Vắc xin hạnh phúc

Khi chồng trắng tay...

06/07/2021 - 05:56

PNO - Ai sao tôi không biết, riêng tôi cảm thấy con vi-rút “Cô Vi” nham hiểm kia còn gây thêm nguy cơ khác nữa và chống cự lại nó cần có vắc xin hạnh phúc.

Lại bùng phát dịch.

Có nhiều lời khuyên của các bác sĩ và chuyên gia chống dịch. Một trong những lời khuyên chí lý: nếu công việc không bắt buộc phải đi ra ngoài, cách bảo vệ mình tốt nhất là nên ở yên trong nhà. Chỉ cần ở yên trong nhà cũng là một cách chống con vi-rút “Cô Vi” nham hiểm kia… 

Tôi là thợ may nên việc ngồi nhà rất bình thường. Bất thường đáng kể là hai đứa con tuổi 12 và 15 chuyển qua học online.

Nhà có một cái máy tính để bàn mà hai đứa bị trùng giờ mấy buổi học, tôi nói xin chuyển học giờ khác thì cả hai đứa phụng phịu vì đã quen lớp, quen bạn bè và quen với cách cô giáo dạy… chuyển lớp khác mà chưa biết mặt mũi bạn bè cũng chưa biết cô giáo thầy giáo ra sao, “lỡ con không theo kịp thì má ráng chịu nghen”, hai đứa đồng thanh.

“Hả, học hành thì ai được hiểu biết mà hăm dọa má ráng chịu? Đi guốc vô bụng thì rõ ràng là mỗi đứa thích có máy tính của riêng mình, phải không?”, tôi hỏi. Bé nhỏ phụng phịu: “Chẳng lẽ suốt ngày chỉ có học thôi sao? Còn giải trí nữa, mà con giải trí lành mạnh, là chơi cờ vua với máy tính”.

Bé lớn mộng làm lập trình viên thì nói văn hoa màu mè rằng: “Con sẽ biến đợt nhốt mình trong nhà này thành cơ hội để tập làm phần mềm. Đó đó, học mà chơi chơi mà học”.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Như thường lệ, tôi là người lùi lại sau khi hai đứa con lặp lại lời hứa hẹn không phụ lòng má bằng cách học thật giỏi.

Khi tôi thủ thỉ với chồng rằng anh đang rảnh nên cho con mượn cái laptop của anh nghen, chồng tôi đỏ bừng mặt mũi. Lúc này mà nói “đang rảnh” chẳng khác nào xỉa mũi dao nhọn ngay giữa trái tim. Tôi nín bặt, sự lỡ lời này thật quá hớ hênh.

Một hồi sau, chồng tôi bảo: “Em chiều quá tụi nó hư. Coi con nhà người ta kìa…”. Ờ, mấy nay trên mạng lan truyền hình ảnh cậu bé cầm xấp vé số trong tay mà bật khóc giữa đường phố vắng tanh, rảo cẳng suốt ngày chẳng bán được tờ nào khiến ai nấy rưng rưng, đáng là một tấm gương cho mấy đứa con nhà nhõng nhẽo hay vòi vĩnh.

“Vậy nhưng con mình đâu có vòi vĩnh, hai đứa chăm chỉ học hành mà”, tôi chống chế. Chồng tôi cao giọng: “Em khen con kiểu đó là khiến cho tụi nó tưởng bở. Học trò chăm chỉ học hành là chuyện đương nhiên”.

Thường ngày, chồng tôi cưng con chẳng kém gì tôi, nay lớn tiếng vậy chứng tỏ anh stress lắm rồi. Còn phải nói, đang từ oai phong trụ cột gia đình bỗng thành ăn bám vợ, không cáu kỉnh gây gổ mới là lạ.

Tôi đành tìm cớ khác, cái cớ mà tôi biết sẽ khiến anh phải nhượng bộ ngay để chứng tỏ mình chung thủy. “Hay là anh sợ người khác nhìn thấy bí mật trong máy tính của mình?”, tôi nói bằng giọng hoài nghi. Y như rằng, chồng tôi xìa cái máy tính ra bàn ngay lập tức với vẻ mặt đầy tổn thương của kẻ bị hàm oan.

Tôi thở phào, việc học online của hai đứa con vậy là tạm ổn.

***
Thế nhưng chồng tôi thì không ổn tí nào. Công ty du lịch mà anh là giám đốc sau mấy đợt bùng dịch còn thoi thóp cầm chừng trong hy vọng mong manh phục hồi, đến đợt này thì chết hẳn. Hơn cả trắng tay vì còn một cục nợ ngân hàng. Anh luôn miệng lầm bầm, biết kéo dài vậy mình dẹp luôn công ty ngay từ đợt dịch đầu tiên thì đâu đến nỗi.

Tôi hiểu chồng mình căng thẳng, nặng nề ghê lắm. Muốn giúp chồng bớt buồn mà tôi không biết làm sao. Nhìn anh nằm lỳ trong phòng, có khi chụp lấy cái điện thoại để rồi nói chuyện với ai cũng chỉ là gắt gỏng nguyền rủa, sau đó bóp nghiến những ngón tay, tôi sợ cái điện thoại bị nứt làm đôi cắt đứt tay anh.

Nhất là khi anh nạt nộ hai đứa con sau giờ học mà vẫn dán mắt vô máy tính, không chơi game thì còn gì khác. Hai đứa con òa khóc oan ức: “Tụi con luyện cờ vua và tập làm phần mềm, không khen thì thôi, sao ba lại kết tội?”.

Sẽ tới lúc chồng nạt nộ mình, tôi biết. Cơn nạt nộ đầu tiên tôi đã chuẩn bị cho mình sự dịu dàng hết mức. Cơn nạt nộ kế tiếp và kế tiếp nữa, tôi cũng vẫn dịu dàng. Tuy nhiên, tôi buồn quá. Tôi đã làm hết sức mình rồi.

Không một lời càm ràm, tôi thông cảm với công việc làm ăn thất bại của anh. Đúng, tên gọi của nó là thất bại dù nguyên nhân từ con vi-rút kia chứ không phải vì anh bất tài. Tôi nào có chê bai gì anh đâu, ngược lại, tôi đã cố gắng làm việc nhiều hơn nữa để bù đắp cho chi tiêu gia đình mà anh không thể đóng góp. 

Không cảm ơn tôi thì thôi, sao còn sừng sộ?

Tôi bỏ may nguyên ngày để vùi đầu vô gối với những ý nghĩ tối tăm về tình cảnh của mình. Cho tới khi hai đứa con leo lên giường nằm cạnh tôi cùng khóc nức nở còn chồng tôi đứng sừng sững ngay cửa với khuôn mặt lạnh lùng băng giá, dáng vẻ bất cần, chấp nhận ba mẹ con tôi một phe, phe còn lại chỉ một mình anh.

Tôi nhận ra, khóc lóc và nước mắt chỉ nhấn chìm gia đình mình trong nỗi đắng cay bất lực.

Tôi nhận ra chỉ dịu dàng thôi là không đủ.

Trong cơn chán nản, chồng tôi chẳng buồn làm gì hết. Rõ ràng là anh chỉ ăn không ngồi rồi, càng chán ngán hơn.

Phải tìm cho anh một công việc mới được. Một sự bận bịu để anh thấy mình không đến nỗi hoàn toàn vô dụng! Hơn nữa, để hai đứa con thấy ba mình đang làm việc và hơn vậy nữa, để anh thấy tôi cần anh giúp đến chừng nào.

Tôi nhăn nhó, càu nhàu may áo quần gấp, nhờ anh phụ một tay. Anh ngạc nhiên: “Đang dịch bệnh mà vẫn có công việc nhiều và cần gấp à?”.

Tôi tỉnh bơ: “Chính vì đang dịch bệnh thất nghiệp tràn lan nên nhiều người mới rảnh mà nhìn lại mình rồi chăm chút áo quần”. Lý lẽ này xem ra không thuyết phục anh lắm nhưng có thắc mắc khác: “Làm thợ may dễ lắm hay sao mà nhờ ai cũng được?”.

“Ờ thì nghề nào cũng có phần việc cần thợ chính và phần lặt vặt cho người phụ. Nói lặt vặt vậy chứ không có người làm giùm thì thợ chính mất nhiều thời gian lắm, như vắt sổ nè, kết nút nè…”, tôi nói.

Kết nút thì anh không làm được vì cây kim bị cong queo trong những ngón tay đàn ông cứng cỏi, vụng về. Nhưng, máy vắt sổ thì anh đạp bon bon, miễn đừng bị đứt chỉ. Mà học cách xỏ chỉ máy vắt sổ cũng không khó lắm, chỉ cần chịu khó nhớ đường đi ngoằn ngoèo của mấy sợi mỏng mảnh đó.

Khi anh đã rành máy vắt sổ, tôi nhờ anh ủi đồ. Không dám giao cho anh áo váy xịn của khách, lỡ bị cháy thì rất phiền, tôi bèn mua vải khúc rẻ tiền về cắt thành áo quần rồi bày anh cách ủi. “Ô, từ trước tới nay chuyên mặc áo vợ đã ủi thẳng thớm, nay mới biết có được cái cổ áo sơ mi đẹp cũng mất nhiều công sức quá ha”, anh nói.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hai đứa con thấy ba lăng xăng bên cạnh má thì đâm ra cũng thích luẩn quẩn gần bàn máy may, hỏi: “Má có gì để tụi con làm cho?”. Không khí tuyệt vời cho một cuộc hàn gắn sau bao cáu kỉnh, nạt nộ và nước mắt, tôi chưa nghĩ ra được kế gì hay hay thì anh đặt cái bàn ủi xuống và nói: “Hai đứa đi với ba vô bếp nấu cơm cho má rảnh tay may đồ”.

Tôi nhìn theo ba cha con vô bếp, lắng nghe tiếng lách cách của nồi niêu, mùi gạo sôi thơm thơm rồi mùi của món mặn.

Giọng bé út thất thanh: “Ôi, là muối ba ơi, không phải…” và tiếng “suỵt suỵt”, sau đó là nín thinh. Chắc là đầu bếp tưởng hũ muối là hũ đường và đang tìm cách phi tang món ăn mặn chát. Chà, giờ thì ba cha con thành một phe mất rồi!

Tôi cười một mình, nước mắt tự nhiên chảy dài. Lâu lắm rồi tôi mới có lại cảm giác nhẹ lòng. 

***
Tổ trưởng tổ dân phố nhét mấy tờ thông báo qua khe cửa, cũng là những lời dặn dò bảo vệ sức khỏe trong cơn dịch bệnh, mọi người nên làm thế này và không nên làm thế nọ…

Ai sao tôi không biết, riêng tôi cảm thấy con vi-rút “Cô Vi” nham hiểm kia còn gây thêm nguy cơ khác nữa và chống cự lại nó cần có vắc xin hạnh phúc. 

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI