|
Nhiều chú chim ra ràng khi chưa đủ kiến thức và bản lĩnh đối phó với cuộc đời (Ảnh SHUTTERSTOCK) |
“Chị cứ về nhà đi, đừng lo quá, nó tiêu hết tiền thì sẽ về thôi”, khi được một bà mẹ báo con mình bỏ đi, anh công an phường đã nói như vậy.
“Nhưng nó không lấy tiền mang theo, vậy tiền đâu để tiêu” là lo lắng lớn nhất về con sau khi chắc chắn nó không bị bắt cóc, vẫn an toàn nhưng cắt đứt mọi liên lạc.
“Em sợ con vì tiền mà phải nghe lời ai đó cưu mang, làm chuyện xấu. Khi con bỏ đi, em mới tìm hiểu kỹ các nhóm mà con tham gia và té ngửa vì nó có nhiều cách kiếm tiền. Nó cày game thuê cho các bạn, chở bạn đi học thì bạn đổ xăng, bán các vật phẩm trong game còn kiếm đủ tiền đóng tiền thuê nhà. Bạn ở chung thì làm thuê seeding, admin cho các nhóm, trang bán hàng online…” - một bà mẹ có cô con gái duy nhất bỏ nhà ra đi bốn tháng (chỉ để lại một tin nhắn ngắn gọn “Con ổn, mẹ đừng tìm, con muốn sống cho riêng mình”) nói trong nước mắt.
“Chỉ cần sức khỏe và thêm tấm thẻ căn cước công dân, ở thành phố này không bao giờ sợ đói, có thể khổ một chút so với khi ở nhà với bố mẹ nhưng sẽ được tự do. Nếu thêm ngoại hình sáng sủa, tiếng Anh kha khá, cơ hội sẽ còn nhiều hơn. Em vẫn đi học, giờ làm ca linh hoạt lắm, biết sắp xếp thì sẽ ổn cả thôi” - một nhân viên tập sự trong một siêu thị mới mở khẳng định.
Vậy là khi các chú chim ra ràng có kế hoạch rời tổ và được trợ giúp bởi hệ thống thông tin rao tuyển người dày đặc trên mạng, khi chúng chăm chỉ, có sức khỏe và lý lịch trong sạch thì cách quản lý và dọa cấm vận kiểu khóa thẻ, cắt trợ cấp… sẽ không phải là biện pháp hữu hiệu, không có tiền sẽ không phải trở ngại ngăn bước chúng ra ở riêng.
Vì thiếu đối thoại và chia sẻ mà bố mẹ lo lắng, trong khi với các con, tiền có thể kiếm, thiếu tiền không thành vấn đề, cho đến khi chúng nhận ra đời sống không chỉ là chi tiêu cho những bữa ăn hằng ngày hay tiền đổ xăng. Có thể phải đến nhiều năm sau các con mới nhận ra rằng khi rời nhà, tiền không phải là thứ cần thiết duy nhất mà sự chăm sóc và tình cảm cha mẹ dành cho mình mới là vô giá.
|
Hầu hết những đứa trẻ được cha mẹ ủ bọc đều khao khát bầu trời tự do (Ảnh mang tính minh họa - Tawatchai07) |
Bố mẹ đã làm gì sai?
Câu hỏi này đau đáu, khiến những người làm cha mẹ rộc người, bạc tóc, thậm chí đổ bệnh, khi con bỏ nhà ra đi. “Em đã từng tự hào là bạn của con, thầy cô nhiều năm đều thấy hai mẹ con rất vui vẻ. Em từng biết các bạn trai của con nhưng chưa bao giờ ngăn cấm thô bạo.
Hình như chỉ việc tịch thu điện thoại sau 10 giờ tối, kiên quyết không cho phép con chửi thề vô cớ, không cho con mặc quần ngắn hơn 30cm hay nhuộm tóc, sơn móng… đã đủ khiến con luôn cảm thấy mẹ quá hà khắc, luôn cảm thấy bị “quản thúc” chặt chẽ và việc miễn cưỡng nghe lời khiến con thấy ngộp thở? Khi con rời nhà, hàng tháng triền miên uống thuốc mà vẫn trơ ra không thể ngủ được, em đều tự cật vấn, mình đã làm gì sai…” - câu hỏi của bà mẹ này, ở nhiều gia đình, có thể sẽ được con trả lời sau nhiều năm tháng, được hóa giải cũng tự nhiên như lúc chúng ra đi bằng sự trở về khi con đã thực sự trưởng thành, thấu hiểu tất cả những gì cha mẹ làm cũng chỉ vì thương. Nhưng thực tế, có gia đình không bao giờ tìm được câu trả lời, để rồi câu hỏi ấy luôn nhói lòng, trong uất ức của cả hai bên.
Cha mẹ luôn nghĩ mình đặt ra các nguyên tắc là để bảo vệ con. Trong khi, cái lý của con chỉ đơn giản là: Ta đã lớn rồi, ta cần tự do!
“Con gái mình từ năm 18 đến nay 24 tuổi đã xách đồ ra ở riêng rồi lại quay về nhà dăm ba lần. Lần nào ra đi cũng là sau một trận bùng nổ và nói với mẹ theo kiểu thông báo chứ không phải xin phép. Những ngày đầu, mình sốc lắm, mất ăn mất ngủ, nghĩ ra vô số chuyện chẳng lành. Đời có biết bao hiểm nguy, cạm bẫy mà con mình có thể vướng vào. Nhưng rồi mình phải dần tự trấn an, tự xác định và hiểu rằng con chỉ có thể khôn ngoan và trưởng thành bằng các trải nghiệm của chính nó chứ không phải bằng cách nhìn những vấp ngã của người khác mà tránh. Có những sai lầm của con, dù có muốn, mình cũng không thay con sửa được. Khi nhận ra đã sai, con quay về ôm mẹ khóc nhưng vài tháng sau lại bắt đầu một sai lầm khác. Lần đầu là chọn nơi thực tập, sau đó là chọn đối tác khởi nghiệp, lần sau nữa là chọn bạn trai… còn gì nữa thì chưa biết” - P.T.N., một bà mẹ đã dở khóc dở cười chia sẻ khi được hỏi về việc con chị có khi nào tự ý rời nhà chưa.
|
Và rồi chúng sẽ bay khi có cơ hội (Ảnh mang tính minh họa - JCOMP) |
“Nhà mỗi người một phòng riêng, đi thì thôi, về nhà đứa học nhạc, đứa xem phim, chơi game, đeo tai nghe, khóa trái cửa, giờ ăn tối gọi như hò đò mới xuống. Có hôm tôi gọi mãi, một đứa thò cổ ra cau có: “Con đã đặt trên mạng rồi, lát con tự ăn” rồi sập cửa. Có lần, nó xuống bếp, tự nấu mì Ý xong ngồi ăn một mình. Thấy chướng mắt quá, tôi trách: “Con nấu xong sao không mời ai?”. Nó ngạc nhiên: “Ủa, mẹ ăn kiêng; ba thì mỡ máu, tiểu đường, đâu ai ăn mấy món này. Con biết mọi người không ăn mà vẫn mời hóa ra con giả tạo mời lơi à?”. Tôi chỉ biết thở dài. Nói nhiều gây khó chịu là chúng nó đòi ra ở riêng” - một ông bố có hai cô con gái gen Z than thở.
Dù đủ 18 tuổi hay còn vị thành niên, những cô cậu manh nha ý định rời nhà luôn nghĩ “nếu ở riêng, sẽ được tự do, được sống theo ý mình, có quyền:
- Chọn bạn để chơi.
- Chọn ăn, ngủ, game hay phim mình thích.
- Chọn trường đại học.
- Chọn người mình yêu và kết hôn.
- Chọn nghề, môi trường mình muốn hòa nhập.
Mong muốn được chọn, được sống theo ý mình như một cách để khẳng định mình đã lớn là tâm lý bình thường của tất cả mọi người.
Nhiều phụ huynh khi được hỏi đến những ứng xử khi họ cũng ở tầm tuổi con mình hiện tại, thường nói: Hồi xưa bọn mình ngoan lắm chứ đâu như bọn trẻ bây giờ… Chúng ích kỷ quá, nhiều khi vô lễ… Vậy nhưng khi nhắc nhớ về những tranh cãi kịch liệt có khi kết thúc bằng nước mắt hay đòn roi, ký ức họ mới trôi về thời thơ ấu cũng có lúc bùng nổ dưới áp lực phải là con ngoan trò giỏi, cũng có lúc khóc rấm rứt ở một góc sân trường khi tan học không muốn về nhà, cũng có lúc bị bố mẹ mắng vì bướng bỉnh, chỉ muốn đi đâu đó để không ai có thể tìm được mình nhưng vì… sợ nên lại thôi.
|
Chỉ cần các con an toàn... (Ảnh mang tính minh họa - JCOMP) |
Muốn vào ký túc xá, bỏ nhà ra đi, trốn biệt, đi bụi, thậm chí tha hương… cũng đều xuất phát từ mong muốn và khao khát được thoát khỏi sự kiềm tỏa của người lớn. Mà suy cho cùng, nếu đã từng là một đứa trẻ non nớt bình thường trong một gia đình bình thường, cũng sẽ ít nhiều có suy nghĩ ấy. Với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt hơn, có cha dượng, mẹ kế không thuận thảo hoặc gặp những biến cố như cha mẹ thua lỗ, phá sản… các con tự rời nhà càng là chuyện dễ xảy ra.
Khi còn là một đứa trẻ, ta cũng từng muốn ra ở riêng…
Con bỏ đi, giữa những ngày tháng chìm trong bối rối, đau đớn, lo lắng và bất lực, nhiều cha mẹ đã quên rằng khi còn là một đứa trẻ, chính họ cũng từng muốn ra ở riêng, không chỉ một lần. Nhớ lại điều đó để nhắc mình cảm thông, có thể đứng vào tâm thế của con để đối thoại ngay cả khi con đã rời nhà, để bình tĩnh… là cách tránh những tổn thương đáng tiếc cho con và cho chính chúng ta.
Chỉ cần các con được an toàn, rồi sẽ đến lúc chúng hiểu rằng không mang muộn phiền về cho mẹ mới là mong muốn thiết tha và đúng đắn nhất của mỗi người con thực sự trưởng thành, dù chúng ở trong vòng tay cha mẹ hay đã rời nhà.
Lê Lan Anh