác giả nước ngoài “kể lại” chuyện cổ tích như: Chuyện kể trên điện thoại, Gelsomino ở xứ sở nói dối của tác giả người Ý Gianni Rodari, Ngôi làng cổ tích của tác giả Hàn Quốc Hwang Sunmi, truyện tranh Cô bé quàng khăn đỏ không thấy đường của Hanxu, Ông sói ăn chay của Namgoong Jeonghee, Lọ Lem mọt phim của Ashley Poston. 

Cô bé quàng khăn đỏ không thấy đường vẫn nói về hành trình của cô bé quàng khăn đỏ đến thăm bà nhưng trong truyện này, em lại bị mù, còn sói xám vẫn ẩn náu trong khu rừng. Mạch truyện quen thuộc được thay đổi bởi những tình tiết thú vị để kể một câu chuyện về niềm tin.

Lọ Lem mọt phim đào sâu vào tâm hồn của một cặp hoàng tử, công chúa khác thường. Họ đến với nhau, không bởi một đôi giày thuỷ tinh, mà bởi một series phim truyền hình đã góp phần định nghĩa cuộc đời họ. Sự lãng mạn, mơ mộng trong tình yêu cùng văn hoá thần tượng được đề cập một cách khéo léo.

Mới đến đâu?

“Giải thưởng Sách hay từng trao giải cho bộ Cổ tích mới của nhà văn Nguyên Hương. Điều đó cho thấy thị trường xuất bản, bạn đọc và giới chuyên môn đã đón nhận các tác phẩm phái sinh từ những chuyện cổ tích quen thuộc. Việc có thêm những tác phẩm phái sinh từ kho tàng dân gian theo tôi là hướng đi tích cực, bởi cách làm này một mặt giúp tiếp tục phát huy kho tàng dân gian, một mặt lại mang đến nhiều hương vị mới cho các tác phẩm vốn đã quen thuộc” - bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng biên tập nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ.

Sách Thiện và Ác và Cổ tích với những câu chuyện quen được kể mới hơn
Sách Thiện và Ác và Cổ tích với những câu chuyện quen thuộc được kể mới hơn

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho rằng chuyện cổ tích nằm trong phạm trù sản phẩm văn hoá, nghệ thuật và cốt yếu phục vụ cho đời sống tinh thần, nhu cầu giải trí nên việc thay đổi nội dung, sáng tạo thêm là điều chấp nhận được. Những sản phẩm đó nên được gọi là cổ tích hiện đại, để phân biệt với chuyện cổ tích truyền thống. 

“Chúng ta không nhất thiết phải giữ nguyên trạng. Giải trí không giới hạn sự sáng tạo. Cốt lõi của chuyện cổ tích là cái thiện thắng cái ác còn chất liệu như thế nào, diễn giải ra sao là do người kể. Nhưng sự thay đổi, thêm thắt phải hợp lý và giữ được thông điệp thẩm mỹ” - ông Tuấn chia sẻ.

Dễ thấy với những tác phẩm đã tồn tại, các chi tiết được thay đổi chủ yếu nằm ở diễn biến của truyện hoặc ở cái kết. Có nhiều tác phẩm đã cho nhân vật phản diện ở tác phẩm gốc có thêm “đất diễn”, được thể hiện, được kể chuyện từ góc nhìn của họ. Cũng có truyện thay đổi hẳn cái kết nhưng về căn bản vẫn là hướng đến những điều tốt đẹp với những cái kết có hậu và nhân ái hơn. 

“Sẽ rất khó để đưa ra một định lượng là nên thay đổi chi tiết nào, nhưng rõ ràng nếu như tác giả phóng tác và đưa nội dung hay nhân vật đi quá xa so với phiên bản gốc, khiến độc giả không còn nhận ra tác phẩm gốc nữa thì có lẽ ta không thể coi đó là cách kể lại hay kể mới. Tác phẩm ấy có thể sẽ được coi là một sáng tác mới, và có lẽ khi đó, độc giả sẽ đón nhận, đánh giá như một sản phẩm sáng tạo mới.

Vì vậy, có lẽ không nên đưa ra một chuẩn mực là thay đổi gì và thay đổi ở mức nào mà tôi nghĩ, nên để các tác giả được tự do sáng tạo, quan trọng là kết quả sáng tạo ấy có hợp lý hay không” - bà Liên chia sẻ.

Những sự thay đổi phải hợp lý và vẫn giữ được tinh thần truyền tải thông điệp nhân văn
Những sự thay đổi phải hợp lý và vẫn giữ được tinh thần truyền tải thông điệp nhân văn

Ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng: “Cổ tích dạy điều thiện, như một sự định vị, vì thế độc giả luôn có sự an tâm khi để con em mình hoặc chính họ tiếp cận với sản phẩm này. Chúng ta có thể sáng tạo nhưng không được sáng tạo để cái ác thắng cái thiện. Sự quyến rũ của cổ tích là chức năng truyền tải thông điệp nhân văn”.

Khi bàn về sự sáng tạo mới đối với các tích xưa cũ, một số nhà nghiên cứu văn hoá cũng cho rằng mỗi quốc gia, mỗi nền văn hoá đều có những sự chi phối, định hướng khác nhau. Vì thế, sự thành công của chuyện cổ tích hiện đại tại Hàn Quốc hay Nhật Bản chưa thể chắc chắn về kết quả khi ở Việt Nam, để từ đó buộc đưa ra nhận định nên thay đổi hay không. 

Mỗi sự thay đổi, làm mới đều phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng, cẩn trọng. Việc phản ánh hiện thực toàn diện, sâu sắc hơn định hướng cho lứa trẻ có mục tiêu, mục đích sống tốt, trong đó ý thức phê phán, làm rõ thiện - ác là điều cần được hướng đến, đặc biệt lứa tuổi tiếp xúc với chuyện cổ tích, truyện tranh ở Việt Nam phần lớn là trẻ em, thanh thiếu niên.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI