Khi cơ thể cần bảo dưỡng...

18/04/2025 - 06:00

PNO - Chị Trinh than với tôi: “Cuộc sống đã nhiều áp lực, lại còn phải đối diện với đủ thứ bệnh, mất hết động lực sống em ạ!”.

Khi có vấn đề về sức khỏe mới thấy những lúc cơ thể ở ngưỡng bình thường là điều tốt nhất - Ảnh minh họa: Freepik
Khi có vấn đề về sức khỏe mới thấy quý trọng những lúc cơ thể ở ngưỡng bình thường - Ảnh minh họa: Freepik

Nếu như ở giai đoạn trước tập trung chăm lo sao tốt nhất cho cuộc sống, từ công việc đến gia đình, con cái, thì ở ngưỡng tuổi 40 phụ nữ bắt đầu phải đối diện với những vấn đề liên quan đến sức khỏe.

Có những sở thích cá nhân mà thời thanh xuân thường hay hứa hẹn: sau này ổn định sẽ thực hiện những chuyến đi, làm những điều mình thích… Khi chạm đến ngưỡng tuổi trung niên này, mọi thứ bỗng không như mình mong muốn.

Chị Trinh đi khám bệnh về, bác sĩ báo có vài thứ cần phải theo dõi sát sao bằng cách đi khám định kỳ để kịp thời can thiệp khi cần thiết. Chị về, lục tung trên internet để tìm hiểu thêm về những triệu chứng, biến chứng nếu có. Càng xem thông tin, chị càng thấy hoang mang. Cảm giác như bên trong cơ thể mình chẳng còn lành lặn như lúc trước, có thể gặp chuyện nọ chuyện kia bất cứ khi nào. Nỗi bất an ấy kéo sụp tinh thần chị xuống.

Rồi chị lo cho con, nếu lỡ như chị có chuyện gì mà con còn nhỏ quá, biết ai lo? Chị Trinh than thở: “Biết vậy đừng đi khám!”.

Tôi thì nghĩ, việc kiểm tra sức khỏe là cần thiết, nhất là ở độ tuổi ngoài 40.

Ở một chặng đường dài tuổi trẻ, hiếm hoi lắm mới phải đặt chân đến bệnh viện thì vào giai đoạn trung niên, nhiều người có thể đối mặt với các vấn đề liên quan đến lão hóa của cơ thể và nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe dẫn đến bệnh tật là điều không tránh khỏi.

Cơ thể con người chẳng khác gì bộ máy, chạy miệt mài suốt bao năm tháng, cũng đến lúc sẽ trục trặc chỗ nọ chỗ kia. Có những bộ phận có thể hồi phục được nếu kịp sửa chữa, cũng có những bộ phận gặp vấn đề ta chỉ biết nương theo mà sống.

Ở độ tuổi này, không ít người còn chật vật lo kinh tế, con nhỏ và phụng dưỡng cha mẹ già, nếu không có sự lường trước để tìm cách cân bằng dễ dẫn đến quá tải.

Nhưng cũng ở tuổi ngoài 40, con người đã trải qua bao nhiêu sóng gió. Từ đó, sức bền bỉ, kỹ năng sống, khả năng chống chọi với mọi thứ cũng đã tốt hơn. Vì vậy mà chẳng mấy ai dễ dàng để bản thân ngã quỵ.

Tôi nói với chị Trinh, rằng còn may vì tình huống bệnh của chị vẫn cứu vãn được. Khi ấy, chị mới nguôi ngoai và liên tưởng đến những người từ phòng khám ra, cầm trên tay kết quả chẳng khác gì án tử, họ sẽ phải đối mặt ra sao với sự thật?

Không nói đến bệnh tật, có những sự việc xảy ra trong tích tắc như động đất, hỏa hoạn, tai nạn… người ta còn đâu thời gian để mà vùng vẫy, thở than.

Tôi còn nhắc chị, không hẳn việc phải ra vào viện hoàn toàn là dấu hiệu xấu. Cơ thể mình đôi khi chỉ cần can thiệp nhỏ, đã có sự phục hồi đáng kể. Tôi nhớ quãng thời gian dài tôi phải chịu vấn đề hệ tiêu hóa, sau đợt nhập viện, mọi thứ có vẻ trơn tru hẳn. Nếu như không có đợt can thiệp ấy từ các y bác sĩ, tôi còn nghĩ mình bị bệnh gì ghê gớm lắm.

Xuất viện trở về, tôi trang bị kiến thức cho mình nhiều hơn về vấn đề ăn uống sao cho an toàn, phù hợp. Đó cũng là cột mốc nhắc nhở tôi phải hết sức chăm chút, lắng nghe cơ thể, dành thời gian tập luyện thể thao đều hơn, buông bớt công việc, tránh những áp lực không đáng…

Tôi được một bác sĩ chia sẻ rằng: “Hãy tin vào sự chữa lành vốn có của cơ thể. Đôi khi, có những căn bệnh không nhất thiết cần can thiệp, nhưng việc quá lo lắng về mặt tinh thần đã ảnh hưởng đến sức khỏe...”.

Ở bất cứ lứa tuổi nào thì bệnh tật cũng đều là nỗi lo. Nhưng đừng để những phiền não ấy đánh sập sự lạc quan trong mỗi người. Cứ sống an nhiên, tập đón nhận cả những điều tự nhiên như lẽ thường tình, mọi việc từ đó cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.

Càng có tuổi, tôi càng thấm thía câu “sức khỏe là quan trọng nhất”. Vậy nên tôi luôn nhắc bạn bè người thân đừng quên chăm sóc bản thân ngay khi mọi thứ còn ở ngưỡng an toàn.

An Na

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI