Ê-kíp quay phim đến nhà anh chị lúc chín giờ kém. Chín giờ sáng là thời điểm chị thay băng gạc cho anh mỗi ngày. Anh bị tai nạn giao thông, do một thanh niên say rượu tông phải khi đang trên đường thu mua phế liệu - công việc chính nuôi sống cả gia đình.
Hồi đầu còn điều kiện, chị nhờ nhân viên ở trạm y tế xã làm giúp, sau nhà không còn tiền nữa thì chị tự làm, có khi vừa làm vừa cố nén để không phải bật khóc, rủi anh hay biết.
Cô MC suýt nữa kêu lên thảng thốt khi thấy vết thương của anh. Chị khẽ giơ ngón tay trỏ, ra hiệu cho cô đừng tỏ ra quá ngạc nhiên. Chị không muốn anh biết tình trạng vết thương và suy sụp.
Trên lưng anh, một vết loét sâu hoắm, có thể nhìn thấy cả phần xương bên trong.
Tất nhiên khi chương trình phát sóng, không ai đưa những hình ảnh quá đau thương ấy lên, nhưng chúng tôi thì biết rõ. Cô MC kể rằng, suốt cả tuần lễ sau đó cô vẫn bị ám ảnh nặng nề và cứ nghĩ về những giới hạn của con người trước tai ương, bất trắc.
Lúc khai thác phần trọng tâm câu chuyện, chị bảo đứa con trai lớn ngồi với cha rồi ra hiệu cho chúng tôi ra sau nhà. Không có mặt anh, chị mới dám khóc khi nói về những nỗi gian truân đời mình. Chị cúi mặt, đan những ngón tay nứt nẻ, khô cứng vì công việc chẻ, vót những nan tre và đan sọt hằng ngày… Những giọt nước mắt thi nhau rớt xuống.
Chị nói, từ ngày anh bị tai nạn, chị chưa một lần khóc trước mặt anh, hay cho anh biết tình trạng sức khỏe thực tế. Chị luôn động viên anh cố gắng uống thuốc và an dưỡng. Chị bảo, anh còn sống ngày nào thì các con chị còn có cha ngày ấy, và chị thì vẫn có anh bên cạnh. Chị có thể vất vả, cực khổ hơn nữa… nhưng chị không chấp nhận được việc mất anh mãi mãi.
Tôi khâm phục sự ý tứ cũng như tình cảm chị dành cho anh, và từng kể cho vài người thân nghe câu chuyện về anh chị. Họ nhận xét có thể chị là người có ăn học và hiểu biết nhiều nên ứng xử tinh tế như vậy. Thật ra, chị còn chưa học xong tiểu học và không nhớ mặt chữ, chỉ viết được mỗi cái tên mình.
|
Không thiếu những phụ nữ chưa một lần khóc trước mặt chồng . Ảnh minh họa |
Một người vợ khác mà tôi biết, cũng rơi vào hoàn cảnh bất hạnh khi chồng bị tai nạn lao động phải nằm một chỗ nhiều năm liền. Số tiền chủ lao động hỗ trợ và bảo hiểm chi trả rồi cũng tiêu hết cho những cuộc phẫu thuật của anh, tài sản tích cóp được từ trước cũng cạn dần. Anh nằm đó, mọi nhu cầu thiết yếu đều phụ thuộc vào vợ.
Chị rất đẹp, một vẻ đẹp hiền hậu nhưng rạng ngời mà “chưa chắc hoa hậu có thể sánh bằng” - chị bạn đi cùng tôi nhận xét như vậy. Chị tranh thủ những lúc anh ngủ để tách vỏ hạt điều gia công cho người ta với mức tiền công rất thấp, nhưng chị vẫn cố gắng làm đều đặn. Chị nói, tiền đó để dành mua thêm nải chuối, ít trái cây cho anh, hoặc mua chai dầu gió xoa bóp cho anh đỡ đau nhức do phải nằm một chỗ lâu ngày.
Chúng tôi trò chuyện cùng chị ở chái bếp phía sau nhà khi chị đang sắc thuốc. Chị bạn đi cùng buột miệng hỏi sao lại nấu đến hai siêu thuốc như vậy. Chị tần ngần trả lời, một của anh và một dành cho chị. Câu chuyện đến đó tưởng đã khép lại, cho đến khi chúng tôi sang thăm người hàng xóm để tìm hiểu thêm hoàn cảnh gia đình chị, trước khi quyết định chọn vào chương trình để ghi hình và phát sóng.
Bác hàng xóm kể, từ ngày chồng chị bị tai nạn, nhiều người để ý chị, trong đó có cả anh bí thư xã chưa vợ. Anh chị mới cưới chưa được hai năm, chưa kịp có con thì xảy ra biến cố. Chị hãy còn trẻ và đẹp lắm nên không tránh khỏi việc nhiều người yêu thích. Bác hàng xóm kể, chị toàn xin quần áo cũ của bà con lối xóm bỏ đi để mặc để vừa tiết kiệm, vừa tránh việc chưng diện đẹp dễ bị dòm ngó. Cái siêu thuốc thứ hai chị sắc cho mình, là thuốc triệt sản để không còn khả năng sinh nở nữa.
Chị phát nguyện, khi nào hoàn thành nghĩa vụ với anh, chị sẽ xin tá túc trong ngôi chùa gần đó cho đến hết đời. Câu chuyện của chị vẫn theo tôi mãi đến hôm nay, với lòng kính trọng và yêu mến vô cùng.
|
Ảnh minh họa |
Câu chuyện về người đàn ông có gương mặt đen như than chì cũng là một câu chuyện đẹp vô cùng mà tôi không sao quên được.
Ông bà đều đã ở tuổi trung niên, ông có “thâm niên” nuôi vợ bệnh đến gần 20 năm. Ông chăn bò thuê cho người ta, hằng ngày phải đi cắt cỏ cho bò ăn, rồi còn tranh thủ tước lá tre đốt bán tro để kiếm thêm tiền lo cho vợ. Gai tre, góc lá, cỏ xước… khiến hai cánh tay, bàn tay ông chi chít sẹo. Cả những vân tay ở đầu ngón cũng không còn.
Ngày ông còn trẻ, vợ đã ngã bệnh nặng, cha mẹ vợ thậm chí bảo ông “bàn giao” vợ ông cho họ để tìm hạnh phúc mới, nhưng ông nhất quyết không chịu. Mẹ ông, các chị em của ông cũng khuyên ông tìm người khác, ông cương quyết lắc đầu. Ông nói, đời người… sống như cây tùng cây bách mới khó, chứ sống như loài cỏ dại thì có khó gì.
Có khi bắt gặp đâu đó những cảnh vợ phản bội chồng, chồng ruồng bỏ vợ, tôi lại nhớ đến những con người đáng kính ấy, để củng cố niềm tin vào cuộc đời, để thấy cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao…
Phạm Thư