Khi chính khách “say nắng” - Bài 5: “Mẫu hậu” Bernadette Chirac

15/03/2014 - 13:02

PNO - PN - Là một chính khách, bà Bernadette Chirac biết phải làm gì để giữ thể diện và tài sản chính trị của chồng - cựu Tổng thống Jacques Chirac - mỗi khi đụng chuyện.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mẫu hậu (2011) là tựa một cuốn sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của bà Bernadette Chirac. Bà được nữ tác giả Pascale Tournier, một cây bút kỳ cựu của nhật báo France-Soir, mô tả là “một phụ nữ cương nghị, không khoan nhượng, có ảnh hưởng lớn trong cánh hữu Pháp và được lòng dân”. Đồng thời, bà cũng là một phụ nữ chịu đựng nhiều ngang trái trong cuộc sống gia đình. Chồng bà, ông Jacques Chirac, là một người đào hoa ngay từ lúc chưa cưới nhau.

Khi chinh khach “say nang” - Bai 5: “Mau hau” Bernadette Chirac

Bà Bernadette Chirac - Ảnh: The Guardian

Cú sốc đầu đời

Năm 1951, Bernadette Chodron de Courcel gặp Jacques Chirac khi học chung Học viện chính trị Sciences Po danh giá. Lúc bấy giờ Chirac đã nổi tiếng “sát gái”. “19 tuổi, anh ấy là một nhà tổ chức, một chàng trai rất quyến rũ. Anh ấy hút hồn rất nhiều con gái” - Bernadette từng nhận xét như vậy. Một hôm Chirac mời Bernadette học nhóm chung. Sẵn có cảm tình, Bernadette gật đầu, tích cực đọc sách, tìm tư liệu cho Chirac. Chàng sinh viên bảnh trai này cũng đáp lại bằng những cú điện thoại, những lời thì thầm chan chứa tình cảm. Đối với Bernadette, đó không phải là cú sét ái tình mà là những rung động đầu đời vô cùng sâu sắc.

Rồi Chirac thực hiện một chuyến phiêu lưu đến Mỹ, nơi anh được Đại học Harvard tiếp nhận làm sinh viên chương trình học hè năm 1952 ở bang Nam Carolina. Tại đây, anh phải lòng Florence Herlihy, một cô gái tóc vàng quê ở Virginia, tự ý làm lễ đính hôn và xin cha mẹ cho cưới. Cha ông Chirac phản đối quyết liệt: “Tương lai của con là ở Paris, trường đại học Bách Khoa”. Thế là chấm dứt cuộc tình nổi hứng kiểu Mỹ. Bernadette biết rõ chuyện này, buồn không thể tả.

Thế nhưng, khi ông Chirac hỏi cưới vào tháng 10/1953, Bernadette gật đầu ngay, bất chấp sự “bằng mặt nhưng không bằng lòng” của cha mẹ. Dòng họ Chodron de Courcel thuộc tầng lớp tư sản có máu mặt ở Paris, trong khi dòng họ Chirac thuộc tầng lớp tiểu tư sản. Một đám cưới không hoành tráng diễn ra ngày 16/3/1956 tại nhà thờ lớn Sainte-Clotilde như mong muốn của nhà trai và tại nhà thờ nhỏ Jésus-Enfant khiêm tốn hơn theo yêu cầu của nhà gái.

Hãy nhớ tấm gương Napoléon

Từ năm 1974, ông Jacques Chirac - lúc bấy giờ là thủ tướng dưới trào Tổng thống Valéry Giscard d’Estaing - yêu chết mê chết mệt bà Jacqueline Chabridon, nữ phóng viên tờ Le Figaro. Đây là một cuộc tình sâu đậm nhất của ông Chirac kéo dài hơn hai năm.

Trong cuốn Les Amazones de la République viết về những mối tình nổi đình nổi đám giữa chính khách và các nữ nhà báo không những có tài mà còn xinh đẹp, tác giả Reneau Reven, cũng là một nhà báo của tờ L’Express, cho biết, ông Chirac thường trốn khỏi văn phòng làm việc lúc ban trưa để đến với người yêu.

Khi chinh khach “say nang” - Bai 5: “Mau hau” Bernadette Chirac

Vợ chồng Bernadette và Jacques Chirac - Ảnh: Pure People

Có lần ông Chirac công du Ấn Độ và dẫn theo bà Jacqueline Chabridon thay vì bà Bernadette. Một nữ nhà báo hãng tin AFP chụp ảnh đôi uyên ương ở New Delhi kèm theo dòng chú thích “Thủ tướng Jacques Chirac và phu nhân viếng thăm New Delhi”. Cách trêu chọc này không làm ông Chirac chột dạ. Bởi lúc đó ông đã nghiêm túc nghĩ đến chuyện ly hôn vợ. Ông Chirac chỉ chịu từ bỏ ý nghĩ nói trên khi hai cố vấn thân cận là bà Marie-France Garaud và ông Pierre Juillet cảnh cáo rằng, cử tri Pháp sẽ không bao giờ bầu một ứng viên tổng thống phản bội vợ. Câu nói này đánh trúng điểm yếu là tham vọng trở thành tổng thống của ông Chirac.

Hơn nữa, bà Bernadette - người luôn luôn đồng hành và giúp ông trở thành thủ tướng, chủ tịch đảng RPR và thị trưởng Paris năm 1976 - cũng từng cảnh tỉnh chồng: “Anh nên nhớ rằng kể từ ngày Napoléon từ bỏ Joséphine, ông ấy đã mất tất cả”. Jacqueline Chabridon không phải là “mối tình nhà báo” duy nhất. Trong những năm 1990, ông Chirac thường xuyên hẹn hò với Elizabeth Friedrich, phóng viên hãng tin AFP. Một lần nữa, bà Bernadette lại ra tay một cách khôn khéo. Bà điều đình với tình địch “đổi tình lấy bất động sản”.

Lá rụng về cội

Theo kết quả nghiên cứu năm 2012 của trang mạng Gleeden.com, “nước Pháp vô địch về chuyện ngoại tình” trên bình diện thế giới, nhưng có đến 53% người được hỏi tin rằng “đàn ông có thể lăng nhăng nhưng vẫn yêu vợ”. Theo vị chuyên gia Matthew Waren của trang mạng này, đó là trường hợp của hai vị tổng thống Jacques Chirac và François Mitterrand.

Bà Bernadette đồng ý với nhận định trên. Trong cuốn Đối thoại với Patrick de Carolis xuất bản năm 2001, bà xác nhận ông Chirac là một người đàn ông trăng hoa. “Ông ấy rất thành công trong chuyện tán gái. Chẳng có gì là khó hiểu bởi ông ấy rất đẹp trai, thích tán tỉnh, lại vui tính”. Biết như vậy nhưng bà không sợ mất chồng, bởi vì “cha tôi từng nói lá rụng về cội, nó đi đâu thì cũng sẽ trở về với con thôi”. Điều quan trọng là bà tin vào điều đó và trong thực tế đúng là như vậy. Nhưng dư luận cũng tự hỏi: động cơ nào khiến bà Bernadette luôn tha thứ cho chồng? Tình yêu không toan tính là một chuyện, nhưng không thể giải thích hết.

Bà Bernadette Chirac không phải là một người vợ bình thường. Bà cũng là một chính khách thuộc đảng UMP đối lập hiện nay. Bà là cựu đệ nhất phu nhân Pháp duy nhất được nhân dân tiếp tục tin cậy bầu vào Hội đồng tỉnh Corrèze, nơi bà làm việc từ năm 1979 đến 2011. Từng được coi là cặp “song kiếm hợp bích” trên chính trường Pháp giống như vợ chồng Bill Clinton ở Mỹ, hai vợ chồng ông Chirac đã hỗ trợ lẫn nhau trong sự nghiệp chính trị. Bà Bernadette đặc biệt đã hy sinh rất nhiều mỗi khi nổ ra scandal tình ái của ông chồng.

Bà Bernadette từng giải thích động cơ của mình trong cuốn Đàm thoại: “Tôi còn con cái, truyền thống gia đình và ý thức trách nhiệm”. Bà còn có một niềm tin sắt đá: “Tôi là điểm tựa cuối cùng của ông ấy”. Tóm lại, chính sức mạnh tinh thần khiến bà chung thủy với chồng. Bà Bernadette thuộc týp “phụ nữ kiểu xưa” như người ta thường nói. Vả lại, thời ông Chirac “tung hoành trên tình trường” bạo nhất, internet và các mạng xã hội chưa phổ biến lắm cho nên áp lực xã hội cũng chưa dữ dội như bây giờ.

Về cuối đời, sức khỏe ông Chirac suy sụp khá nhanh kể từ khi bị tai biến mạch máu não năm 2005. Ông còn dính líu đến pháp lý trong những nghi án tham nhũng, làm trái quy định thời làm thị trưởng Paris. Toàn những chuyện buồn khiến ông sống ẩn dật. Cho đến bây giờ, bà Bernadette vẫn là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất của ông.

TRỌNG NGHĨA 

Bài cuối: Jackie từng gặp Marilyn Monroe

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI