“Là cô giáo mầm non, suốt ngày quẩn quanh với trẻ. Cuối tuần thì ở nhà chăm chút gia đình. Thế giới của chúng tôi như chỉ từ nhà đến trường, từ trường ra vườn trẻ, rồi lại từ trường về nhà. Nhưng từ khi trường thành lập chi hội Phụ nữ đến nay, các cô không chỉ thay đổi lộ trình đi về, thời gian hoạt động mà còn thay đổi cả cách nhìn về cuộc sống” - cô Nguyễn Thị Thương - Hiệu trưởng kiêm chủ Trường mầm non Minh Phú (Q.7, TP.HCM) - nhìn nhận.
Thêm việc nhưng vui
Trường mầm non Minh Phú được thành lập năm 2013 với hai điểm trường là Sao Vàng và Minh Phú, quy mô hơn 110 học sinh. Với đặc điểm của một trường mầm non hơn 90% nhân viên, giáo viên là nữ thì việc vận động thành lập chi hội Phụ nữ ở trường không mấy khó khăn.
Các cô giáo mầm non trổ tài nấu nướng
Theo đó, bốn năm về trước, khi chị Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Hội LHPN P.Phú Thuận - trình bày ý định mời các cô giáo mầm non vào Hội, cô Thương đã gật đầu vui vẻ. Cô Thương cho biết: “Trường có gắn với hoạt động Đoàn của địa phương, nhưng khi nhìn lại, hầu hết các cô giáo đều ở tuổi không còn phù hợp. Các cô cần một chỗ dựa vững hơn về tinh thần, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và phát triển bản thân. Tôi thấy Hội là lựa chọn phù hợp nên đã vận động các cô cùng vào Hội”.
Có thể khẳng định, từ ngày vào Hội, công việc của các cô trở nên bận rộn hơn. Trước đây, 6g30 đón trẻ thì 5g30 hoặc sớm hơn các cô đã có mặt ở trường, chiều 16g trả bé thì các cô phải ở lại thêm 1-2 tiếng. Còn bây giờ, “ai nấy đều phải chạy ngược chạy xuôi, học bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao nghiệp vụ chăm sóc trẻ; thu xếp thời gian nghe báo cáo chuyên đề giữ gìn hạnh phúc gia đình, chăm sóc sắc vóc, chống xâm hại tình dục trẻ em… Nhưng mà ai cũng vui!” - cô Phạm Thị Hằng, phụ trách lớp Chồi, khẳng định.
Biết thời gian của các cô khá kín nên Hội LHPN P.Phú Thuận chỉ “khai thác” khả năng văn nghệ, ca hát - vốn là thế mạnh của các cô giáo mầm non… Nhưng thực tế thì hầu như các hoạt động, phong trào nào của Hội, chi hội Mầm non Minh Phú cũng đều góp măt. Từ hội diễn văn nghệ, hội thi áo dài, ủng hộ đồng bào lũ lụt miền trung, gây quỹ giúp hội viên vượt khó, tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo, bảo vệ môi trường… các cô đều tham gia và giành nhiều giải thưởng cao, đạt chỉ tiêu tốt.
Sinh hoạt hội giúp nâng chất chuyên môn
Trải qua giai đoạn đầu khá khó khăn, đến nay chi hội Phụ nữ Trường mầm non Minh Phú đã có nhiều năm liền được công nhận là chi hội vững mạnh; Hội LHPN P.Phú Thuận và Hội LHPN Q.7 đều rất tự hào vì tổ chức “tế bào” của mình mạnh mẽ và khác biệt. Còn các cô giáo, ai nấy đều vui vì những nội dung sinh hoạt Hội gắn sát với chuyên môn, giúp các cô nâng cao chất lượng công việc giảng dạy hằng ngày.
Nhìn cô Nguyễn Thị Mộng Thương ngồi giữa vòng vây học trò lớp Lá để chỉ dạy các em những điểm “bất khả xâm phạm” trên cơ thể một cách rành mạch và tự nhiên, duyên dáng, ít ai biết rằng chưa lâu trước đó, khi nói về đề tài nhạy cảm này, cô giáo sinh năm 1997 hãy còn đỏ mặt.
Cô Mộng Thương tâm sự: “Chuyện nhạy cảm mà, ai không ngại. Nhưng qua các buổi sinh hoạt của Hội, tôi ý thức được vấn đề. Nếu chúng ta dạy trẻ các kỹ năng càng sớm thì tính phòng ngừa và hiệu quả của nó càng cao. Ngoài gia đình, ở môi trường mầm non, chính là nơi phù hợp nhất để cung cấp kiến thức này cho trẻ. Chính vì vậy sau khóa học, tôi đề xuất và được cô hiệu trưởng ủng hộ ngay. Tiết học giáo dục giới tính, chống xâm hại tình dục cho trẻ ra đời. Học trò được học thêm kiến thức, kỹ năng khiến phụ huynh vui và tin tưởng hơn. Còn tôi thấy mình cũng tự tin hơn vì đã góp được một chút vào việc bảo vệ trẻ em”.
Cũng như cô Thương, các sáng kiến dạy trẻ tiết kiệm điện, nước, bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn đã được cô giáo Phạm Thị Hằng đề xuất, được ban giám hiệu nhà trường và mọi người ủng hộ, cùng góp ý để hoàn thiện thành chuỗi bài học kết hợp thực hành.
Tham gia Hội rất mất thời gian. Hội “bắt ép” các cô phải nỗ lực học tập, vươn lên mỗi ngày qua phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và hai cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”… Thế nhưng, lợi ích từ tổ chức Hội mang lại khi đan xen việc Hội là công tác chuyên môn đã khiến các cô giáo ở Trường mầm non Minh Phú chấp nhận mất thời gian và cực thêm một chút.
|
Các cô giáo ở chi hội Trường mầm non Minh Phú trong một phong trào của Hội |
Mừng hơn là mỗi thay đổi của nhà trường, của chi hội Phụ nữ trường, đều được nhiều phụ huynh đồng lòng ủng hộ, bởi họ biết, khi cô giáo được học tập, rèn luyện nhiều hơn thì con em họ cũng được học những điều mới mẻ, bổ ích hơn. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi phong trào của một chi hội nhỏ bé lại có những Mạnh Thường Quân là phụ huynh của trường âm thầm hỗ trợ từ phía sau.
“Sự thấu hiểu và chia sẻ của các bậc phụ huynh là nguồn động viên to lớn, giúp cô giáo của chúng tôi yên tâm gác lại những nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền, so sánh thu nhập với các trường khác, hay suy nghĩ về sự vất vả… để cùng vui với Hội, dốc hết mình cho việc Hội” - cô Nguyễn Thị Thương - Hiệu trưởng, chủ Trường, đồng thời cũng là Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ Trường mầm non Minh Phú - tỏ ra hạnh phúc.
Nghi Anh