Khi chúng tôi khoác áo blouse trắng

27/02/2021 - 08:35

PNO - Với những đóng góp ấy trong trận chiến chống COVID-19, mọi người không ngần ngại dành cho anh những danh xưng như “Người hùng”, và giờ là “Công dân thủ đô ưu tú”. Thế nhưng, với bác sĩ Cấp: “Tôi chỉ là đại diện cho toàn bộ đồng nghiệp xứng đáng được nhận danh hiệu..."

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các thầy thuốc tuyến đầu như bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, người đã cùng đồng nghiệp đóng góp to lớn trong việc khống chế thành công dịch bệnh, cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch tại miền Bắc - đang vô cùng bận rộn. Phải rất khó khăn, chúng tôi mới được anh sắp xếp một cuộc phỏng vấn nhanh, ngay tại hành lang bệnh viện. Và điều ấn tượng nhất với chúng tôi là những cảm xúc đau đáu trước hệ lụy của bệnh dịch qua góc nhìn không phải của một nhà chuyên môn mà là của một con người bình dị.

“Người đại diện”

Khi được hỏi về quá trình nghiên cứu, cải tiến, hoàn thành bộ mũ trùm đầu dành cho thầy thuốc và nhân viên y tế tác nghiệp trong môi trường lây nhiễm nguy hiểm, bác sĩ Cấp nói: “Chẳng có gì ghê gớm cả. Vào thời điểm ấy, mọi thứ cấp bách lắm. Trước thực trạng những nhân viên y tế đã bị lây nhiễm COVID-19, có một câu hỏi cứ vang lên trong đầu tôi: “Phải làm gì để bảo vệ an toàn cho các bác sĩ và đội ngũ y tế?. Họ phải tuyệt đối an toàn thì mới phát huy được khả năng chống dịch”.

Cứ thế, tôi và các đồng nghiệp vừa làm công tác chuyên môn, vừa bắt tay vào nghiên cứu. Tôi còn nhớ, đó là vào khoảng tháng 3/2020, bệnh viện của tôi có hai nhân viên y tế bị nhiễm chéo COVID-19 từ bệnh nhân dù họ tuyệt đối tuân thủ các quy định phòng hộ. Chúng tôi buộc phải rà soát lại “đường đi” của COVID-19 và xác định nó lây truyền dễ dàng từ người sang người. Ở môi trường phòng hồi sức cấp cứu, vi-rút không chỉ lây qua giọt bắn nhỏ mà còn lây truyền qua khí dung. Vì thế, những không gian chật hẹp như máy bay, phòng kín… là điều kiện vô cùng thuận lợi cho vi-rút lây lan. Không chần chừ, chúng tôi quyết định bảo vệ các nhân viên y tế của mình bằng cách cải tiến chiếc mũ trùm đầu kèm theo máy lọc khí di động cá nhân để cung cấp không khí đã được lọc sạch cho nhân viên y tế, tránh nguy cơ hít phải không khí có vi-rút trong phòng bệnh. Thiết bị này cùng với một số thay đổi trong chiến lược phòng ngừa lây nhiễm đã mang lại thành công rõ rệt. Từ đó đến nay, không có nhân viên y tế nào của chúng tôi bị lây nhiễm chéo nữa”.

 

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (phải) là một trong mười cá nhân được đề cử tặng thưởng danh hiệu “Công dân thủ đô ưu tú năm 2020” - Ảnh: internet
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (phải) là một trong mười cá nhân được đề cử tặng thưởng danh hiệu “Công dân thủ đô ưu tú năm 2020” - Ảnh: internet

Còn nhớ, chuyến bay đón 219 công dân Việt Nam mang trong mình vi-rút SARS-CoV-2 trở về từ Guinea Xích đạo hồi cuối tháng 7/2020 đã hạ cánh an toàn trong niềm vui của nhiều người. Chuyến bay lịch sử đó không chỉ là một thành tựu khoa học của ngành y mà còn trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, của ý chí luôn sẵn sàng vượt lên nghịch cảnh. Để có được thành công bước đầu ấy, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp và các đồng nghiệp của anh cũng có những đóng góp không hề nhỏ.

Với những đóng góp ấy trong trận chiến chống COVID-19, mọi người không ngần ngại dành cho anh những danh xưng như “Người hùng”, và giờ là “Công dân thủ đô ưu tú”. Thế nhưng, với bác sĩ Cấp: “Tôi chỉ là đại diện cho toàn bộ đồng nghiệp xứng đáng được nhận danh hiệu. Bởi trong trận chiến này, rất nhiều đồng nghiệp của tôi, dù lộ diện hay thầm lặng đều đã đóng góp hết sức mình. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ khi chúng tôi khoác trên mình chiếc áo blouse trắng. Năm qua, cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn hoàn toàn. Để mỗi nhân viên y tế có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đằng sau đó là sự hy sinh của cả một gia đình. Gia đình nào vợ chồng đều làm ngành y thì còn ngặt nghèo, vất vả hơn. Con cái phải đem đi gửi. Có khi bệnh viện cách nhà chỉ vài cây số mà bố mẹ suốt nhiều tháng không được gặp con. Đàn ông như chúng tôi còn đỡ. Có nhiều y bác sĩ nữ, cứ rảnh ra một phút hiếm hoi là lại đứng xem ảnh con mà rơi nước mắt, vì nhớ con mà không được gặp”. 

365 ngày gắn liền với những đợt cách ly 

Chúng tôi cứ thế chìm vào mạch kể đựng đầy xúc cảm, nỗi đau đáu trước khó khăn, nghiệt ngã mà đồng nghiệp bác sĩ Cấp đã phải vượt qua. Nhưng có lẽ, người thầy thuốc ấy đã quên đi chính bản thân mình. Trong suốt hơn một năm căng mình chống dịch, khoảng thời gian anh được ở trọn vẹn với gia đình cực kỳ hiếm hoi. Ở vị trí tuyến đầu, bác sĩ Cấp luôn xuất hiện tại các điểm nóng COVID-19. Ngoài những chuyến công tác, tập huấn, hướng dẫn các bác sĩ địa phương, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nặng… anh triền miên nằm trong danh sách những đợt cách ly dài. Đợt cách ly ấn tượng nhất mà anh hoàn toàn biệt lập với gia đình mình dài đến… ba tháng. Ngay tại thời điểm chúng tôi gặp bác sĩ Cấp, tết Nguyên đán đã trôi qua mười ngày mà anh vẫn chưa thể về nhà. Trước tết khoảng một tuần, nhận được tin Quảng Ninh, Hải Dương bắt đầu có dịch, anh lại khăn gói đi một mạch đến tận bây giờ.

Giữa câu chuyện, bác sĩ Cấp bỗng chùng giọng: “COVID-19 không chỉ gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người nhiễm bệnh mà còn là một cuộc tấn công toàn diện vào cuộc sống con người. Khi lệnh cách ly khẩn cấp được ban hành, có một gia đình trong tâm dịch mà toàn bộ kinh tế chỉ trông vào đàn gà đã hỏi tôi: “Phải làm gì với đàn gà này bây giờ?”. Bán cũng không được, nuôi tiếp thì lấy gì cho nó ăn? Trứng gà đẻ ra cũng không thể mang đi bán. Những ánh mắt lo lắng đến tột cùng ấy cứ ám ảnh tôi mãi”.

Mong mọi người đồng lòng, bao dung hơn nữa

Trước câu hỏi “Sau hơn một năm kể từ ngày COVID-19 xuất hiện, điều gì còn tồn tại khiến anh trăn trở nhất?”, bác sĩ Cấp bộc bạch: “Ngoài chuyện mong muốn người dân tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch được Chính phủ ban hành, tôi mong mọi người đồng lòng, bao dung hơn nữa. Mỗi người dân hãy luôn chung tay, tiếp sức, sẻ chia với cả hệ thống, thay vì sa đà vào những chuyện vụn vặt. Đừng chỉ chăm chăm nhìn vào những sai lầm, sơ sót nhỏ”.

Câu chuyện ồn ào trên mạng xã hội về Hải Dương trong những ngày gần đây là một ví dụ. Khi dịch bệnh xảy đến, trên mạng xã hội xuất hiện những bài viết luận tội, lên án, miệt thị vùng miền… rồi gây ra một cuộc bút chiến đáng sợ. Sự ầm ĩ vốn dĩ chẳng giúp gì cho công cuộc chống dịch. Anh nói, chỉ có đồng lòng mới là cách chống dịch hiệu quả nhất. Đứng bên ngoài nhìn sự việc để chê trách thì dễ. Nhưng bao dung, lượng thứ cho nhau khi “nhà đang có việc” mới là điều nên cố gắng.

Bác sĩ Cấp luôn nhắc đi nhắc lại sự may mắn của mình và các đồng nghiệp khi nhận được tình cảm, sự sẻ chia của đồng bào: “Phải qua những biến cố thế này mới thấy, người dân Việt Nam càng gian khổ càng cố gắng vươn lên. Chúng tôi thực sự xúc động về nghĩa tình sẻ chia của người dân trong đại dịch này. Từ mớ rau mà người dân chia cho nhau ở vùng Hạ Lôi, đến những gói mì miễn phí ở khu đô thị, những sáng tạo độc đáo như ATM gạo… Đến khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng, rất nhiều quán cơm 0 đồng ra đời, nhiều khách sạn hỗ trợ ăn nghỉ…

Và ngay bây giờ, khi chúng ta đang ngồi đây, rất nhiều người dân trên cả nước đang mua nông sản giải cứu cho bà con Hải Dương. Tôi không thể quên được, một buổi tối công tác ở vùng cách ly, bà con sẵn sàng nấu cơm mang đến cho tổ công tác mà kiên quyết không chịu lấy tiền. Ăn những bát cơm đầy nghĩa tình ấy, làm sao chúng tôi có thể nản lòng. Thậm chí, trước tấm chân tình ấy của bà con, chúng tôi còn thấy những cố gắng của mình vẫn chưa đủ. Tôi luôn nghĩ rằng, Chính phủ có quyết liệt bao nhiêu, anh em ngành y chúng tôi có tài giỏi bao nhiêu đi nữa mà thiếu sự đồng lòng của người dân thì chắc chắn công cuộc chống dịch sẽ không đem lại hiệu quả cao”. 

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, sinh năm 1970, là một trong 10 cá nhân được đề cử tặng thưởng danh hiệu “Công dân thủ đô ưu tú năm 2020”. Ông cũng là đại diện duy nhất của ngành y tế có mặt trong danh sách này. Ông là người trực tiếp nghiên cứu cải tiến bộ mũ trùm đầu và thiết bị lọc không khí cá nhân di động cho thầy thuốc khi thao tác trong môi trường ô nhiễm. Đồng thời, ông đã có nhiều sáng kiến cải tiến trong chiến lược điều trị cũng như phòng ngừa lây nhiễm cho nhân viên y tế.

Thu Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI