Khi chồng thích xài đồ cũ

08/01/2021 - 14:28

PNO - Khi phong trào sống xanh hay sống tối giản lên ngôi, tôi đã làm vài cuộc cách mạng để cải tạo căn nhà của mình gọn gàng hơn, nhưng bao lần ra quân, là bấy nhiêu lần tôi thất bại thảm hại, chỉ vì ông chồng thích xài đồ cũ của tôi.

Ngày đầu tiên dọn về chung sống, tôi thấy một con thú nhồi bông màu xanh lá cũ kỹ trong phòng anh. Lông nó đã bị sờn hết, lại còn bị chột một mắt. Đây là món đồ chơi đầu tiên anh tự mua trong lần đi hội chợ từ thiện cùng bố mẹ lúc anh bốn tuổi. Thấy con thú bị chột mắt, anh lấy tiền để dành tự mua nó và cất giữ đến giờ. 

Hai lần chuyển nhà, một lần sang nước khác sinh sống, anh đều mang nó theo. Kỷ niệm dễ thương nên tôi cũng đâm yêu thích con thú hiền lành đó. Có ngờ đâu tôi phải sống chung với những đồ vật cũ kỹ do ông chồng hay có vô vàn lý do để lưu giữ.

Tác giả và ông xã
Tác giả và ông xã

Ngoài một số đồ dùng cá nhân của anh mà tôi không có lý do gì để vứt bỏ, dù chúng cũ đến mức không sử dụng được, đồ dùng của tôi, anh cũng rất không vui khi tôi đem cho từ thiện. Lần tôi dở khóc dở cười là những bộ đồ vải xuýt bóng rất thịnh hành ở Việt Nam lúc bấy giờ, nhưng khổ nỗi khí hậu thời tiết bên Anh lại làm chúng dính bết vào người không mặc được. Cách giải quyết nhanh nhất là đem đến các tổ chức từ thiện, nhưng anh nhất quyết không cho với lý do: lần đầu tiên anh thấy tôi mặc đồ như thế trong nhà, và anh không muốn mất đi hay chia sẻ những hình ảnh đó với ai hết. Lại một lý do nghe rất dễ thương mà tôi lại phải chất đống trong nhà những bộ quần áo không thể nào mặc được.

Ngoài việc hay cất giữ đồ cũ, anh còn là người rất ít chịu thay đổi. Thời gian đầu sống tại một thành phố nhỏ ở Anh, tôi tưởng cả thành phố chỉ có một cái nhà hàng. Vì từ lúc quen biết cho đến khi cưới nhau, anh chỉ dẫn tôi đến mỗi nhà hàng ấy. Đến khi tôi đã biết đường đi nước bước và dụ anh đến những nhà hàng mới, anh rất miễn cưỡng.

Hỏi ra mới biết, anh là người thích giữ gìn kỷ niệm. Nhà hàng cũ là nơi mỗi cuối tuần anh hay đến một mình khi chưa biết tôi, cho đến khi quen nhau và phải yêu xa, anh cũng hay đến đó để nghĩ về tôi, nên anh không thích thay đổi. Lại thêm một lý do dễ làm mềm lòng, nên tôi không nằng nặc đòi anh đến quán mới để thay đổi không khí nữa.

Tưởng tính tình anh như thế chỉ có vợ chồng biết với nhau, nào ngờ bạn bè tôi ở Việt Nam cũng tinh ý nhận ra. Nhỏ bạn thân một lần hồn nhiên hỏi: “Ủa, lần nào về cũng thấy ảnh mặc cái áo này hết vậy ta? Sao không mua áo mới cho chồng?”.

Nào phải tôi không muốn chồng mặc áo mới, nhưng anh thích cái áo đó, mát mẻ dễ chịu với khí hậu Sài Gòn, màu sắc trang nhã, lại là cái áo tôi tặng anh khi có tháng lương đầu tiên. 

Cũng nhỏ bạn đó, sau khi hiểu ra và đã thôi thắc mắc sao lần nào về vợ chồng cũng ở một chỗ đó. Ở nhiều đến mức nhân viên trong tòa nhà xem vợ chồng như người thân. Cả những người chạy xe ôm hay đậu trước tòa nhà cũng nhớ mặt chúng tôi, dù cả năm mới về một lần. Nhỏ bạn tôi giới thiệu: “Sài Gòn có nhiều chỗ mới hay lắm, lạ lắm sao không ở thử? Cứ ở mãi một chỗ rồi tưởng thành phố chúng tôi không phát triển thì sao?”.

Nhưng anh chỉ đến xem cho biết, còn thay đổi chỗ ở thì không. Cô bạn đành chép miệng kết luận: “Người không thích thay đổi như vậy, chắc mai này cũng không đổi vợ đâu, dù vợ có cũ cỡ nào”. 

Sống với ông chồng không thích cái mới, hay hoài niệm, biết trân trọng những kỷ niệm, đôi khi cho tôi những cảm xúc rất bất ngờ, dễ thương. Nhưng đồng thời, tôi cũng phải chấp nhận rằng lối sống tối giản là ước mơ xa tầm với. Vì trong nhà tôi hiện tại, vẫn còn hai hộp gỗ chứa đầy những "bức email" chúng tôi gửi cho nhau từ lúc mới quen, anh in ra và lưu trữ. Đôi giày thể thao màu trắng tôi mang sang Anh lần đầu gặp anh, giờ nó đã há mõm mà anh không cho tôi vứt đi. Chiếc giỏ xách tay đầu tiên anh tặng tôi, nó cứ cũ đi chứ không hư hỏng gì, và tôi biết chắc anh sẽ buồn lắm nếu tôi thay giỏ mới. 

 Phan Quỳnh Dao (Luân Đôn)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI