Khi chồng ôm mộng ca hát

03/02/2025 - 09:27

PNO - Những ngày nghỉ Tết, anh mở loa kẹo kéo, ngồi hàng giờ “Hát cho nhau nghe”, báo hại nhà hàng xóm sát vách có người mới đi mổ sọ não về cần tĩnh dưỡng phải quạo quọ, góp ý.

Con 19 tuổi, mới cưới được nửa năm. Trước đây, con hãnh diện vì có người yêu hát hay bao nhiêu thì bây giờ mệt mỏi với “tài lẻ” của chồng bấy nhiêu. Anh chỉ lo đàn hát không lo làm, mọi việc kiếm tiền, lo chi tiêu gia đình đổ hết lên đầu con. Những ngày nghỉ Tết, anh mở loa kẹo kéo, ngồi hàng giờ “Hát cho nhau nghe”, báo hại nhà hàng xóm sát vách có người mới đi mổ sọ não về cần tĩnh dưỡng phải quạo quọ, góp ý. Thấy vậy, con giao nhiệm vụ chở ba mẹ, vợ đi chúc Tết nhưng hễ đến đâu có karaoke, anh lại sà vào cầm mic đến khuya. Con góp ý thì anh giận dỗi, cho rằng vợ không thông cảm với người chồng có “máu văn nghệ”, không giúp chồng theo đuổi sự nghiệp. Chuyện chăn gối cũng vì thế mà lạnh nhạt.

Con phải làm gì để cho anh cơ hội theo đuổi đam mê ca hát của mình?

Một bạn nữ giấu tên (thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu)

Có một nhóm máu nằm ngoài danh mục các nhóm máu khi xét nghiệm huyết học là “máu văn nghệ”, chảy cuồn cuộn trong huyết quản những ai “trót mang lấy nghiệp vào thân”. Người có “máu” này tâm hồn luôn bay bổng khiến họ quên tất cả những khó khăn, trở ngại trên đường đời, ít lăn vào thực tế “cơm áo gạo tiền” mà chỉ sống hết mình cho đam mê. Nói cho công bằng, người chồng như thế cũng có ưu điểm: thỉnh thoảng biết rót mật vào tai vợ bằng những lời nói tế nhị thể hiện sự quan tâm – điều mà một đức lang quân khô khan suốt ngày ở bên cạnh vợ nhưng chẳng biết làm gì để vợ vui. Nhưng cả đời cứ sống kiểu người cõi trên thì không người vợ nào vui đâu. Một gia đình sẽ không thể hạnh phúc nếu "mạnh ai nấy làm" hoặc chỉ góp gạo thổi cơm chung chẳng hơn gì người khách trọ.

Trước hết, cháu đừng dại nặng lời việc đàn hát của anh ấy. Hãy coi đó như chuyện 1 chàng công nghệ thông tin thường vùi đầu bên máy tính hoặc 1 thầy thuốc chỉ biết có bệnh viện và bệnh nhân, hay 1 đầu bếp mê mải với các món ăn. Sở thích, nguồn vui của mỗi người cần được tôn trọng. Tuy nhiên, giờ giấc sinh hoạt trong nhà cần được tuân thủ.

Thứ hai, việc kiếm tiền lo cho tổ ấm không nên nhìn nhận ở một thời điểm để nói về một con người. Có người phát tài lúc còn trẻ, có người phát lộc lúc về già. Thu nhập hiện tại của anh ấy chưa thấy đâu nhưng nếu có chí hướng và khi tài đủ độ chín, như anh ấy nói, thành công sẽ đi kèm với thu nhập.

Trong cuộc sống, vốn dĩ trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Anh ấy ít dành thời giờ cho gia đình, cháu càng phải xâm nhập vào “cõi mộng” của chàng và lôi kéo về bên vợ, bên gia đình. Hãy quản lý chi tiêu trong nhà thật khéo: bàn bạc thống nhất với chồng, không có kiểu “tiền chồng”, “tiền vợ” mà cả hai cùng đảm bảo cân đối các khoản tiền (ăn uống, sinh hoạt, điện nước, mua sắm, hiếu hỉ…), hàng tháng chi một khoản nhất định để anh đầu tư cho việc học đàn, hát. Như vậy đam mê của anh sẽ không làm cả nhà bị lao đao, thiếu trước hụt sau. Hai bên phân công trách nhiệm rõ ràng: ai dọn dẹp vệ sinh nhà cửa; ai giặt giũ, nấu nướng, rửa chén... Xong việc nhà thì mới làm việc riêng. Chồng có giờ giấc không ổn định thì làm những việc không bắt buộc phải đúng lịch; vợ cũng không cần phải mệt mỏi chờ cơm chồng. Cháu luôn nói với chồng trong niềm vui, biết khen tặng lúc chồng phụ giúp hoặc tự hào khi chồng đàn giỏi hát hay để anh ấy cảm thấy được khích lệ. Thỉnh thoảng “lên đồ” đi cà phê với anh xã để biết chồng mình kết bạn với những ai và cũng làm đẹp mặt chồng trước bạn bè. Đó là cách châm dầu cho chuyện phòng the được xuôi chéo mát mái.

Các cụ có câu “gái ngoan làm quan cho chồng”. Thời nay, cháu phải rất hiểu chồng và “cao tay” mới giúp chồng thực hiện được mộng ca hát. Việc "luyện chồng" cần kiên nhẫn, khéo léo và cũng chẳng có “công thức chung” nào, quan trọng là mỗi người vợ biết lựa chọn đâu là “tuyệt chiêu” với chồng mình.

Bs Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI