Khi chúng ta phải nhận một tin xấu

02/11/2019 - 16:00

PNO - Gần đây, mẹ thường phải nghe tin cha mẹ bạn mình vĩnh biệt trần gian. Thật là loại tin tức chẳng ai muốn nghe phải không con, nhưng không cách nào khác, tin xấu vẫn đến.

Trước những tin ấy, mẹ chẳng biết làm sao để an ủi bạn bè mình cho phải lẽ, con ạ!

Ngày xưa, mẹ hay gửi những lời chia buồn để an ủi những người mình yêu quý, mong họ nhẹ nhõm phần nào. Là chúng ta tưởng vậy nhưng không phải đâu con, lời chia buồn lúc ấy gần như chẳng có ý nghĩa gì với người đang chịu mất mát. Mọi tế bào của họ đều bị nỗi đau xâm chiếm, không cách gì tháo gỡ được. Mẹ thấm thía điều ấy vào ngày ông ngoại chia xa chúng ta. 

Khi chung ta phai nhan mot tin xau
Ảnh minh hoạ

Vì vậy, sau này mẹ không còn gửi những lời chia buồn khi hay tin người thân của bạn bè qua đời nữa, dù điều ấy rất cần trong giao tiếp. Không chỉ mẹ cảm nhận rằng không một lời chia buồn nào có thể làm vơi được nỗi buồn của chúng ta khi vĩnh viễn tạm biệt một người thân mà có lẽ nhiều người khác cũng vậy. 

Mới đây, một nhà thơ lớn qua đời. Con gái nhà thơ đã viết một status dài rất xúc động trên Facebook, trong đó có câu: “Những người tới chia buồn luôn an ủi con: “Ông ấy đang ở một nơi tốt hơn”. Con không tin điều đó. Con tin rằng: không có nơi nào ấm áp, bình an hơn gia đình mình”. 

Một người bạn đáng quý của mẹ khi báo tin mẹ chú ấy mất cũng nói rằng, đừng gửi lời chia buồn đến chú vì mọi va chạm lúc ấy đều khiến chú ngộp thở. Khi mẹ phỏng vấn một cô diễn viên cho bài báo của mình, lúc cô nói lời vĩnh biệt mẹ mình chưa lâu, cô ấy cũng nói rằng, cô quý tất cả lời an ủi được gửi tới, có điều chúng chẳng thể làm cô cảm thấy khá hơn. 

“Nhiều người nói rằng tôi đừng buồn nữa, từ nay mẹ tôi sẽ mãi mãi ở bên tôi mà không còn bất kỳ một giới hạn nào nữa. Làm sao tôi có thể tin vào điều ấy, bởi vì tôi thèm cảm nhận được mẹ bằng xương bằng thịt, thèm được ôm mẹ hằng ngày chứ không phải chỉ trong giấc mơ”, cô ấy nói trong nước mắt.

Ngày trước, mẹ nghĩ mình có thể cảm nhận được nỗi mất mát của một người khi người thân của họ qua đời, cho đến cái ngày đôi mắt của ông ngoại khép lại vĩnh viễn thì mẹ hiểu điều ấy bất khả. Mẹ không thể nhìn thấu nỗi đau của ai cả, cũng như sự ra đi của ông ngoại đã trở thành nỗi niềm rất riêng của mẹ mà chỉ duy nhất mẹ mới hiểu hết. 

Chẳng phải chia sẻ nào cũng dễ dàng phải không con? Chúng ta sẽ lúng túng vì không nói lời chia buồn cũng dở mà lời an ủi lúc đó liệu có ích gì. May thay, khi ngôn từ không “nghĩa lý gì” thì chúng ta có thể hành động. 

Trong hoàn cảnh ấy, mẹ thường đến đám tang xem mình có phụ giúp được gì không, hoặc mẹ nắm tay bạn mình thật chặt hay ngồi bên họ thật lâu. Hồi còn sống, ông ngoại vẫn thường làm vậy.

Khi chung ta phai nhan mot tin xau
Ảnh minh họa

Con còn nhớ một chương trong cuốn sách Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần mà con đã đọc không? Ở đó có nói về cái chết và sự sẻ chia, rằng: “Khi một ai đó buồn, họ cần rất nhiều người để chia sẻ… Họ cần mỗi buổi tối ghé lại ngồi với họ trong im lặng. Họ cần chúng ta dẫn họ lên đồi cuốc một mảnh vườn và thỉnh thoảng hỏi có thích ăn bắp rang không...”. 

Không biết con có học được điều ấy từ cuốn sách nhỏ đó mà khi ông ngoại mất, con làm như vậy. Con lặng lẽ thức cùng cả nhà trong cái đêm đưa ông ngoại từ bệnh viện về. Sau tang lễ, con thường xuyên vào nhà ngoại thắp nhang và ngủ lại với bà ngoại. Ở nhà mình, con cũng đi loăng quăng bên mẹ suốt ngày.

Con là đứa rất dở nói lời an ủi nhưng khi ấy có con bên cạnh, mẹ cảm thấy bớt bơ vơ. Mẹ biết ơn con vô cùng. Con làm được điều ấy vì ông ngoại qua đời, con mang một nỗi buồn. Vậy thì con có thể chia sẻ với họ hàng, láng giềng và bạn bè của mình bằng cách ấy, con nhé! Có thể ngay lúc đó, họ chẳng cảm nhận được gì nhưng khi bình tâm lại, họ sẽ thấy mình còn có bạn bè bên cạnh. 

Có lẽ mấy ngày nay mẹ bị ám ảnh về những cái chết nên nói với con những điều này. Nhưng có lẽ không sớm đâu con nhỉ, vì làm sao chúng ta biết được khi nào sẽ phải nhận một tin xấu. 

An Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI